Doanh nghiệp cần tái cơ cấu, tìm hướng đi mới

.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) tới doanh nghiệp, các hội, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố đã và đang tìm những hướng đi mới. Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố về vấn đề này.

Doanh nghiệp ở Đà Nẵng luôn chủ động khắc phục khó khăn vươn lên trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: THU HÀ
Doanh nghiệp ở Đà Nẵng luôn chủ động khắc phục khó khăn vươn lên trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: THU HÀ

* Ông đánh giá thế nào về tác động của Covid-19 đến các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố?

- Ông Phạm Bắc Bình: Hầu hết các doanh nghiệp đều bị tác động trực tiếp và  gián tiếp bởi Covid-19. Trong đó, doanh nghiệp bị tác động trực tiếp có thể thấy rõ nhất là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, bất động sản, giải trí, logistics, vận tải; doanh nghiệp xuất, nhập khẩu với Trung Quốc… và gián tiếp bị tác động là những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác, vì tất cả doanh nghiệp đều hoạt động trên cơ sở mạng lưới, hợp tác cộng hưởng lẫn nhau. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước sự biến động của kinh tế trong nước và thế giới.

Sự bùng phát bất ngờ của dịch bệnh khiến doanh nghiệp bị bất ngờ, không kịp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Theo khảo sát của Hiệp hội, hiện đã có một số doanh nghiệp tiến hành cơ cấu lại nhân sự do doanh thu sụt giảm. Những khó khăn của doanh nghiệp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và việc thu ngân sách Nhà nước của địa phương cũng như Trung ương.

* Vậy Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố đã có đề xuất gì tới Chính phủ và thành phố nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19?

- Ông Phạm Bắc Bình: Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã rà soát và có một số kiến nghị gửi lên Chính phủ. Hiện tại, có 2 nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng là nhóm trực tiếp và nhóm gián tiếp, Hiệp hội bước đầu đề xuất các biện pháp cho nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp.

Cụ thể, chúng tôi đề nghị các cơ quan tài chính cần sớm bắt tay vào cuộc đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc rà soát, đánh giá tác động và hỗ trợ như: Ngân hàng Nhà nước cần có chủ trương cho các ngân hàng thương mại giãn nợ, giảm lãi suất, khi mà việc cân đối các khoản chi phí của các doanh nghiệp này là cực kỳ khó khăn. Tiếp theo, đề nghị ngành thuế giãn các khoản thu thuế, giảm tiền cho thuê đất và nên có mốc thời gian cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, sử dụng các quỹ bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu để giảm chi phí nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng, góp phần kiềm chế lạm phát, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và chi phí sống thiết yếu của người lao động trong lúc khó khăn.

Việc triển khai các biện pháp trên có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách, tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, nuôi dưỡng và bảo toàn nguồn thu bền vững, lâu dài thì đây là việc cần làm. Ngoài việc gửi các đề xuất trên lên Chính phủ, Hiệp hội còn đề xuất thành phố nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp do dịch bệnh thông qua các đầu mối từ các hội, Hiệp hội Doanh nghiệp và các cơ quan khác để kịp thời có biện pháp hỗ trợ, ưu tiên cho các doanh nghiệp thành phố.

* Theo ông, các doanh nghiệp cần làm gì để tự tháo gỡ khó khăn trước khi những hoạt động hỗ trợ được thực hiện?

- Ông Phạm Bắc Bình: Việc đầu tiên và quan trọng nhất là luôn nêu cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh, đề nghị nhân viên đeo khẩu trang đi làm và trong suốt quá trình làm việc, giữ vệ sinh chung… Một môi trường làm việc sạch sẽ và an toàn trong thời điểm hiện nay là vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp.

Sau đó, cần rà soát lại kế hoạch, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp mình để có điều chỉnh phù hợp. Nếu như trước đây doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất theo kiểu “cuốn chiếu”, không có phương án dự phòng, quản trị rủi ro thì đây là bài học để rà soát lại quy trình làm việc, xây dựng và phát triển doanh nghiệp, tái cơ cấu lại bộ máy hoạt động.

Doanh nghiệp ở Đà Nẵng luôn chủ động khắc phục khó khăn vươn lên trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: KHÁNH HÒA
Doanh nghiệp ở Đà Nẵng luôn chủ động khắc phục khó khăn vươn lên trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: KHÁNH HÒA

Tiếp theo, các doanh nghiệp sản xuất cần xử lý kịp thời tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu đầu vào thông qua việc sử dụng các nguyên vật liệu thay thế từ trong nước, xem xét nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc…; đồng thời, chủ động tìm kiếm thị trường thay thế, tránh quá phụ thuộc vào một thị trường, đây là giải pháp vừa ngắn hạn vừa mang tính lâu dài.

