Để nâng tầm diện mạo cũng như chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng với xu thế phát triển chung của nền thương mại hiện đại, thành phố có chủ trương xây dựng mới chợ Cồn với định hướng kết hợp giữa chợ truyền thống và trung tâm thương mại lớn.
Với bề dày hơn 80 năm hình thành và phát triển, chợ Cồn là một trong những khu chợ truyền thống có “tuổi đời” lâu năm của thành phố; một công trình được coi là “ký ức” đô thị của Đà Nẵng. Vậy nên, đứng trước cuộc thay đổi lớn lần này, vấn đề đặt ra là làm sao để giải quyết hài hòa bài toán “hòa nhập nhưng không hòa tan” của khu chợ này.
Chợ Cồn với lịch sử hơn 80 năm hình thành và phát triển lưu giữ nhiều giá trị về một nền văn hóa “chợ” truyền thống. Ảnh: HOÀNG LINH |
Theo Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng (thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng), đơn vị được lựa chọn tổ chức cuộc thi tuyển phương án kiến trúc xây dựng chợ Cồn mới, thì phương án kiến trúc được UBND thành phố phê duyệt, thiết kế chợ sẽ có tổng mặt bằng 24.504m2, cao tối đa 8 tầng và có 2 tầng hầm.
Trong đó, gồm: khu vực chợ truyền thống (bố trí lại cho tiểu thương hiện có) tối đa 3 tầng (phù hợp với mô hình chợ truyền thống và đáp ứng nguyện vọng đại đa số tiểu thương); khu vực khai thác thương mại tối đa 5 tầng; khu vực tầng hầm để xe phục vụ chợ và khai thác khu vực lân cận tối đa 2 tầng.
Đặc biệt, thiết kế chợ Cồn “mới” còn tính đến phương án bố trí khu chợ đêm, khu ẩm thực đêm phục vụ cho người dân và du khách. Chợ đêm hoạt động từ 19 giờ đến 23 giờ, sản phẩm chủ yếu là hàng lưu niệm, áo quần, giày dép, thời trang… Khu ẩm thực đêm tại mặt tiền chợ Cồn (vỉa hè đường Hùng Vương) là đặc sản của chợ.
Đây là sản phẩm được nhiều khách du lịch biết đến và hình thành tự phát (khoảng trên 10 hộ) từ khi chợ mới được xây dựng lại. Hoạt động này cần được duy trì, nâng cấp và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân và du khách về ban đêm; đồng thời tổ chức hoàn chỉnh lại mạng lưới giao thông xung quanh chợ Cồn, giải pháp phân luồng ra vào chợ để tránh ùn tắc giao thông (đường Hùng Vương và đường Ông Ích Khiêm), hướng ra vào bãi đỗ xe của các loại phương tiện, phương án tiếp cận, hướng lưu thông ra vào của các loại phương tiện; bố trí khu vực dừng xe của các loại phương tiện để tiếp cận giao thông của công trình nằm trong chỉ giới đường đỏ, không sử dụng vỉa hè, lòng đường tại khu vực để đỗ xe phục vụ cho hoạt động của chợ.
Ông Trần Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng cho biết, việc xây dựng chợ Cồn “mới” phải bảo đảm xuyên suốt chủ trương đề ra với việc khẳng định loại hình là chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch; có quy mô tương xứng với chợ trung tâm của thành phố Đà Nẵng.
Trong đó, giải pháp thiết kế công trình phải tạo dựng được hình ảnh riêng đặc trưng “thương hiệu Chợ Cồn”, gợi nhớ lại giá trị lịch sử lâu đời của chợ; đồng thời có tính đến khả năng kết nối với các công trình lân cận và khu phố chợ xung quanh.
Theo ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng, để góp phần hoàn thiện phương án thiết kế của chợ Cồn “mới”, đơn vị phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố triển khai khảo sát, thăm dò ý kiến đóng góp của hơn 1.500 hộ kinh doanh tại chợ. Qua đó, hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần bảo đảm hài hòa giữa việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa cũng như giá trị lịch sử lâu đời - điều làm nên danh tiếng của chợ Cồn; đồng thời, cần xem xét lại số tầng xây dựng nhằm phù hợp với thói quen mua bán của một khu chợ truyền thống.
Còn nhiều băn khoăn
Với thâm niên kinh doanh mua bán hơn 25 năm tại chợ Cồn, bà Nguyễn Thị Hà bày tỏ mong muốn khu chợ được nâng cấp để bảo đảm vấn đề về vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy… Tuy nhiên, việc xây dựng chợ Cồn mới cần tính đến việc phù hợp với thói quen của hơn 1.000 hộ kinh doanh với phương thức mua bán từ lâu đời nay.
“Đặc trưng của chợ truyền thống là người ta chỉ mua bán ở khu vực tầng 1 hoặc lên tầng 2, cộng với các hàng bán rong bên cạnh”, bà Hà nói. Là một người dân của thành phố, bà Đỗ Thị Lan Anh (trú quận Hải Châu) đưa ý kiến: “Theo tôi, việc nâng cấp, sửa chữa chợ Cồn là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho người kinh doanh cũng như khai thác tốt hơn giá trị của khu chợ này.
