Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện Covid-19

.

Chiều 12-3, phát biểu tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện Covid-19, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, bên cạnh Covid-19, ngành nông nghiệp của cả nước còn đối mặt với những tác động cực đoan của thời tiết, biến đổi khí hậu, hạn hán, nhiễm mặn lịch sử và dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm.

Do đó các tỉnh, thành phố và hiệp hội, doanh nghiệp cần lưu ý không để những khó khăn, tác động làm ảnh hưởng lớn đến sản lượng sản phẩm và mất thị trường xuất khẩu, đặc biệt là sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về lương thực, thực phẩm ngay sau dịch bệnh. Qua đó, cần tập trung thúc đẩy sản xuất, khắc phục khó khăn để có đủ lương thực, thực phẩm cung ứng vững chắc trong mọi hoàn cảnh cho thị trường trong nước; tập trung các biện pháp không chế, không để phát sinh dịch bệnh, trong đó có dịch tả heo châu Phi. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để tranh thủ khi Covid-19 giảm thì có đà để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.

Theo Bộ NN&PTNT, trong những tháng còn lại của năm 2020, toàn ngành tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Theo đó, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, trên cơ sở tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả.

Về chăn nuôi, Bộ NN&PTNT tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhất là dịch tả heo châu Phi; phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn heo nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt heo trong nước; nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ sản xuất con giống và tín dụng để người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi heo; đẩy nhanh hoạt động đầu tư giết mổ, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gia cầm; khuyến khích mở rộng quy mô đàn gia súc ăn cỏ theo cả hướng thịt và sữa…

Theo Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, từ nay đến cuối năm, thành phố tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, hữu cơ, giá trị gia tăng và an toàn thực phẩm. Thành phố tập trung phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, con vật nuôi, chú trọng phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, chủ động tái đàn heo sau dịch tả heo châu Phi; tăng cường hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ, sản phẩm an toàn và tăng cường công tác kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá tại Cảng cá Thọ Quang, tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá để hỗ trợ ngư dân trong việc tiêu thụ sản phẩm khai thác. Các ngành chức năng chú trọng công tác chống hạn, xâm nhập mặn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.

KHÁNH HÀ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.