Đà Nẵng - Điểm đến an toàn - Bài cuối: Đa dạng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ

.

Quảng bá tốt hình ảnh về điểm đến, tập trung thu hút nguồn khách nội địa, công bố chương trình kích cầu du lịch để giúp doanh nghiệp “gỡ khó”, đa dạng thị trường khách hay nâng cao chất lượng dịch vụ… là những giải pháp mà ngành du lịch Đà Nẵng nói chung, các ngành, lĩnh vực khác nói riêng sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian đến để Đà Nẵng luôn là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với du khách.

Ngành du lịch thành phố và các doanh nghiệp đang rất nỗ lực chuyển hướng thị trường, thu hút khách.  Trong ảnh: Du khách tham quan tại Khu du lịch Bà Nà. Ảnh THU HÀ
Ngành du lịch thành phố và các doanh nghiệp đang rất nỗ lực chuyển hướng thị trường, thu hút khách. Trong ảnh: Du khách tham quan tại Khu du lịch Bà Nà. Ảnh THU HÀ

Thu hút khách nội địa

Đây được xem là giải pháp hợp lý trong thời điểm này nhằm giải quyết bài toán giữ ổn định cho hoạt động du lịch – dịch vụ, tạo đà vượt qua khó khăn nếu dịch  bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) tiếp tục kéo dài và gây ảnh hưởng lớn đến nhiều quốc gia vốn là thị trường khách chủ lực của Đà Nẵng trong vài năm qua như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam - Vitour, trong một vài tháng tới, thị trường khách tiềm năng đối với Đà Nẵng nằm ở nguồn khách nội địa, nhất là khi các kỳ nghỉ lễ đang đến gần. Trên thực tế, lâu nay, do Đà Nẵng thường xuyên đón lượng khách lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc… nên nguồn khách nội địa chưa được “chăm chút” nhiều dẫn tới sụt giảm sức cạnh tranh so với nhiều điểm đến khác trong cả nước.

“Covid-19 là nốt lặng để ngành du lịch tái cơ cấu lại, trong đó có việc nhìn nhận đúng vai trò của nguồn khách nội địa. Bây giờ cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời, tuyên truyền những ưu thế khi khách đến Đà Nẵng dịp này như là được hưởng nhiều quyền lợi cũng như được chăm sóc với các dịch vụ tốt hơn, thoải mái đi tham quan, không còn tình trạng chen chúc như trước đây. Đối với nguồn khách nước ngoài, theo dự báo thì khách Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ nhanh chóng phục hồi nên cần tiếp tục tăng cường thu hút họ”, ông Lê Tấn Thanh Tùng nói.    

Đồng quan điểm, ông Kelvin Ong, Giám đốc điều hành khách sạn Parze Ocean cho rằng: “Với tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, khó để dự báo dịch sẽ kéo dài bao lâu nên tại thời điểm này, khách sạn ưu tiên việc tìm kiếm, kết nối khách của thị trường khách nội địa (chiếm 50% tổng lượng khách đến lưu trú tại khách sạn) vì Đà Nẵng vẫn là điểm đến an toàn. Trong tuần qua, lượng đặt phòng (booking) của khách Việt Nam tại khách sạn đã tăng lên, hy vọng mọi thứ sẽ trở lại bình thường vào tháng 4 và tháng 5 tới đây”.

Phân tích về thị trường khách du lịch đến Đà Nẵng trong tháng 2 và dự kiến trong vài tháng tới, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, thị trường khách du lịch đến Đà Nẵng có những đặc thù như: phần lớn khách nội địa có xu hướng đi lẻ, tự đặt dịch vụ trong khi 90% khách Trung Quốc đến Đà Nẵng theo các đoàn, riêng thị trường khách Hàn Quốc thì 30% đi theo đoàn và 70% khách đi lẻ…

Do ảnh hưởng của Covid-19, thị trường khách Trung Quốc hầu như đã dừng lại, trong khi đó tỷ lệ khách Hàn Quốc hủy phòng chiếm từ 70-80% tổng lượng khách dự kiến đến Đà Nẵng. Những thị trường có dấu hiệu tốt hơn là đối với khách Đài Loan, tỷ lệ hủy tour chỉ khoảng 5-10%, thị trường khách Âu, Mỹ chỉ khoảng 15-20%, chủ yếu là do các chuyến tàu biển hoãn, hủy.

Đối với các đường bay khác từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, các nước ASEAN vẫn duy trì tần suất hoạt động, tuy nhiên công suất khai thác một số đường bay tại một số thị trường sụt giảm (Hàn Quốc giảm 50%, Nhật Bản giảm 30%). Trước tình hình này, giải pháp trước mắt mà các doanh nghiệp lựa chọn là thu hút thị trường khách nội địa nhằm góp phần duy trì hoạt động cũng như kích cầu tiêu dùng.

Đồng hành để vượt khó

Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nhìn nhận, việc ứng phó với Covid-19 là “kinh nghiệm quý” để học cách vượt qua những sự cố bất ngờ, mang tính toàn cầu cũng như xem đây là chất “xúc tác” để cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh du lịch - dịch vụ tăng cường sức “đề kháng”.

Đồng thời, Covid-19 cũng là thách thức để các cấp chính quyền cùng vào cuộc nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ nhanh chóng, linh hoạt các điểm nghẽn, tái cơ cấu lại ngành du lịch, vốn là ngành kinh tế tổng hợp, vượt qua khó khăn, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (đơn vị chuyên ươm tạo các startup du lịch), Covid-19 là cơ hội lớn để tái cấu trúc thị trường du lịch Đà Nẵng theo hướng bền vững và hội nhập. Ngoài việc phải chọn giải pháp phục hồi nhanh, cần thêm rất nhiều giải pháp sáng tạo cho trung và dài hạn, phát  triển bền vững.

