Tất cả các địa phương đều bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân

.

Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1-4 trên phạm vi toàn quốc, một số người dân đã đến các siêu thị mua đồ tích trữ. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở tất cả các địa phương.

Tất cả các địa phương đều đảm bảo đủ hàng

Theo Bộ Công Thương, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp phân phối lớn thực hiện báo cáo tình hình cung cầu, hệ thống phân phối, phương án tích trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang....

Bộ Công Thương khẳng định, theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Hàng hóa tại các siêu thị luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu người dân. Ảnh chụp tại siêu thị Big C Thăng Long lúc 14 giờ chiều ngày 31/3. Ảnh: Hiền Anh.
Hàng hóa tại các siêu thị luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu người dân. Ảnh chụp tại siêu thị Big C Thăng Long lúc 14 giờ chiều ngày 31-3. Ảnh: Hiền Anh.

Về việc vận chuyển hàng hóa, ngoài phương án cụ thể của từng địa phương, Bộ Công Thương cũng đã có các phương án. Theo đó, trường hợp phong tỏa nhưng xe vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được hoạt động, các doanh nghiệp sẽ đăng ký danh sách các xe vận tải cung ứng hàng hóa đến các cơ quan chức năng để cung cấp cho ngành giao thông, Công an hỗ trợ cho phép lưu thông đến các điểm bán hàng. Khi các địa bàn cần điều phối hàng hóa, các xe vận tải này sẽ đến các kho hàng gần nhất để lấy hàng cung ứng cho địa bàn cách ly.

Đối với trường hợp giới nghiêm, chỉ còn xe của lực lượng vũ trang được hoạt động. Khi đó Bộ Công Thương sẽ đề nghị các lực lượng Quân đội, Công an phối hợp điều phối xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ hàng hóa thiết yếu mà Bộ Công Thương đã chuẩn bị để cung cấp cho các địa bàn.

Về bố trí các điểm bán hàng, ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến…) trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán (kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…). Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng.

Hà Nội thực hiện “4 tại chỗ”

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đang thực hiện theo phương án số 3 về nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm theo các cấp độ của Trung ương và thành phố nhằm ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong đó, chủ động điều phối các phường, xã đảm bảo đủ lượng hàng hóa “4 tại chỗ” phục vụ nhân dân theo các cấp độ giả định.

Theo Sở Công thương Hà Nội, lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong 1 tháng là tương đương 21.500 tỷ đồng nhưng lượng hàng hóa trong tháng dịch (tăng gấp 3 lần so với 1 tháng) là 64.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa trong 3 tháng có dịch là 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) là 21.500 tỷ đồng.

Người dân không nên mua tích trữ hàng hóa khi các siêu thị luôn đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Ảnh: Hiền Anh.
Người dân không nên mua tích trữ hàng hóa khi các siêu thị luôn đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Ảnh: Hiền Anh.

Căn cứ lượng hàng hóa trên, các doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa theo bảng phân bổ của Sở Công Thương, khuyến khích các doanh nghiệp dữ trữ số lượng hàng nhiều hơn phương án đã đưa ra.

Sở Công Thương đã cử cán bộ phối hợp chặt chẽ với đầu mối tại các quận, huyện, thị xã và các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nắm bắt về tình hình hàng hóa, giá cả để kịp thời chỉ đạo các đơn vị bổ sung ngay hàng hóa tại các điểm bán thiếu hàng trong hệ thống hoặc chỉ đạo các doanh nghiệp khác tổ chức bán hàng lưu động để kịp thời cung cấp đủ hàng hóa phục vụ nhân dân.

Các quận, huyện, thị xã đảm bảo đủ lượng hàng hóa “4 tại chỗ” trên địa bàn, chủ động điều phối các phường, xã  thuộc địa bàn; trong trường hợp thiếu hàng chủ động phối hợp với Sở Công Thương để điều tiết, cung ứng kịp thời. 

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương cùng các doanh nghiệp phải điều tiết hàng hóa mạnh, nhiều lần/ngày trong các hệ thống phân phối trong Thành phố, chỉ đạo doanh nghiệp  phải tăng thêm nhiều kho dữ trữ hàng hóa tại các quận huyện và điều tiết từ kho hàng của các doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, các doanh nghiệp tăng cường bán hàng qua kênh thương mại điện tử và thực hiện giao hàng tại nhà.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.