Triển khai nhanh, đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng-Bài cuối: Tiếp tục các giải pháp dài hạn

.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, ảnh hưởng của Covid-19 sẽ kéo dài trong nhiều tháng tới, các mục tiêu tăng trưởng mà thành phố đặt ra sẽ khó đạt được nếu không có sự chung tay nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Cần triển khai đồng bộ, nhanh chóng và hiệu quả hai nhiệm vụ kép là phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Doanh nghiệp chủ động triển khai các giải pháp để vượt qua khó khăn do Covid-19. 	 Ảnh: KHÁNH HÒA
Doanh nghiệp chủ động triển khai các giải pháp để vượt qua khó khăn do Covid-19. Ảnh: KHÁNH HÒA

Khống chế tốt dịch bệnh, tháo gỡ nhiều “nút thắt”

Đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cho rằng, trong khi nguồn lực địa phương, quốc gia còn hạn chế, cộng với sự cố bất ngờ từ Covid-19, sẽ ảnh hưởng lớn và làm sụt giảm nguồn thu cho địa phương.

Chính vì vậy, thành phố cần đẩy mạnh tháo gỡ các “điểm nghẽn” về chính sách đất đai, nhanh chóng hoàn thiện và công bố quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để thu hút và huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương ngay sau khi Covid-19 đi qua.

PGS.TS Phạm Phú Bình, giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng cho rằng, những “nút thắt” ảnh hưởng đến phát triển kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19 đã được nói đến nhiều trong thời gian qua, vấn đề bây giờ là phải quyết tâm tháo gỡ nó để huy động được nguồn lực từ trong xã hội tham gia đầu tư, thúc đẩy phát triển.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng lưu ý, cần đẩy mạnh việc công khai, minh bạch dự án đầu tư công; đẩy nhanh việc triển khai các dự án đầu tư công để tạo cầu, tạo việc làm cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn; đồng thời giúp giảm thiểu suy giảm kinh tế do sự sụt giảm đầu tư từ khu vực tư nhân dưới tác động của dịch bệnh; giải ngân, thanh toán nhanh các khoản công nợ công trình đầu tư công cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thêm dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Trong hơn 1 tháng qua, khi Covid-19 được công bố ở nước ta, Đà Nẵng là địa phương chịu nhiều tác động từ sự cố này, vì vậy lãnh đạo thành phố đã nhanh chóng vào cuộc để ứng phó. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 13 (bất thường) ngày 13-3, HĐND thành phố đã thống nhất triển khai nhiều giải pháp trung và dài hạn để tình hình kinh tế-xã hội thành phố được ổn định và tăng trưởng trở lại.

Theo đó, trước mắt tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống, kiểm soát Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đà Nẵng cũng đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, chủ động xây dựng, triển khai các phương án phù hợp nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động bất ngờ; làm tốt công tác giám sát dịch bệnh, tạo tâm lý an toàn, tin tưởng cho người dân góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn địa bàn thành phố; tập trung hỗ trợ, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế suy giảm kinh tế; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án và kế hoạch đầu tư công năm 2020…

Cụ thể, ngay sau buổi làm việc với các hội, hiệp hội doanh nghiệp thành phố để lắng nghe những phân tích, báo cáo, kiến nghị và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu tác động bởi Covid-19, ngày 5-3-2020 UBND thành phố đã ban hành Kết luận số 102/TB-VP về các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 ngày càng lan rộng.

Trong đó, thành phố chỉ đạo các đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, Cục Thuế, các Sở Du lịch, Công thương, Lao động-Thương binh và xã hội, Văn hóa-Thể thao… cần sớm triển khai các giải pháp của ngành mình để nhanh chóng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp, người kinh doanh.

Cùng với đó, thành phố giao Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tiếp tục rà soát quỹ đất trong các khu công nghiệp, kiên quyết xử lý đối với những đơn vị thuê sử dụng đất nhưng sử dụng đất không đúng mục đích, báo cáo đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định; khẩn trương đẩy nhanh thủ tục chuyển đổi Khu phụ trợ phục vụ Khu công nghệ cao thành Khu công nghiệp theo chủ trương của UBND thành phố. UBND quận Cẩm Lệ, UBND huyện Hòa Vang cũng khẩn trương đẩy nhanh công tác giải tỏa đền bù và các thủ tục thành lập cụm công nghiệp.

Ở từng lĩnh vực, ngành đã triển khai các phương án chi tiết nhằm thực hiện mục tiêu kép hiện nay là phòng, chống dịch bệnh; đồng thời chuẩn bị cho kịch bản hậu Covid-19. Theo Sở Du lịch thành phố, cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh, ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ doanh nghiệp du lịch - dịch vụ tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ, địa phương để giảm bớt áp lực, khó khăn.

