Năng lượng mặt trời cho một tương lai xanh

.

Nằm giữa dải đất miền Trung đầy nắng gió với cường độ bức xạ trung bình 4,89 kWh/m2/ngày, Đà Nẵng là một thành phố có tiềm năng phát triển điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời lắp mái. Với chủ trương hướng tới “Thành phố môi trường”, từ năm 2017, Đà Nẵng đã phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) triển khai dự án Phát triển năng lượng mặt trời, đem lại nhiều hiệu quả kinh tế.

Hệ thống pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái Bệnh viện Ung bướu (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).
Hệ thống pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái Bệnh viện Ung bướu (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).

Căn nhà của chị Mai Thị Ba nằm trong một con hẻm trên đường Lê Văn Hiến, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Nhìn từ xa, căn nhà trông có phần khác những ngôi nhà chung quanh, bởi trên mái nhà có lắp các tấm pin năng lượng mặt trời do Dự án Phát triển năng lượng mặt trời của EU tài trợ. Chị Ba cho biết, gia đình chị thường dùng nhiều thiết bị điện như máy giặt, tivi, tủ lạnh, máy tính, đồ làm bếp… nên mỗi tháng tiền điện tiêu tốn khoảng trên 1 triệu đồng. Giữa tháng 6 vừa qua, gia đình chị bắt đầu được vận hành pin năng lượng mặt trời, đến tháng 7 thì được đấu nối lên lưới điện quốc gia. “Qua hơn 3 tháng, tôi nhận thấy mỗi tháng gia đình chúng tôi tiết kiệm khoảng 500.000 đồng tiền điện”, chị Ba nói.  

Bệnh viện Ung bướu tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu là một trong những đơn vị công lập được lựa chọn để nhận hỗ trợ từ Dự án Phát triển năng lượng mặt trời.

Bệnh viện hiện có 900 giường bệnh nội trú, tiền điện tiêu thụ hằng tháng trên dưới 800 triệu đồng. Sau khi tiến hành khảo sát, nhóm dự án đã lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời khu điều trị nội trú, bổ sung nguồn điện phục vụ nhu cầu sử dụng của bệnh nhân tại đây. BS Trần Tứ Quý, Giám đốc bệnh viện cho biết, kể từ tháng 6-2019, nguồn điện năng lượng mặt trời đã giúp nguồn điện ở bệnh viện ổn định.

Sau giai đoạn thử nghiệm, Bệnh viện Ung bướu dự kiến sẽ mở rộng diện tích lắp đặt để tận dụng diện tích khu nhà. Trong thời gian tới, cấu phần của điện sạch từ nguồn năng lượng mặt trời sẽ đóng góp quan trọng vào nguồn điện của bệnh viện.

Trong khi đó, cuối tháng 9 vừa qua, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, phường Thuận Phước, quận Hải Châu là  một trong những đơn vị thụ hưởng Dự án Phát triển năng lượng mặt trời của EU - khánh thành hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái nối lưới.

Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong 3 tháng hè vận hành thử nghiệm, hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái đã sản xuất tổng sản lượng điện hơn 3,5kWh, tiết kiệm 25-30% tổng nhu cầu sử dụng điện của nhà trường. Hệ thống điện mặt trời không những bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm chi phí cho nhà trường trung bình 2,2 triệu đồng/tháng”.

Dự án Phát triển năng lượng mặt trời do EU tài trợ được triển khai thực hiện từ tháng 7-2017 đến tháng 10-2019 tại Đà Nẵng, với mục tiêu góp phần tăng khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sạch, bền vững. Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng (DECC - thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) là đơn vị trực tiếp thực hiện dự án.

Sau 2 năm thực hiện, dự án đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, bản đồ tiềm năng năng lượng mặt trời cho thành phố hiện đang hoạt động trên trang chủ http://nlmtdanang.com.vn/ nhằm giúp cơ quan quản lý, các chủ đầu tư và các hộ gia đình tiếp cận thông tin (tiềm năng năng lượng mặt trời về mặt lý thuyết và kỹ thuật; dữ liệu các dự án điện mặt trời đã lắp đặt trên địa bàn thành phố; công cụ tính toán tham chiếu để đưa ra quyết định đầu tư…).

Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn đối với mô đun quang điện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt vào giữa tháng 7-2019; phát hành sổ tay Hướng dẫn phát triển các dự án điện mặt trời lắp mái và tiến hành nghiên cứu tiềm năng ứng dụng năng lượng mặt trời tại một số ngành công nghiệp như dệt may, chế biến thực phẩm, sản xuất giấy, dược phẩm... tại Đà Nẵng.

Ngoài ra, dự án đã và đang tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao nhận thức của hơn 100 học viên về lợi ích của điện mặt trời, lồng ghép với việc tham quan các hệ thống điện mặt trời để có hiểu biết thực tiễn. Hiện nay, với sự hỗ trợ của EU, phòng trưng bày thiết bị tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo (đặt tại DECC, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) đã được trang bị các thiết bị và công nghệ tiên tiến như: đèn năng lượng mặt trời, túi xách, balo ứng dụng năng lượng mặt trời, cột đèn năng lượng mặt trời, ống năng lượng mặt trời solartube, hệ thống pin năng lượng mặt trời...

Bà Nguyễn Thị Thu, Quản lý dự án Phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng chia sẻ: “Mặc dù là dự án quy mô cấp địa phương nhưng với những nỗ lực không ngừng, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục lan tỏa để nhân rộng và góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời tại thành phố Đà Nẵng. Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục và tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông và nâng cao năng lực với mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích mà điện mặt trời mang lại và lan tỏa thông điệp “Năng lương mặt trời cho một tương lai xanh” mà xuyên suốt quá trình thực hiện dự án chúng tôi hướng tới”.

Trên cơ sở kết quả lựa chọn, hệ thống điện năng lượng mặt trời được lắp đặt tại 4 cơ sở công gồm có: Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng, Trường THCS Hoàng Diệu và Trường tiểu học Võ Thị Sáu với tổng công suất lắp đặt 8,25 kWp/hệ và 6 hộ gia đình với tổng công suất lắp đặt 2,75 kWp/hệ. Tất cả các hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái về cơ bản đã đi vào vận hành từ tháng 6-2019 và đã hòa lên lưới điện quốc gia cung cấp một phần nhu cầu sử dụng điện cho các cơ sở công và các hộ gia đình được chọn.

Như vậy, tổng công suất lắp đặt là 49,5kWP, tổng sản lượng điện tạo ra là 72.270kWh/năm. Tổng chi phí tiết kiệm điện đối với các cơ sở công là 26 triệu đồng/hệ/năm, đối với hộ gia đình là 8,6 triệu đồng/hệ/năm. Dự kiến sẽ mất 8 năm hoàn vốn đối với cơ sở công, 6 năm hoàn vốn đối với hộ gia đình.

Bài và ảnh: KHANG NINH

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.