Phòng trừ chuột, bệnh đạo ôn hại lúa

.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 100ha lúa bị chuột phá hại. Trong khi đó, trên các trà lúa, mới xuất hiện bệnh đạo ôn nhưng đã có khoảng 20ha lúa bị bệnh, chủ yếu là ở huyện Hòa Vang. Các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương đang vận động nông dân tiếp tục ra đồng diệt chuột, chăm sóc lúa đúng kỹ thuật và phòng trừ bệnh đạo ôn, bảo vệ sản xuất.

Một nông dân đặt bẫy bán nguyệt để diệt chuột trên thửa ruộng lúa bị chuột cắn phá xơ xác. Ảnh: H. HIỆP
Một nông dân đặt bẫy bán nguyệt để diệt chuột trên thửa ruộng lúa bị chuột cắn phá xơ xác. Ảnh: H. HIỆP

Do 2 năm liên tiếp không xuất hiện lũ lớn nên trên các cánh đồng của huyện Hòa Vang và các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ…, chuột sinh sôi rất nhiều. Trên bờ ruộng lúa ở ven sông Cầu Đỏ, sau khi dùng bao nilon bao che xung quanh các thửa ruộng, lão nông Ngô Văn Hoán (trú tổ 6, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) một tay gài bẫy, một tay bỏ nhúm hạt lúa để làm mồi nhử diệt chuột. Sau đó, ông trổ nước vào ruộng cho ngập chân lúa khoảng 5cm. “Chuột quá nhiều. Có hôm tôi thu bẫy bắt được 200 con chuột. Bây giờ phải làm nilon bao che xung quanh và trổ nước ngập chân lúa để chuột bớt bò vào phá hại. Chúng tôi vừa bắt chuột bằng bẫy, vừa trổ nước thường xuyên vào ruộng. Chỉ cần một ngày không thăm lúa mà để mặt ruộng khô nước là chuột bò vào cắn phá. Có những đám ruộng bị chuột cắn chân lúa, không khôi phục được”, ông Ngô Văn Hoán nói.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc Hợp tác xã DVSX - KDTH Hòa Châu cho biết: “Trong vụ đông xuân này, các thành viên của hợp tác xã canh tác 70ha lúa sử dụng toàn bộ là giống lúa ngắn ngày nên ít ảnh hưởng bệnh đạo ôn. Tuy nhiên, chuột quá nhiều nên chúng tôi vận động bà con thường xuyên thăm đồng và tích cực diệt chuột để bảo vệ sản xuất”.

Trong khi đó, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, bên cạnh chuột phá hại lúa đông xuân với diện tích lớn, bệnh đạo ôn xuất hiện là một mối lo lớn nhất. Hiện trên các trà lúa giống dài ngày như: Xi23, NX30, 13/2, nếp…, bệnh đạo ôn đã gây hại mạnh, cháy cục bộ 19,2ha, trong đó, xã Hòa Nhơn bị bệnh đạo ôn gây hại 11ha, xã Hòa Tiến 5ha, Hòa Phước 2,7ha, Hòa Phong 0,5ha...  Trước tình hình trên, UBND huyện Hòa Vang có văn bản giao Chủ tịch UBND 11 xã khẩn trương thông báo rộng rãi và vận động nông dân kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm bệnh đạo ôn. Khi phát hiện bệnh, phải xử lý ngay, không để lây lan trên diện rộng. Đồng thời lưu ý, nếu Chủ tịch UBND các xã lơ là, chủ quan gây thiệt hại và mất năng suất lúa, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang thường xuyên theo dõi và hướng dẫn các xã xử lý bệnh đạo ôn kịp thời, hiệu quả.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, chuột đã gây hại trên các trà lúa với tỷ lệ hại phổ biến từ 1-5%, đặc biệt, đã gây hại cục bộ hơn 100ha lúa. Bệnh đạo ôn đã xuất hiện và gây hại 20ha lúa ở các địa phương. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật yêu cầu cán bộ kỹ thuật của đơn vị phối hợp với các xã, phường, hợp tác xã tăng cường kiểm tra diễn biến sinh vật hại trên đồng ruộng để chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh, chuột hiệu quả, bảo vệ sản xuất vụ đông xuân.

Ông Phạm Hồng Vân, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, riêng đối với bệnh đạo ôn, thời tiết trong thời gian đến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại, lây lan và tiếp tục gây cháy chòm trên chân ruộng bón phân không cân đối, thừa đạm, sạ dày và trên các giống lúa dễ nhiễm bệnh đạo ôn như: nếp, NX30, Xi23, 13/2, BC15, Thiên ưu 8, OM.4900… Đặc biệt, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ chuyển sang bệnh đạo ôn cổ bông, gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa.

Do đó, các địa phương cần hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện bệnh sớm. Các diện tích lúa chớm xuất hiện bệnh đạo ôn cần được khoanh vùng và xử lý ngay bằng thuốc hóa học để phòng ngừa bệnh phát triển và lây lan, nhưng tránh tình trạng kết hợp nhiều loại thuốc và phân bón lá để phun (có thể dùng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Fuji-one 40 EC, Beam 75WP, One over 40 EC, Fuan 40 EC…); đồng thời, đẩy mạnh áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) trên lúa, chăm sóc, bón phân đầy đủ, kịp thời và nên giữ nước hợp lý khu ruộng bị nhiễm bệnh đạo ôn. “Chúng tôi đã có văn bản và hướng dẫn kỹ thuật cho các địa phương về phòng trừ chuột, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và rầy lưng trắng, bệnh khô vằn… để hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ hiệu quả, bảo vệ sản xuất vụ đông xuân”, ông Phạm Hồng Vân cho hay.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.