Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao: Phối hợp chặt chẽ trong đào tạo và tuyển dụng

.

Thị trường lao động Đà Nẵng đang “khát” nhân lực chất lượng cao. Để đáp ứng được điều này, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ trong đào tạo và tuyển dụng.

Đà Nẵng đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao có chuyên môn sâu trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số. Ảnh: PHONG LAN
Đà Nẵng đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao có chuyên môn sâu trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến năm 2025, thành phố Đà Nẵng cần thêm hơn 250.000 lao động. Một số ngành như tài chính, kế toán, lễ tân khách sạn, nhân sự, quản trị kinh doanh... đòi hỏi số lượng lớn nhân sự có trình độ đại học trở lên.

Bên cạnh đó, những tiến bộ công nghệ đang làm giảm thiểu không ít công đoạn thông qua tự động hóa, trí tuệ nhân tạo…, đồng thời tạo ra những vị trí việc làm mới. Điều này, đòi hỏi người lao động phải nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng xã hội và liên tục phát triển bản thân. Song trên thực tế, nhiều ngành nghề ở Đà Nẵng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực chất lượng.

Ông Nguyễn Diễn, nguyên Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, gần một nửa cơ sở lưu trú du lịch ở Đà Nẵng gặp khó trong việc tuyển các vị trí cấp cao và cấp trung (quản lý khách sạn, quản lý lễ tân...).

Đối với các đơn vị lữ hành, các vị trí khó tuyển dụng nhất là quản lý, ban giám đốc và giám sát bộ phận điều hành. Trong khi đó, các nhà hàng, khách sạn gặp khó khi tuyển bếp trưởng, giám đốc, quản lý bộ phận trực tiếp phục vụ khách… Nguyên nhân lớn nhất là không tìm được nguồn nhân lực đạt yêu cầu.

Đà Nẵng đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao có chuyên môn sâu trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số.
Đà Nẵng đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao có chuyên môn sâu trong lĩnh vực phần mềm, nội dung số.

Cũng trong lĩnh vực du lịch, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) chia sẻ, nhiều sinh viên ngành du lịch sau khi ra trường vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu chuyên môn và ngoại ngữ. Đa phần các sinh viên chỉ biết tiếng Anh ở mức độ căn bản, còn những ngoại ngữ khác như tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Đức… thì đặc biệt hiếm.

Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp của nhiều sinh viên cũng đang là một trở ngại lớn. Khi đi thực tập hay thử việc, có em quá tự tin, cho rằng mình phải làm những việc “lớn” chứ không chịu bắt tay vào từ những việc nhỏ, tỉ mỉ, cũng có em quá tự ti dẫn đến bị động trong quan hệ và công việc.

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, theo Sở Thông tin và Truyền thông, thành phố Đà Nẵng đang thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm làm việc trong các mảng ưu tiên như phát triển ứng dụng di động; sản xuất ứng dụng phục vụ chính quyền điện tử, thành phố thông minh; an ninh mạng...

Đặc biệt, các doanh nghiệp cung cấp phần mềm và nội dung số cho Mỹ, Nhật Bản, EU... cần có quy trình quản lý và phát triển phần mềm theo chuẩn quốc tế như Agile, Scrum, CMMi… Hiện Đà Nẵng vẫn thiếu nhân lực có thể đáp ứng các mô hình này.   

PGS.TS Đào Hữu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, để khắc phục những tồn tại trong thời gian qua, cả nhà trường và doanh nghiệp cần thay đổi cách nghĩ, cách làm trong hợp tác đào tạo. Nhà trường hướng tới mục tiêu sinh viên ra trường làm việc hiệu quả, được nhà tuyển dụng đón nhận. Còn doanh nghiệp cũng phải nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

uốn có nguồn nhân lực giỏi, phải góp công, góp của cùng nhà trường để đào tạo. PGS.TS Hòa đề xuất, doanh nghiệp nên lập kế hoạch chi tiết về yêu cầu ngành nghề, trình độ, số lượng nhân sự... Nhà trường cũng cần linh hoạt các hình thức đào tạo như học tập trung ngắn hạn, tại chức, học qua mạng hoặc đưa giảng viên đến doanh nghiệp dạy.

Đối với Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, việc gắn kết đào tạo với doanh nghiệp chính là một yếu tố để thu hút người học. ThS Hồ Viết Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cho biết, nhà trường xem việc đào tạo theo hướng thực hành và tạo lập nghề nghiệp là vấn đề cốt lõi; xem việc người học có việc làm và làm được việc là tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo.

ThS Hà đề xuất các hiệp hội nghề nghiệp xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề để làm cơ sở cho các trường dạy nghề xây dựng chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, cần có những dự báo, thống kê về nguồn cung ứng lao động tại địa phương và khu vực, giúp nhà trường xác định ngành nghề, số lượng tuyển sinh hiệu quả hơn.

Nói về vấn đề tạo nguồn nhân lực, ông Lê Minh Phúc, Giám đốc Công ty TNHH Khu Du lịch biển VinaCapital Đà Nẵng cho rằng, các trường đại học ở Đà Nẵng nên có chương trình đào tạo cao cấp, chuyên sâu, mang tính quốc tế.

Ông Phúc cho rằng, cần có những chương trình, khóa học định hướng sâu cho sinh viên để nâng cao năng suất lao động - một yếu tố hiện còn rất thấp. Mục tiêu mà Đà Nẵng hướng đến không chỉ là cung cấp đủ nhân lực trong địa phương, mà còn cho các tỉnh, thành lân cận.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần xem mình là doanh nghiệp, phải cạnh tranh bằng cách xây dựng chiến lược đào tạo phù hợp với việc tuyển dụng của doanh nghiệp và xu hướng phát triển của thành phố. Ông Bình cũng cho rằng, thành phố nên có cơ chế cho các cơ sở hướng nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ giảng dạy.

Trong khi đó, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết hiệp hội sẽ phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước để dự báo, định hướng nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới. Trong nhiều năm qua, hiệp hội đã liên kết với nhiều trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng để xây dựng khung chương trình đào tạo chuyên ngành du lịch.

Sắp tới, hiệp hội sẽ thành lập đơn vị chuyên trách đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời đứng ra kết nối cộng đồng doanh nghiệp du lịch với cơ sở đào tạo để “đặt hàng”, tiếp nhận sinh viên thực tập…

Bài và ảnh: PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.