Do mùa mưa bão năm 2019 không xảy ra lũ lớn ở thượng nguồn sông Vu Gia nên trữ lượng nước tích được trong 2 hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 ở mức rất thấp. Cả 2 hồ đã hạn chế xả nước từ cuối tháng 11, thậm chí dừng xả nước từ đầu tháng 12-2019 để tích nước trong thời gian dài. Như vậy, thành phố Đà Nẵng cần có biện pháp chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước.
Các hồ thủy điện ở thượng lưu sông Vu Gia hạn chế xả nước dài ngày do khô hạn bất thường. Ảnh: NAM TRÂN |
Đến chiều 18-12, ngay đầu mùa cạn, mực nước trong hồ thủy điện A Vương chỉ ở mức 351,86m, thấp hơn mực nước dâng bình thường (380m) đến 28,14m; mực nước trong hồ thủy điện Sông Bung 4 chỉ ở mức 217,25m, thấp hơn mực nước dâng bình thường (222,5m) đến 5,25m; hồ Sông Bung 2 là 585,46m, thấp hơn mực nước dâng bình thường (605m) đến 19,54m. Trong khi đó, trong 2 ngày 16 và 17-12, do mực nước sông Vu Gia hạ thấp, mực nước tại đập dâng An Trạch chỉ dao động dưới mức 1,7m, thấp hơn 0,3m so với cao trình vận hành bình thường đập dâng An Trạch và Trạm bơm phòng mặn An Trạch.
Theo Công ty CP Thủy điện A Vương, do tình hình khô hạn về nguồn nước trong các tháng mùa mưa bão năm 2019, thủy điện A Vương đã hạn chế phát điện từ ngày 22-11-2019 và dừng phát điện hoàn toàn từ ngày 1-12-2019 để ưu tiên tích nước. Trong điều kiện nguồn nước về hồ thủy điện A Vương giảm thấp do tình hình thời tiết, thủy văn cực đoan kéo dài, thủy điện A Vương vừa phải tham gia vận hành trong thị trường điện, vừa phải thực hiện tích nước bảo đảm mực nước tối thiểu theo quy định nên sẽ rất khó khăn trong việc bảo đảm giữa phát điện kết hợp cung cấp nước cho mùa khô năm 2020. Dự báo, với lưu lượng nước về hồ chứa như hiện nay, dự kiến đến ngày 1-4-2020, mực nước trong hồ thủy điện A Vương mới đạt mức quy định và mới có thể chủ động vận hành bình thường. Do đó, Công ty CP Thủy điện đã có văn bản gửi UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đề nghị có biện pháp ứng phó với tình hình khô hạn bất thường.
Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, theo tính toán, với lưu lượng nước lưu giữ trên các cánh rừng đầu nguồn và nước về hồ, đến hết tháng 3-2020, hồ thủy điện A Vương mới tích đủ cao trình mực nước theo quy định, nên dự kiến đến đầu tháng 4-2020 mới có đủ cao trình mực nước để vận hành bình thường. “Theo dự báo, tình hình thiếu nước về hồ thủy điện A Vương trong năm 2020 không căng thẳng bằng năm 2019 nhưng rất căng thẳng so với trung bình nhiều năm. Mặt khác, nhiều hồ thủy điện lại cùng thiếu nước nên cũng rất căng thẳng. Trong thời gian hạn chế xả nước, thậm chí dừng xả nước hoàn toàn (đến hết tháng 3-2020), nếu Đà Nẵng có yêu cầu xả nước thì phối hợp với tỉnh Quảng Nam huy động hồ thủy điện A Vương xả nước; nếu tình hình thiếu nước, nhiễm mặn đặc biệt nghiêm trọng thì đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo điều tiết nước khẩn cấp”, ông Ngô Xuân Thế nói.
Ông Lê Đình Bản, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung (quản lý, vận hành 2 hồ thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4) cho biết, đã gần như dừng xả nước hồ thủy điện Sông Bung 4 từ đầu tháng 12-2019 và sẽ hạn chế xả nước đến ngày 1-2-2020 để tích nước. “Thực tế là không thể dừng xả nước hoàn toàn vì làm như vậy thì hạ du sẽ thiếu nước. Vì thế, chúng tôi hạn chế xả nước, để tùy tình hình ở hạ du cũng như hệ thống điện, thủy điện Sông Bung 4 sẽ vận hành xả nước, phát điện. Đồng thời theo dõi sát sao tình hình nguồn nước ở hạ du để sẵn sàng phối hợp vận hành điều tiết nước, nhất là khi xảy ra thủy triều dâng cao”, ông Lê Đình Bản nói.
Mực nước trong các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia đều rất thấp do không xuất hiện lũ lớn trong mùa mưa bão năm 2019. |
Còn ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho hay, mặc dù mực nước tại đập dâng An Trạch đang hạ thấp, nhưng nhờ có nguồn nước sông Túy Loan dồi dào và chưa có hiện tượng triều cường nên sông Cầu Đỏ vẫn chưa nhiễm mặn nặng. Tuy vậy, Dawaco vẫn đang theo dõi tình hình nhiễm mặn sông Cầu Đỏ và nguồn nước ở sông Vu Gia cũng như tại đập dâng An Trạch; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng vật liệu, phương tiện, máy móc, nhân lực để khi có lệnh của UBND thành phố là tiến hành đóng cọc cừ, đắp đập ngăn mặn giữ ngọt trên sông Cẩm Lệ và các giải pháp ứng phó với tình hình nhiễm mặn. Cùng với đó, Dawaco đang nỗ lực thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư công trình mở rộng Trạm bơm phòng mặn An Trạch và tuyến ống dẫn nước thô về Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Theo ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4 hạn chế xả nước, tùy theo cao trình mực nước sông Vu Gia, hồ thủy điện Đak Mi 4 vận hành xả nước về sông Vu Gia kể từ sau ngày 15-12-2019 để bổ sung nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn cùng Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn sông Cầu Đỏ, nguồn nước sông Vu Gia để đề xuất UBND thành phố có văn bản đề xuất tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các hồ thủy điện điều tiết nước, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp.
Xâm nhập mặn sớm và mạnh hơn nhiều năm Theo bản tin dự báo thời tiết thủy văn tại thành phố Đà Nẵng từ tháng 12-2019 đến tháng 5-2020 của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ (ban hành ngày 16-12-2019), từ nay đến ngày 31-12-2019, dòng chảy trên sông Vu Gia và các sông ở Đà Nẵng chủ yếu biến đổi chậm. Sang tháng 1-2020, dòng chảy có xu thế giảm dần đến tháng 5-2020 mới có khả năng được bổ sung thêm. Mực nước trung bình từ tháng 12-2019 đến tháng 5-2020 trên sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng 5cm (có thể do thủy triều cao), trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ đến 26cm. Lưu lượng dòng chảy trung bình ở thượng lưu sông Vu Gia chỉ đạt khoảng 40-50% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Trong mùa khô năm 2020, xâm nhập mặn có khả năng sẽ xuất hiện sớm hơn và ở mức mạnh hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, mực nước trên sông Vu Gia có khả năng xuống thấp hơn giá trị mực nước thấp nhất lịch sử cùng kỳ. |
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP