Sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm những cây xăng 'găm hàng' chờ tăng giá

.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ đã chỉ đạo, yêu cầu kiểm tra ngay tất cả các địa điểm được phản ánh có thiếu xăng dầu và xử lý nghiêm những cây xăng có hiện tượng "găm hàng" chờ giá xăng tăng.

Mua bán xăng dầu tại cây xăng trên phố Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Mua bán xăng dầu tại cây xăng trên phố Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Những ngày gần đây, nhiều cây xăng có tình trạng thiếu hàng, người mua chỉ có thể mua xăng với lượng tối đa do các cây xăng này quy định. Thậm chí, có cây xăng còn thông báo hết xăng, tạm thời ngừng bán.

Để nguồn cung xăng dầu không bị gián đoạn, thiếu hụt, Bộ Công Thương đã văn bản hỏa tốc gửi các bên liên quan.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Bộ đã chỉ đạo, yêu cầu kiểm tra ngay tất cả các địa điểm được phản ánh có thiếu xăng dầu và xử lý nghiêm những cây xăng có hiện tượng "găm hàng" chờ giá xăng tăng.

Dừng bán do thiếu nguồn hàng?

Tại cây xăng Cầu Giấy thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xăng dầu Housinco trên đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhiều người tiêu dùng chỉ được mua xăng với hạn mức được định sẵn.

Anh Nguyễn Khắc Kiên, phường Giảng Võ, cho hay anh rất ngạc nhiên khi nhân viên bán xăng cho biết chỉ được mua tối đa 30.000 đồng, muốn đổ đầy bình cũng không được.

Trong khi lượng khách hàng xếp hàng chờ mua xăng, nhưng các nhân viên trực tại cây xăng đều nhắc nhở, mỗi người chỉ được mua tối đa 30.000 đồng.

Theo nhân viên tại trạm xăng Cầu Giấy, hiện trạm xăng rất khó khăn trong việc nhập hàng. Lượng xăng còn lại khá ít nên phải bán nhỏ giọt, giới hạn mức tối đa cho từng người mua.

"Trong lúc khan hiếm, mỗi người chia sẻ với nhau một chút," vị nhân viên này cho hay.

Không chỉ bán xăng nhỏ giọt, nhiều cây xăng khác trên địa bàn Hà Nội như tại phố Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng), phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), phường Đại Kim (quận Hoàng Mai)... cũng thông báo hết xăng, ngừng bán.

Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), cho biết với vai trò là thương nhân đầu mối lớn, có uy tín, thương hiệu, PVOIL luôn chú trọng giữ chữ tín với khách hàng và đảm bảo đầy đủ nguồn hàng cung cấp cho các cây xăng đại lý theo hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, có một thực tế là các đầu mối lại không thể chịu trách nhiệm về toàn bộ nguồn hàng nhập của những cây xăng đại lý vì các cây xăng này thường không nhập hàng từ một đầu mối mình đứng tên thương hiệu mà lại nhập hàng từ rất nhiều nguồn khác nhau để tối đa hóa lợi nhuận.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật, đã là đại lý của PVOIL hay một đầu mối nào khác thì đại lý đó chỉ được phép mua hàng từ đầu mối mà mình đứng tên thương hiệu. Nhưng trên thực tế, các đại lý thường chỉ mua từ 50-70% lượng xăng dầu từ đầu mối mà mình đứng tên, phần còn lại họ linh hoạt để xem nơi nào có giá tốt hơn sẽ nhập hàng.

Hiện nay, khi giá xăng dầu có xu hướng tăng cao sau khi các biện pháp giãn cách xã hội do dịch Covid-19 được nới lỏng, lượng hàng mà bình thường đại lý nhập trôi nổi giờ không thể mua được vì các đơn vị cung cấp này găm hàng để chờ tăng giá. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt, khan hiếm hàng ở các cây xăng đại lý.

Cũng theo đại diện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), trước nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang tăng cao, các khách hàng của BSR cũng tăng nhập hàng nên đơn vị này đang tăng công suất lên tối ưu để đẩy mạnh xuất bán các sản phẩm.

Đồng thời, BSR cũng tìm cơ hội mua dầu thô với phụ phí thấp, chủ động triển khai các giải pháp sản xuất và giao hàng để cân đối tồn kho hợp lý nhằm tận dụng cơ hội thị trường.

Theo các chuyên gia, việc các cây xăng, đại lý đồng loạt treo biển hết xăng có thể xuất phát từ thực tế các cây xăng, đại lý mua xăng rất khó.

Sau 8 kỳ giảm giá liên tiếp, tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 13-5, giá xăng được điều chỉnh tăng lên. Giá xăng có chiều hướng tăng trở lại, các đầu mối kinh doanh xăng dầu có hiện tượng bắt đáy đầu cơ.

Cụ thể, doanh nghiệp đầu mối mua của nhà máy lọc dầu, nhưng nhà máy chỉ bán ra với số lượng theo đúng kế hoạch, còn muốn mua thêm cũng không có. Do đó, doanh nghiệp đầu mối chỉ mua được lượng hàng hạn chế, cộng thêm việc găm hàng chờ giá lên nên xăng dầu lại càng khan hiếm.

Sẽ xử lý nghiêm việc “găm hàng," chờ tăng giá

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), khẳng định tổng nguồn cung xăng dầu phục vụ thị trường trong nước là đủ.

Hiện tượng hết hàng tại một số cửa hàng là cục bộ, do nhu cầu tăng mạnh trở lại sau thời gian giãn cách xã hội và tâm lý mua gom trước diễn biến giá xăng dầu có thể tăng mạnh trở lại.

"Vụ Thị trường trong nước đã chỉ đạo để bổ sung nguồn hàng cho những chỗ thiếu hụt cục bộ và xử lý nghiêm những cửa hàng, đại lý, thương nhân phân phối, đầu mối không bán hàng chờ tăng giá," ông Đông nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường.

Cụ thể, Bộ này đề nghị các thương nhân chủ động tìm kiếm nguồn hàng, cung cấp đầy đủ cho thị trường nội địa các loại xăng dầu doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh, không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, có phương án về nguồn hàng (từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu) để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong thời gian sắp tới...

Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN)
Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN)

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị phía Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn tăng công suất, sớm hoàn thành bảo dưỡng để cung cấp đủ lượng hàng cho các doanh nghiệp; có phương án về nguồn hàng để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa trong thời gian sắp tới.

Ông Đông cũng cho hay Vụ Thị trường trong nước cũng đã có văn bản gửi Tổng Cục quản lý thị trường, phối hợp với các đơn vị địa phương để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ đang chỉ đạo và yêu cầu kiểm tra tất cả các địa bàn có phản ánh của báo chí dư luận, do thiếu hay găm hàng.

Đồng thời yêu cầu các Chi cục quản lý thị trường làm việc lại ngay với doanh nghiệp đầu mối, kiểm tra tại nguồn và hợp đồng giữa doanh nghiệp đầu mối với doanh nghiệp phân phối, đại lý, theo nguyên tắc đảm bảo cung ứng, lưu thông phân phối hàng hoá./.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.