Tuy nhiên, phương án xây dựng thành một trung tâm thương mại kết hợp với chợ truyền thống liệu có hợp lý hay không khi ngay cạnh bên đã có Vĩnh Trung Plaza, trong đó có siêu thị Big C. Nếu làm không khéo sẽ đánh mất giá trị lịch sử lâu đời của chợ Cồn”.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Trọng, một cán bộ hưu trí ở phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) lại có sự so sánh khi nêu vấn đề, thành phố Hồ Chí Minh có chợ Bến Thành với tuổi đời hàng chục năm, thường xuyên được duy tu bảo dưỡng nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên diện mạo cũ, giữ được giá trị của một khu chợ truyền thống. Việc xây dựng mới chợ Cồn thành trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống liệu có làm mất đi nét truyền thống của khu chợ này?
Dưới góc nhìn của người có bề dày lâu năm về công tác quy hoạch, KTS Bùi Huy Trí nhận định, không chỉ bây giờ mà từ lâu nay, đối với các công trình kiến trúc có giá trị lâu đời về lịch sử, nhiều người giữ quan điểm cần giữ lại nét xưa, không nên thay thế bằng các hình thức kiến trúc hiện đại. Riêng với chợ Cồn, trong tâm tưởng người Đà Nẵng, là cái tên rất đỗi thân thương, gợi nhớ về một Đà Nẵng xưa khiêm nhường nhỏ bé mà rất nhẫn nại, kiên cường.
Theo KTS Bùi Huy Trí, trên thực tế, chợ Cồn đã một lần bị thay hình đổi dạng vào những năm 80 thế kỷ 20 khi trở thành Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng. Nay có cơ hội làm lại, nhiều người dân Đà Nẵng có mong muốn tìm lại nét xưa cho một công trình được coi là “ký ức đô thị” này. Đây là nguyện vọng rất chính đáng và nhân văn.
Ngay trong kế hoạch cuộc thi tuyển phương án kiến trúc xây dựng chợ Cồn mới cũng đưa ra yêu cầu này. Về công năng, đương nhiên nó phải đáp ứng được sự tồn tại của chợ truyền thống. Điều đó không chỉ giải quyết quyền lợi của các hộ kinh doanh mà còn chính là cái gốc cho việc lưu giữ ký ức. Nếu không có cái “gốc” này thì mọi cố gắng tái tạo hình ảnh xưa chỉ là thủ pháp màu mè.
Với đặc điểm riêng tại vị trí ngã tư Hùng Vương - Ông Ích Khiêm vốn đã sầm uất, một phương án tốt là vừa phải đáp ứng được các yêu cầu về công năng nội tại, vừa giải quyết tốt kết nối giao thông, lại vừa có hình thức kiến trúc hiện đại và bản sắc.
Rõ ràng đây là một đề bài không hề dễ. Mà không dễ thì mới phải thi. Các phương án dự thi hiện đã được trưng bày, sắp tới sẽ được xem xét, tuyển chọn. Hy vọng thành phố sẽ chọn được đúng sản phẩm mình cần và người dân Đà Nẵng sẽ thỏa tâm nguyện được thấy lại bóng dáng Chợ Cồn xưa.
Duy tu, bảo dưỡng hay đầu tư xây dựng mới trên nền các công trình có lịch sử lâu dài hình thành và phát triển hàng trăm năm là điều đã được thực hiện nhiều. Các công trình như chợ Cồn được nhìn nhận là các di sản “sống”, có giá trị với cuộc sống đương đại và có những sự thay đổi theo yêu cầu của cuộc sống nhưng cần phải có một cách tiếp cận bảo tồn mới.
Công trình xây mới cần được chỉ dẫn để bảo đảm về hình thái, quy mô, phù hợp với tinh thần của di tích gốc. Trong quá trình lập đồ án Quy hoạch xây dựng, các nhà chuyên môn cần được trang bị các lý luận về nhận diện giá trị di sản, phương pháp bảo tồn thích ứng để có các giải pháp quy hoạch đúng đắn.
“Nói thì dễ nhưng để hiểu và thi triển được cái “hiện đại mà đậm đà bản sắc” thì chưa bao giờ là dễ đối với kiến trúc sư. Sự kết hợp của hiện đại và bản sắc không phải là phép cộng thô thiển, cũng không phải cái gì đó trừu tượng, mơ hồ. Nó phải rất rõ ràng nhưng tinh tế. Nó không phải một mớ hỗn độn cũ mới đè đạp nhau. Người ta phải cảm nhận được bóng dáng của cái cũ trong hình hài hoàn toàn mới. Thậm chí không hẳn là bóng dáng mà chỉ phảng phất hồn cốt của cái xưa. Cái tài tình của người kiến trúc sư là ở chỗ đó. Muốn vậy phải có một khả năng cảm nhận bẩm sinh vượt trội cùng với một lượng trầm tích văn hóa đủ dày”. KTS Bùi Huy Trí |
KHÁNH HÒA