Ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch là rất cần thiết cho mỗi địa phương. Việc kết nối công nghệ thông tin đã giúp du khách không chỉ có nhiều thông tin cho chuyến đi của mình mà còn được hưởng các tiện ích khác.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng các mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng, cập nhật các xu thế mới, các tiện ích của công nghệ để phục vụ tốt nhất cho khách hàng.
Theo Sở Du lịch, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng có 871 cơ sở lưu trú du lịch, 369 đơn vị kinh doanh lữ hành. Đa số các doanh nghiệp, đơn vị đều có các trang web riêng của mình, giới thiệu các sản phẩm tour, dịch vụ phòng... để du khách tham khảo. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã và đang vận dụng rất tốt các công cụ marketing trực tuyến này để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của đơn vị mình tới khách hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Giám đốc kinh doanh - Công ty Dịch vụ Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát cho biết, từ giữa năm 2019, công ty đã đưa vào ứng dụng mã QR trong dịch vụ bán tour cho khách. Tức là khi khách mua tour, phía công ty sẽ bán sản phẩm này theo hình thức xuất bằng mã QR. Khách hàng sẽ nhận được mã qua thư điện tử hoặc zalo.
Khi tới điểm đến, nhân viên vào cổng sẽ quét mã xác nhận, tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí giao vé cho khách hàng. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh dịch vụ, nhất là kinh doanh lưu trú, ngoài hệ thống đặt phòng từ hệ thống của đơn vị mình cũng có thêm các kênh khác để kết nối với khách hàng như thông qua các trang đặt phòng là bên thứ ba… Tương tự, mới đây Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cũng đã thiết lập mã QR để du khách dễ dàng tiếp cận với fanpage hỗ trợ du khách của trung tâm khi cần.
Từ đầu năm 2019, Bảo tàng Đà Nẵng cũng sử dụng mã QR để hỗ trợ du khách khi tham quan bảo tàng. Theo đó, khi du khách tham quan tại bảo tàng, chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối internet, du khách quét mã QR ở mỗi hiện vật hệ thống thuyết minh tự động sẽ giúp du khách nắm bắt được các thông tin về hiện vật trưng bày tại bảo tàng.
Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, việc ứng dụng công nghệ thông tin này hỗ trợ được cho nhiều khách tham quan cùng một lúc, nhất là những du khách đi lẻ không theo đoàn.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho rằng, theo xu hướng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch là rất cần thiết nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định.
“Hiện nay các doanh nghiệp đa phần đều ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp, kết nối du khách với doanh nghiệp tại điểm đến một cách nhanh chóng thông qua các kênh như website, trang mạng xã hội... Trong tương lai không xa, những doanh nghiệp kinh doanh truyền thống sẽ không còn phù hợp. Hiện tại doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm nhân sự và công nghệ phù hợp để khai thác online bởi vài năm nữa mảng marketing online sẽ thay thế hoàn toàn cách tiếp cận khách hàng truyền thống như hiện nay”, ông Tùng nhìn nhận.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, theo xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Du lịch thành phố đã triển khai các ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch, cụ thể là trong công tác quảng bá du lịch. Ngành Du lịch thành phố cũng đã có website riêng, triển khai 4 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Trung); triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thông qua các kênh online và được sự đón nhận, tham gia của nhiều bạn trẻ.
Hiện tại, ngành du lịch thành phố cũng đã triển khai các hoạt động khác như thư điện tử, emagazine để tạo sự mới mẻ cho những người đang tìm kiếm thông tin tại điểm đến. Năm 2019, Sở Du lịch phối hợp với TikTok (một ứng dụng mạng xã hội) triển khai chiến dịch “Tôi yêu Đà Nẵng” đã đạt được khoảng 86.500 lượt người xem. Thành phố Đà Nẵng cũng là địa phương tiên phong trong cả nước, triển khai hệ thống chatbot và một số ứng dụng khác để phục vụ cho du khách.
Ông Bình cho biết, ngành Du lịch thành phố mong muốn được đầu tư cho ứng dụng công nghệ, hỗ trợ quảng bá hình ảnh. Sở cũng đã tham gia đề án thành phố thông minh, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối được các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, phối hợp xây dựng khung kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.
Từ khung kiến trúc này, du lịch Đà Nẵng như một sân ga, các dịch vụ có thể đấu nối vào đó, cơ sở dữ liệu này sẽ được hoàn thiện, gắn bó chặt chẽ với các doanh nghiệp để người xem có thể tiếp cận được các thông tin, chính sách mới... Ông Bình cho rằng, ưu tiên các ứng dụng phát triển công nghệ thông tin không chỉ giới thiệu những gì mình có mà còn góp phần hỗ trợ cho điểm đến trong việc quảng bá, xúc tiến, kể cả xây dựng phát triển sản phẩm...
HÀ KHUÊ