Sở Du lịch đã chủ động đề xuất hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong hai năm 2020-2021; đề xuất giảm, miễn phí vào tham quan tại một số điểm đến tham quan; tăng cường truyền thông Đà Nẵng - điểm đến toàn cầu năm 2020; triển khai chương trình kích cầu du lịch 2020 và phối hợp 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; tăng cường thu hút khách trở lại, nhất là thị trường nội địa; triển khai Kế hoạch đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021, ưu tiên thị trường gần có kết nối đường bay trực tiếp đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia..), Úc, Nga, Ấn Độ...; đặc biệt, thúc đẩy nhanh việc hình thành các sản phẩm du lịch mới…

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương cho biết, trước mắt phải làm tốt công tác chuẩn bị hàng hóa, kiểm soát và bình ổn thị trường; đồng thời, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối giao thương cho doanh nghiệp, vận động doanh nghiệp tích cực tham gia vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại vào các thị trường mới là thành viên của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA…; đề xuất giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan giúp lưu thông hàng hóa…

Ngành Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có chính sách giảm phí bảo trì đường bộ, giảm phí BOT, tăng thời hạn kiểm định ô-tô kinh doanh vận tải và chỉ đạo các đơn vị liên quan không điều chỉnh tăng mức thu hoặc bổ sung các loại phí liên quan đến cảng biển như phí xếp dỡ, phí lưu kho…; đẩy mạnh thủ tục đầu tư các dự án: Cảng Liên Chiểu, Di dời ga đường sắt và tái thiết đô thị…

Tập trung vào thị trường nội địa, chủ động dự phòng rủi ro

Trong các đề xuất được các hội, hiệp hội doanh nghiệp thành phố gửi lên UBND thành phố, bên cạnh những nhóm giải pháp mang tính vĩ mô, tháo gỡ khó khăn liên quan đến chính sách thuế, tài chính - ngân hàng… đều thống nhất quan điểm các doanh nghiệp phải chủ động cơ cấu lại hoạt động của đơn vị để cứu mình trước.

Theo đó, ngoài các giải pháp trước mắt như: cắt giảm các chi phí không cần thiết để giảm bớt gánh nặng về tài chính, tìm kiếm các thị trường mới hay đầu tư hơn cho thị trường nội địa, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị doanh nghiệp quan tâm, đầu tư hơn cho việc xây dựng các phương án hay quỹ tài chính để đối phó, phòng chống khi có rủi ro xảy ra.

TS Trần Sĩ Chương, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Nhân sự Le & Associates, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư HDI, chia sẻ: “Thực tế là phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa có bộ phận nghiên cứu, định hướng phát triển doanh nghiệp. Nếu mỗi doanh nghiệp phải tự bỏ tiền túi ra để nghiên cứu sẽ khó, trừ những doanh nghiệp lớn. Do đó, những doanh nghiệp cùng ngành nghề nên đóng góp để hiệp hội ngành nghề làm việc này”.

Một trong những đơn vị đã khởi động chiến dịch “hậu Covid-19” là Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group). Theo ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group cho biết, thời gian này, tập đoàn đang nỗ lực chuẩn bị nhiều kế hoạch ra mắt các sản phẩm, dịch vụ mới, sẵn sàng cho công tác kích cầu, “bùng nổ” khi dịch bệnh tạm lắng.

Tại Đà Nẵng, Công viên Châu Á (Sun World Danang Wonders) đang trong giai đoạn cải tạo cảnh quan để trở thành điểm vui chơi giải trí về đêm hấp dẫn. Ông Trường thông tin thêm, một tuyến cáp treo mới tại Sun World Ba Na Hills sẽ khai trương cùng với sản phẩm được đặc biệt mong đợi là lâu đài Ravenstone - nơi tái hiện “hội chợ phù hoa” châu Âu cổ điển, đem đến cho du khách tới Bà Nà nhiều trải nghiệm mới mẻ.

Nhấn mạnh tâm thế chủ động, mạnh mẽ, khắc phục khó khăn, tự cứu mình trước đối với các doanh nghiệp hội viên, ông Hà Đức Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đề xuất, các doanh nghiệp nên căn cứ thực trạng, tình hình và nguồn lực của doanh nghiệp để thực hiện tái cấu trúc các khoản đầu tư, cân đối lại nguồn vốn; tiết kiệm và cắt giảm các khoản chi không cần thiết.

Riêng đối với các khoản vay, cần chủ động làm việc với các ngân hàng thương mại trên tinh thần đồng hành, tương trợ để đàm phán lại hợp đồng, giảm nhẹ khó khăn tài chính; điều chỉnh chính sách giá cho phù hợp trong thời kỳ khủng hoảng; tích cực tìm kiếm thị trường thay thế, đa dạng hóa thị trường đầu ra cũng như nguồn cung ứng đầu vào, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; đồng thời, trong điều kiện có thể, chuẩn bị để nắm bắt thời cơ kinh doanh khi thị trường hồi phục.

Hội Doanh nhân trẻ thành phố cũng đã thành lập Ban Tư vấn, hỗ trợ hội viên, tổ chức “Nhóm chia sẻ” gồm các doanh nghiệp thuộc các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp để cùng nhau trao đổi thông tin, sáng kiến, cách làm hay, động viên nhau vượt khó…

Theo TS Trần Sĩ Chương, hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng chịu tác động hoặc tác động lớn từ Covid-19. Thực tế vẫn có những doanh nghiệp “ăn nên làm ra”. Vậy những doanh nghiệp “khỏe” nên có tinh thần hỗ trợ cho những doanh nghiệp có “sức đề kháng” kém hơn. Các hội, hiệp hội phải chủ động nâng cao vai trò tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, xét về mặt tài chính - kinh tế, Chính phủ, địa phương, các ngân hàng cũng là một hình thức “doanh nghiệp”, có thu có chi. Để ứng phó với sự cố Covid-19, nguồn lực của quốc gia, địa phương sẽ hao hụt lớn, cùng với đó, các gói hỗ trợ được tung ra lúc này sẽ không thể dàn trải cho tất cả các đối tượng mà ưu tiên cho những ai thực sự bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh kéo dài.

Trong bối cảnh chung đó, Nhà nước, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân phải hết sức đồng thuận, hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua thời điểm khó khăn này cũng như chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để phục hồi sau khi dịch bệnh đi qua.

KHÁNH HÒA – MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.