Cẩn trọng tái đàn heo

.

Sau khi công bố hết dịch tả heo châu Phi tại 7 xã, huyện Hòa Vang đã chỉ đạo các xã tổ chức thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phục hồi sản xuất chăn nuôi heo sau dịch. Tuy nhiên, các địa phương và đơn vị chức năng vẫn rất cẩn trọng trong việc tái đàn heo.

Hiện số lượng heo còn lại sau dịch tả heo châu Phi tại huyện Hòa Vang rất ít, nhưng cần cẩn trọng trong việc tái đàn heo để tránh tái phát dịch.   Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hiện số lượng heo còn lại sau dịch tả heo châu Phi tại huyện Hòa Vang rất ít, nhưng cần cẩn trọng trong việc tái đàn heo để tránh tái phát dịch. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang, trước đó, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, toàn huyện có đến 15.000 con heo phải tiêu hủy và tổng số tiền hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy là hơn 21,5 tỷ đồng.

Vào ngày 17-1, UBND huyện Hòa Vang đã có quyết định công bố hết dịch tả heo châu Phi tại 7 xã là Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Liên. Qua đó, huyện giao 7 xã nói trên tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi…

Do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, xã Hòa Châu đã tiêu hủy 1.263 con heo của 144 hộ gia đình với tổng khối lượng 57 tấn. “Qua kiểm đếm và rà soát, cả xã chỉ còn lại đúng 16 con heo. Người dân trên địa bàn xã chưa tái đàn heo vì cẩn trọng, lo ngại sẽ tái phát dịch. Hiện xã đang chuẩn bị triển khai hướng dẫn cho người dân tái đàn heo theo hướng chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học và đáp ứng đầy đủ các điều kiện để bảo đảm tránh tái phát dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ chăn nuôi”, ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho hay.

Trước khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện, Hòa Khương là xã có nhiều hộ chăn nuôi và tổng đàn heo lớn nhất huyện Hòa Vang với 862 hộ gia đình, 2 trang trại và 1 doanh nghiệp chăn nuôi với tổng cộng 14.771 con heo.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch, xã đã tiêu hủy khá nhiều, đến nay cả xã chỉ còn hơn 4.900 con heo, chủ yếu là đang nuôi tại Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Đồng Nghệ. DNTN này chưa bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi và vừa được UBND huyện Hòa Vang chọn làm địa điểm cung cấp heo giống (có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh) phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện tái đàn. Ông Ông Văn Thông, chủ DNTN Đồng Nghệ cho hay:

“Trang trại chúng tôi đang nuôi hơn 400 con heo nái để cung cấp cho heo giống cho đơn vị cũng như hộ chăn nuôi. Một số hộ chăn nuôi đã liên hệ với chúng tôi, nhưng vì số lượng heo mua quá ít và lo sợ dễ tái phát dịch tả heo châu Phi do chăn nuôi nhỏ lẻ nên chúng tôi đã từ chối và đề nghị phải có ý kiến của Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang. Những hộ chăn nuôi có quy mô lớn và có đủ điều kiện chăn nuôi an toàn thì chúng tôi sẵn sàng cung cấp giống, chứ nếu cứ chăn nuôi nhỏ lẻ và không bảo đảm an toàn sinh học thì rất dễ tái phát dịch”.

Theo bà Ngô Thị Hạnh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang, hiện chưa có nhiều hộ tái đàn heo sau dịch tả heo châu Phi. Đơn vị đã đề nghị các xã thẩm định tất cả các điều kiện tái đàn tại các hộ chăn nuôi, đủ điều kiện thì mới được thả heo chăn nuôi lại.

Nhìn chung, các hộ và địa phương rất cẩn trọng trong việc tái đàn nhằm tránh ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi. UBND huyện Hòa Vang đã có kế hoạch tái sản xuất chăn nuôi sau dịch tả heo châu Phi với nhiều yêu cầu, điều kiện nhằm khôi phục chăn nuôi heo nhưng hạn chế thấp nhất tái phát dịch. Theo đó, chỉ được tái đàn heo tại các xã đã công bố hết dịch tả heo châu Phi và tại các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi có áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Ngoài ra, địa điểm chăn nuôi phải nằm trong quy hoạch khu vực chăn nuôi quy mô nhỏ của UBND thành phố. Các hộ, các cơ sở chăn nuôi lợn nhỏ lẻ không áp dụng được chăn nuôi an toàn sinh học thì khuyến khích chuyển sang chăn nuôi các loại vật nuôi khác phù hợp hoặc chuyển đổi ngành nghề (gà, dê, bò…).

Cẩn trọng trong việc tái đàn heo, UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi chỉ thực hiện tái đàn từng bước với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi. Sau khi nuôi được 30 ngày, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.

Nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi, mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số heo có thể nuôi được tại chuồng trại… UBND huyện Hòa Vang cũng giao UBND các xã chịu trách nhiệm triển khai, chỉ đạo và tổ chức quản lý việc tái đàn heo trong dân, tránh để xảy ra trường hợp dân tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát dẫn đến nguy cơ tái phát dịch tả heo châu Phi.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương phổ biến, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật, các quy định của Nhà nước đối với hoạt động chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật. UBND các xã lập hồ sơ, theo dõi tình hình hoạt động chăn nuôi heo sau khi tái đàn của các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi; đồng thời, xử lý đối với các trường hợp không thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để xảy ra dịch bệnh và lây lan dịch bệnh…

Bà Trần Thị Tài, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã phối hợp với UBND huyện Hòa Vang xây dựng chu đáo kế hoạch tái đàn heo theo hướng chăn nuôi sinh học; trên cơ sở có 7 xã được công bố hết dịch tả heo châu Phi, 4 xã còn lại đã trải qua 30 ngày mà chưa tái phát dịch. Đơn vị đang tiếp tục phối hợp với huyện hướng dẫn, triển khai tái đàn heo hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi và tránh việc tái phát dịch.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.