Theo đó, ông Quân đề xuất, cần đẩy mạnh số hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch nhằm tiếp cận nhanh với xu thế chung của thế giới, xây dựng được những sản phẩm, dịch vụ có quy mô thị trường toàn cầu; đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực quản trị, giảm chi phí như: ứng dụng đào tạo du lịch trực tuyến, ứng dụng quản trị và cung ứng nguồn nhân lực du lịch (như ứng dụng thực tế ảo cho trải nghiệm du lịch số, ứng dụng 3D nhằm số hóa các di tích...).

Bên cạnh đó, cần quan tâm lựa chọn và có chính sách hỗ trợ các sản phẩm khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo, có yếu tố tăng trải nghiệm, du lịch bền vững... để tạo ra các chuỗi giá trị du lịch mới, phát triển thương hiệu địa phương nhằm tạo ra sự đa dạng hóa cho các chuỗi dịch vụ du lịch.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, ở thời điểm này, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Đơn cử, hỗ trợ một phần kinh phí cho các chương trình xúc tiến du lịch của doanh nghiệp, căn cứ trên đầu khách du lịch thực tế đến từ các thị trường mới mà doanh nghiệp đưa đến Đà Nẵng; tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới nhằm bù đắp số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, phát triển đội ngũ doanh nhân mới.

Với vai trò Phó Chủ tịch Hội Khách sạn thành phố, Nguyễn Đức Quỳnh cho rằng, để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp phải tự thân vận động bằng nhiều giải pháp như tiết kiệm các chi phí không cần thiết; giảm nhân sự bằng cách khuyến khích trả các ngày nghỉ phép năm cho nhân viên… Đồng thời, xem đây là dịp để các cơ sở lưu trú duy tu bảo dưỡng khách sạn sau thời gian dài hoạt động; tập trung công tác đào tạo nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân viên cấp cao, tạo thêm được bản sắc riêng của doanh nghiệp…

Sở Du lịch cho biết, trước mắt, sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế triển khai các biện pháp phòng chống Covid-19; xây dựng các trailer ngắn để đăng tải trên các trang thông tin, cổng thông tin, ứng dụng của ngành du lịch nhằm tuyên truyền mạnh hơn về môi trường du lịch an toàn, an ninh y tế của điểm đến Đà Nẵng đến các thị trường khách quốc tế, các đơn vị hoạt động trong ngành du lịch; tập trung thu hút thị trường khách nội địa.

Về dài hạn, ngành du lịch tập trung tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực hoạt động trong ngành, chất lượng dịch vụ; triển khai quyết liệt kế hoạch đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế, ưu tiên thị trường gần có kết nối đường bay trực tiếp, đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia..), Úc, Nga, Ấn Độ... Việc chú trọng đường bay trực tiếp Doha - Đà Nẵng do Qatar Airways khai thác mở ra cơ hội kết nối Đà Nẵng với hơn 150 điểm đến từ thị trường Tây Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ.

Song song đó, ngành phối hợp với các hãng hàng không mở đường bay trực tiếp đến Ấn Độ, Úc…; phục hồi và thu hút thị trường khách Trung Quốc đến với Đà Nẵng ngay sau khi dịch bệnh được khống chế; đẩy nhanh việc triển khai các dự án tạo sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách như: phố đi bộ chợ đêm Bạch Đằng; dự án cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, Khu K20, Thái Lai….; các sản phẩm tour, tuyến mới đường sông, đường biển; đề án phát triển tuyến biển Nguyễn Tất Thành…; tăng cường liên kết 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.

Tới đây, Sở Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội du lịch thành phố sẽ công bố chương trình kích cầu du lịch để phần nào giúp các doanh nghiệp “gỡ khó” giữa mùa Covid-19. Sở Du lịch cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan, Hiệp hội Du lịch tham mưu đề xuất UBND thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Cục Du lịch, Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch giảm 50% tiền thuê đất của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong hai năm 2020-2021; hỗ trợ giãn nợ gốc thời gian từ 6-12 tháng, chỉ nộp lãi hoặc khoanh nợ đối với các khoản vay của doanh nghiệp đề nghị giảm 50% VAT trước ảnh hưởng của Covid-19; có chính sách giảm tiền điện, nước cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Sở kiến nghị lên Chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí visa, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, xem xét miễn visa du lịch đối với du khách Ấn Độ, Úc...

Cùng với các giải pháp được các sở, ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp đưa ra, sự hiến kế của các chuyên gia và sự quyết liệt vào cuộc của hệ thống chính trị thành phố không chỉ đối với lĩnh vực du lịch mà tất cả các ngành khác sẽ giúp cho tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư của Đà Nẵng khả quan hơn trong thời gian tới.

Thống kê sơ bộ của Sở Du lịch thành phố, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng trong tháng 1-2020 đạt 642.122 lượt, tăng 16,6% so với cùng kỳ 2019, trong đó khách quốc tế tăng 28,5%, khách nội địa tăng 3,9%, tổng thu du lịch đạt 2.563 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, do những tác động của Covid-19 dự báo tổng lượt khách đến tham quan, du lịch trong quý 1-2019 ước giảm 31.2% so với cùng kỳ 2019, trong đó khách quốc tế ước giảm 17,6%, khách nội địa giảm 43,8%, tổng thu du lịch ước đạt 4.912 tỷ đồng, giảm 20,7%. Riêng công suất buồng phòng ở khối lưu trú giảm mạnh với bình quân tháng 2-2020 chỉ đạt 25-30%, giảm 45-50% so với cùng kỳ năm 2019 (năm 2019 công suất bình quân toàn khối đạt 49%).

KHÁNH HÒA - KHANG NINH - THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.