Các doanh nghiệp cần chủ động trong liên kết hợp tác với các doanh nghiệp khác để thực hiện các chính sách kích cầu, giảm chi phí, liên kết xây dựng chuỗi cung ứng. Song song đó, liên tục theo dõi thông tin từ các nguồn chính thống để chuẩn bị phương án sản xuất ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trên hết, vào thời điểm này, các doanh nghiệp cần nỗ lực cao nhất, sáng tạo nhất để biến “nguy” thành “cơ”, vượt qua khó khăn, thách thức.

* Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố đã làm gì để đồng hành cùng doanh nghiệp và chính quyền ứng phó với tác động của Covid-19?

- Ông Phạm Bắc Bình: Hiện tại, doanh nghiệp đang lấy ý kiến của các hội viên để nắm bắt, chia sẻ về các giải pháp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, sau đó sẽ tiếp tục tổng hợp để gửi lên thành phố. Qua đó, chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp hội viên ưu tiên ủng hộ, sử dụng sản phẩm của nhau với mức giá ưu đãi để trợ giúp nhau cùng vượt qua khó khăn, truyền thông kịp thời những giải pháp của Chính phủ và thành phố đến hội viên.

*Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng: VCCI Đà Nẵng đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

VCCI Đà Nẵng đang tiếp tục tiến hành tổng hợp ý kiến từ doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp để phối hợp chặt chẽ với thành phố trong triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. VCCI cũng làm việc với cơ quan ngoại giao, xúc tiến thương mại đầu tư của các nước tại Đà Nẵng như: Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc, Nga, Lào, Hàn Quốc để triển khai các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ kết nối thị trường cho doanh nghiệp. VCCI Đà Nẵng triển khai chương trình kết nối kinh doanh, hợp tác với các Hiệp hội Doanh nghiệp, các chi nhánh của VCCI trên toàn quốc nhằm thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam lúc khó khăn, hợp tác với các Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là các thị trường trọng điểm để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối kinh doanh.

Nhiệm vụ của VCCI là cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo ủy quyền của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; xác nhận các trường hợp bất khả kháng và chứng nhận, xác nhận các giấy tờ cần thiết khác trong hoạt động thương mại theo yêu cầu tự nguyện của các bên trong giao dịch hoặc theo yêu cầu, ủy quyền của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở trong và ngoài nước... Do đó, nếu trong trường hợp các DN thành phố có nhu cầu xác nhận tình hình Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh để cung cấp hoặc trao đổi, thương lượng với đối tác và có thể liên hệ với VCCI Đà Nẵng để được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục.

Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố: Doanh nghiệp cần chủ động khắc phục khó khăn

Hội Doanh nhân trẻ thành phố đã thành lập ban tư vấn, hỗ trợ hội viên, tổ chức “nhóm chia sẻ” để các doanh nghiệp cùng trao đổi thông tin, sáng kiến, cách làm hay để động viên nhau vượt khó. Chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp hội viên ưu tiên ủng hộ, sử dụng sản phẩm của nhau. Hiện tại, Hội đã gửi đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp do Covid-19 lên Chính phủ và thành phố .

Một số giải pháp của Hội đã trao đổi với doanh nghiệp là căn cứ thực trạng, tình hình và nguồn lực của doanh nghiệp để thực hiện tái cấu trúc các khoản đầu tư, cân đối lại nguồn vốn, điều chỉnh chính sách giá cho phù hợp trong thời kỳ khủng hoảng, tránh dàn trải. Bên cạnh đó, xem xét giải pháp tinh lọc nhân sự kém chất lượng, thiếu niềm tin và tái cơ cấu tổ chức, chủ động tìm kiếm thông tin về khách hàng mới, thị trường mới; chuẩn bị để nắm bắt thời cơ kinh doanh khi thị trường hồi phục.

Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố: Tập trung tuyên truyền thành phố là điểm đến an toàn

Trước tác động của Covid-19, Hiệp hội Nữ doanh nhân đề xuất thành phố trong việc truyền thông Đà Nẵng là điểm đến an toàn, điểm đầu tư hấp dẫn thông qua các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư đang hiện diện tại Đà Nẵng; tổ chức gặp mặt các đơn vị lữ hành, khách sạn, du lịch để có biện pháp kích cầu dịch vụ, du lịch và đồng bộ hóa việc giảm giá kích cầu. Hiệp hội đã chủ động trong việc chia sẻ những thông tin, tình hình phòng, chống dịch bệnh, tình hình kinh tế-xã hội của thành phố, những thông tin tích cực, lạc quan.

Hiệp hội đề xuất Chính phủ hỗ trợ bảo hiểm xã hội và lương tối thiểu vùng cho người lao động mất việc làm tạm thời tại các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mất việc...

MAI QUẾ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.