Doanh nghiệp tìm hướng ổn định sản xuất

.

Những tác động trực tiếp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra khiến nhiều doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng bằng việc thúc đẩy nhanh hơn quá trình mở rộng thị trường, hạn chế tình trạng phụ thuộc về nguồn nguyên liệu.

Đây là câu chuyện được đề cập nhiều năm qua, cần nhanh chóng triển khai các giải pháp để ổn định và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động có kế hoạch điều chỉnh về nhân sự, đầu vào nguồn nguyên liệu, nâng tầm công tác quản trị... để thích ứng và tăng sức cạnh tranh nhằm vượt qua những “sự cố” như Covid-19. (Ảnh chụp tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ).Ảnh: KHÁNH HÒA
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động có kế hoạch điều chỉnh về nhân sự, đầu vào nguồn nguyên liệu, nâng tầm công tác quản trị... để thích ứng và tăng sức cạnh tranh nhằm vượt qua những “sự cố” như Covid-19. (Ảnh chụp tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ). Ảnh: KHÁNH HÒA

Để vừa có thể cung ứng hơn 1 triệu khẩu trang y tế cho thành phố Đà Nẵng và đơn hàng cho các đối tác trong nước cũng như bảo đảm được nguồn hàng cho các bạn hàng lâu năm, Công ty CP Y tế Danameco phải tăng cường hết công suất hoạt động của hai nhà máy ở phường Hòa Cường Bắc (thành phố Đà Nẵng) và tỉnh Quảng Nam với hơn 400 công nhân lao động làm việc 3 ca/ngày. Có đơn hàng đồng nghĩa với việc người lao động có thêm nguồn thu nhập từ việc tăng ca, tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm đơn vị nhận diện một cách rõ nét những bất cập trong việc không thể chủ động về nguồn cung nguyên liệu.

Ông Võ Anh Đức, Ủy viên HĐQT, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Y tế Danameco Đà Nẵng nhìn nhận, không phải bây giờ mà từ vài năm nay, đơn vị đã mở rộng tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước nhằm từng bước chủ động hơn về nguồn cung nguyên liệu từ những nhà cung cấp lớn mới như Ấn Độ, Thái Lan… Song, phần lớn nguyên liệu vẫn được nhập khẩu từ các doanh nghiệp Trung Quốc do ưu thế về giá thành cạnh tranh. “Do ảnh hưởng của Covid-19, chúng tôi thiếu nguyên liệu để sản xuất màng lọc diệt khuẩn (bước quan trọng nhất trong 3 khâu tạo nên một chiếc khẩu trang y tế thông thường).

Tôi phải trực chờ điện thoại từng ngày để đợi bạn hàng chốt hạn có bảo đảm được nguồn cung hay không mới tính tiếp kế hoạch sản xuất. Chỉ lo nhất là một số đơn hàng với các đối tác ở Nhật Bản đã được ký từ trước Tết, nay phải giãn tiến độ giao hàng khiến họ không vừa ý trong khi đơn hàng thì đã ký nên công ty vô cùng sốt ruột”, ông Đức chia sẻ.

Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu cho rằng, khó khăn là điều đã được dự báo trước khi tình hình Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đơn vị cũng xác định đây cũng là động lực hối thúc doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung, doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng mạnh dạn chuyển hướng trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế. Công ty tìm giải pháp mở rộng thị trường, đồng thời đã có kế hoạch tìm kiếm và tích trữ nguồn đầu vào nguyên phụ liệu phòng khi dịch bệnh có thể kéo dài trong vài tháng tới.

Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện Đà Nẵng có hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất có đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của thành phố, cụ thể là các ngành chủ lực như: dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ, đồ chơi trẻ em, cao su thành phẩm, động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử... Đối với thị trường xuất khẩu của thành phố đã mở rộng trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, các thị trường lớn, giữ được tỷ trọng ổn định như Nhật Bản, Mỹ, EU… Tuy nhiên, không ít các doanh nghiệp đều dựa vào nguồn nguyên phụ liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Vài năm trở lại đây, chuỗi sản xuất toàn cầu đã chịu tác động mạnh mẽ từ những biến động khó lường của tình hình chính trị-kinh tế trên thế giới, điển hình là những sự kiện đáng chú ý như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc; các hiệp định thương mại thế hệ mới: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và hiện nay là Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường… 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là “phép thử” quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng tái cấu trúc để thích ứng, trong đó có cấu trúc lại nguồn nguyên liệu đầu vào ở thị trường nội địa và các nước khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Trên thực tế, giá nguyên liệu đầu vào từ các thị trường trên thường cao hơn so với Trung Quốc từ 5 - 30%, dẫn đến giá thành của sản phẩm sẽ bị đội lên và doanh nghiệp phải cân nhắc, tính toán để thích nghi. Đây là bài toán không hề đơn giản, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn về tiềm lực.

Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh tái cấu trúc, nhất là nguồn đầu vào nguyên liệu để tăng tính ổn định trong hoạt động sản xuất trước những biến động mang tính toàn cầu như Covid-19. (Ảnh chụp tại Công ty CP Thiết bị y tế Danameco Đà Nẵng). Ảnh: KHÁNH HÒA
Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh tái cấu trúc, nhất là nguồn đầu vào nguyên liệu để tăng tính ổn định trong hoạt động sản xuất trước những biến động mang tính toàn cầu như Covid-19. (Ảnh chụp tại Công ty CP Thiết bị y tế Danameco Đà Nẵng). Ảnh: KHÁNH HÒA

Theo ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, ở góc nhìn tích cực thì Covid-19 cũng là “chất xúc tác” để các doanh nghiệp đẩy nhanh hơn quá trình tính toán lại kế hoạch sản xuất và tìm nguồn nguyên liệu từ nhiều quốc gia khác nhau, việc làm này sẽ tránh được sự lệ thuộc vào một thị trường cung cấp khi khi xảy ra sự cố. Hiện nhiều hội viên trong Hội Doanh nhân trẻ thành phố đang tích cực triển khai các giải pháp về quản trị, tìm kiếm thị trường, đối tác mới… để vượt qua khó khăn.

Còn ông Võ Anh Đức bày tỏ: “Điều tôi mong muốn nhất lúc này là các ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương phải có sự điều chỉnh mang tính vĩ mô về cơ cấu ngành nghề; đồng thời có những chính sách thiết thực hơn nữa nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho phù hợp. Trong đó, chú ý nhiều đến đầu tư sản xuất nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp hỗ trợ bởi lâu nay, hầu như toàn bộ nguồn nguyên liệu của nhiều ngành sản xuất chủ lực… đều chung một “bạn hàng” là Trung Quốc. Thậm chí có những bạn hàng không phải từ Trung Quốc nhưng thực tế nguyên liệu họ cũng nhập từ bên đó về rồi mới phân phối lại cho mình nên khi có sự cố mang tính toàn cầu như Covid-19, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước nước điêu đứng”.

Thời điểm này, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Sở Công thương thành phố đã gửi văn bản và thành lập đoàn gặp gỡ các doanh nghiệp ghi nhận những ảnh hưởng do Covid-19 gây ra cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xuất, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Qua đó, Sở Công thương tập hợp thông tin để tham mưu, kiến nghị lên UBND thành phố, các bộ, ngành liên quan có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, sẽ có các đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để các doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng giao thương với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ… Như vậy, doanh nghiệp sẽ có điều kiện tìm thêm thị trường nhập khẩu sản phẩm đầu vào cho sản xuất công nghiệp.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
Bếp từ Malaysia cao cấp, giá rẻTìm kiếm Đại lý máy lạnh Panasonic chính hãng Máy nghiền hàm
.
.
.