Máy 'ATM gạo' sẵn sàng vận hành

.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho việc vận hành các máy “ATM gạo” đầu tiên của Đà Nẵng đang được các địa phương, đơn vị nhanh chóng triển khai để hỗ trợ cho những người lao động khó khăn trên địa bàn thành phố.

Lắp đặt máy “ATM gạo” tại Thành Đoàn Đà Nẵng.                 Ảnh: M.QUẾ
Lắp đặt máy “ATM gạo” tại Thành Đoàn Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ

Ghi nhận của phóng viên vào sáng 16-4, tại Thành Đoàn Đà Nẵng (71 Xuân Thủy, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), Hội Doanh nhân trẻ thành phố đang tích cực triển khai các công tác lắp đặt 2 máy “ATM gạo”, sắp xếp gạo trong kho dự trữ cho chương trình “Hạt gạo tình thương”. Trước đó, theo dự định ban đầu, 2 máy “ATM gạo” sẽ được lắp đặt và hoạt động tại Nhà văn hóa phường Bình Thuận (230 Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) nhưng do địa điểm này khá nhỏ, không bảo đảm được các vấn đề về an ninh trật tự và an toàn giao thông nên chiều 15-4, Ban tổ chức chương trình quyết định chuyển địa điểm sang Thành Đoàn Đà Nẵng.

Ông Hoàng Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty Vũ Trụ Xanh (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) - người sáng chế ra máy “ATM gạo” - cho biết “ATM gạo” có một thiết bị kết nối với van tự động, khi người dân nhấn nút thì gạo sẽ chảy ra số lượng tùy theo cài đặt, mỗi lần có thể nạp 500 kg gạo lên thiết bị để di chuyển lên bồn. Như vậy, nếu cài đặt 2 kg gạo/lần thì có thể phát 250 lần rồi mới cần tiếp tục nạp gạo; thông qua hệ thống cảm biến, người trực máy có thể quan sát những người tới nhận gạo tránh trường hợp có người tới nhận quá nhiều lần.

Để bảo đảm gạo đến tay người dân nhiều nhất, tránh hư hỏng, thất thoát, ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố thông tin, Ban tổ chức chương trình đã đưa ra quy trình xuất - nhập kho gạo và quy trình đưa gạo lên máy. Cụ thể, mỗi ngày đơn vị sẽ kiểm tra gạo có đủ chất lượng để phát cho người dân hay không, có bị ẩm mốc hay không, ghi chú lại số lượng nhập kho gạo và xuất kho gạo cấp phát hằng ngày. Bên cạnh đó, theo dõi quá trình máy chạy để bổ sung gạo kịp thời, xử lý tại chỗ nếu xảy ra sự cố. Cũng theo ông Hà Đức Hùng, phương án quan trọng nhất là phải bảo đảm việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tưởng Chính phủ nhằm phòng, chống Covid-19 hiệu quả, ngoài ra là vấn đề an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Hiện tại, Hội Doanh nhân trẻ đã làm việc với UBND quận Cẩm Lệ về vấn đề này, theo đó, để bảo đảm quy trình an ninh trật tự sẽ bố trí lực lượng hướng dẫn người dân vào cổng đúng số lượng tính toán và đề nghị những người sau chờ ở ngoài cho lượt tiếp theo. Người dân vào cổng sẽ xếp hàng đứng vào vị trí đã dán trên nền, cách nhau 2m theo trình tự người vào trước - sau, người dân tới lượt sẽ được hướng dẫn bấm nút nhận gạo (nếu cần); để bảo đảm an toàn giao thông sẽ có cán bộ điều hành lưu lượng xe đậu, đỗ trên đường để tránh kẹt xe. Dự kiến, 2 máy “ATM gạo” sẽ đi vào vận hành từ 8 giờ sáng ngày 20-4 để phát gạo miễn phí cho người lao động khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Các máy còn lại sẽ đưa vào vận hành sau khi xem xét hoạt động bảo đảm an ninh trật tự khi chạy thử 2 máy đầu tiên.

“Dù chưa hoạt động, nhưng tính đến sáng 16-4, Ban tổ chức đã nhận được 112 tấn gạo, hơn 120 triệu đồng và nhiều vật phẩm ủng hộ khác từ các đơn vị, tổ chức ủng hộ chương trình. Qua ghi nhận, có những doanh nghiệp dù đang chịu nhiều ảnh hưởng từ Covid-19, thậm chí doanh thu sụt giảm 50 – 70% vẫn ủng hộ tới 5 tấn gạo, rồi sau đó kêu gọi các tổ chức, đơn vị khác ủng hộ thêm 5-7 tấn gạo nữa... Tôi thấy rất vui vì luôn có những tấm lòng hảo tâm sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn hơn mình dù cho hoàn cảnh nào chăng nữa”, ông Hà Đức Hùng bày tỏ.

Ông Lê Công Đông, Chủ tịch UBND phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ): Hoạt động ý nghĩa hỗ trợ người dân

Ngay sau khi nhận thông báo của UBND quận Cẩm Lệ về việc lắp đặt “ATM gạo” trên địa bàn, chúng tôi chuẩn bị công tác phối hợp với Ban tổ chức. Theo tôi, đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do Covid-19. Sắp tới, UBND phường Khuê Trung sẽ tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự và giữ khoảng cách an toàn cho người dân tại địa điểm lắp đặt máy “ATM gạo”.

Nguyễn Thị Hồng, trú tổ 37, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn): Hỗ trợ dù ít hay nhiều đều đáng quý

Gia đình tôi là hộ nghèo của phường, nguồn thu chính từ việc buôn bán nước mía buổi tối tại cầu Sông Hàn. Từ nửa tháng nay, do Covid-19 phải đóng cửa nên không có đồng ra, đồng vào trang trải. Mấy bữa trước thấy nhiều nơi phát cơm từ thiện, nay nghe tin “ATM gạo” sẽ về Đà Nẵng thì tôi thật sự vui mừng và xúc động, dù được nhận ít hay nhiều thì cũng đỡ bớt phần nào, nhất là trong mùa dịch này.

Chị Phạm Thị Phượng, trú tổ 14, phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ): Cần ý thức trong việc giãn cách khi xếp hàng nhận gạo

Là một người dân của thành phố, tôi rất vui khi các máy “ATM gạo” cũng sắp đi vào hoạt động để hỗ trợ những người lao động khó khăn. Tuy nhiên, để phòng, chống Covid-19 hiệu quả thì mong Ban tổ chức thực hiện tốt việc giãn cách khi người dân xếp hàng chờ nhận gạo để hoạt động được duy trì hiệu quả, hỗ trợ thiết thực cho người khó khăn; đồng thời bảo đảm an ninh trật tự.

VĂN HOÀNG

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.