Ngày 17-1, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Kinh tế Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Đảng ta đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thứ ba, trái sang) và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Với tư duy đó, Ban Kinh tế Trung ương đã đồng hành với Chính phủ trên mặt trận kinh tế. Nêu bối cảnh tình hình khu vực và thế giới dự báo tiếp tục có biến động khó lường, những thách thức và thuận lợi đan xen đối với sự phát triển của đất nước thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các ban xây dựng Đảng, đặc biệt là Ban Kinh tế Trung ương cùng các bộ, ban, ngành và Chính phủ cần đoàn kết cùng vượt khó, phối hợp tốt hơn nữa để đưa đất nước tiến lên.
Trong đó, về vấn đề kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển hiện nay là thể chế, nút thắt về tư duy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Kinh tế Trung ương phải là cơ quan tiên phong trong đổi mới tư duy, dẫn dắt, định hướng cho sự phát triển của đất nước thông qua việc hiện thực hóa các đề xuất, kiến nghị của Ban thành nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, chỉ thị của Ban Bí thư. Những đề xuất xây dựng các chương trình chiến lược, các đề án cũng như góp ý cho những văn bản quy phạm pháp luật cần hướng đến mục tiêu chất lượng cao hơn, mang tầm chiến lược, sát với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thời đại công nghệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất vấn đề mang tầm chiến lược mà chúng ta cần phải thúc đẩy mạnh mẽ ngay trong năm 2020, chẳng hạn như biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế toàn cầu và cuộc sống của con người. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt vấn đề nước ta là một quốc gia biển với 28 tỉnh, thành phố giáp biển. Như vậy, nền kinh tế không chỉ phát triển theo hướng bền vững mà còn phải gắn chặt với tài nguyên biển. Do đó, đường lối phát triển kinh tế biển cần tận dụng được tiềm năng kinh tế biển rất lớn của nước ta. Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần đặt vấn đề tận dụng được cơ cấu dân số vàng cho phát triển.
Về mô hình đặc khu kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề mô hình này đã giúp nhiều quốc gia vươn lên và nhanh chóng tham gia các nhóm quốc gia công nghiệp phát triển. “Những mô hình thế giới, khu kinh tế, khu công nghiệp, những đặc khu kinh tế là những mô hình mà chúng tôi nghĩ rằng phải tiếp tục nghiên cứu tốt hơn. Ban Kinh tế sẽ giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như Chính phủ tiếp tục phối hợp xử lý vấn đề này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định đề án, dự án, đề cao tính khoa học khách quan, phản biện. Cùng với đó là nâng cao chất lượng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện những bất hợp lý trong thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách trong tổ chức thực hiện, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy sự phát triển.
Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Kinh tế Trung ương và Ban cán sự Đảng, Chính phủ cụ thể hơn, hằng quý đều phải có sơ kết rút kinh nghiệm. Nhắc đến những dự thảo văn kiện quan trọng mà các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII đang xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Kinh tế Trung ương chủ động tích cực tham gia đóng góp cả về lý luận, thực tiễn, phát triển nhân tố mới, những mô hình tốt, đúc kết kinh nghiệm tốt, đóng góp thiết thực của việc chuẩn bị cho đại hội nói chung, trong đó có việc hoàn thiện các văn kiện của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội.
Chinhphu.vn