Thiết kế chiến lược kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory và Công ty tư vấn Surbana Jurong (Singapore) thực hiện. Trong đó, hợp phần tư vấn thiết kế chiến lược kinh tế - xã hội là trụ cột xây dựng quy hoạch chung. 

Tầm nhìn phát triển của thành phố Đà Nẵng là trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững. 						Ảnh: TRIỆU TÙNG
Tầm nhìn phát triển của thành phố Đà Nẵng là trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Dự thảo thiết kế chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được định vị tầm nhìn, tính chất và xác định mục tiêu phát triển đô thị Đà Nẵng. Theo đó, định vị chiến lược kinh tế Đà Nẵng đến năm 2030 trở thành một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; một cổng vào của hành lang kinh tế Đông - Tây; mạng lưới thành phố thông minh ASEAN; điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm vận chuyển miền Trung Việt Nam; trung tâm dịch vụ, hành chính và văn hóa của miền Trung Việt Nam; trung tâm dịch vụ du lịch biển ASEAN và trung tâm kinh tế biển; ngôi nhà mơ ước của tất cả công dân Việt Nam.

Kinh tế Đà Nẵng cũng được định vị để tích hợp vào mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu và là một trung tâm phong cách sống quan trọng tại Việt Nam. Về tầm nhìn phát triển, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững với những mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống.

Về tính chất đô thị, Đà Nẵng là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính - ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; trung tâm văn hóa - thể dục thể thao, giáo dục - đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế; là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng, thành phố đáng sống, có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân đạt ở mức cao với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo là nhiệm vụ trung tâm.

Về động lực phát triển đô thị, Đà Nẵng là đô thị loại 1, trung tâm cấp quốc gia, là một trong những trung tâm quan trọng về kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; là trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, có tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, nếp sống đô thị có giá trị, trở thành tài nguyên quý giá của ngành du lịch. Các lĩnh vực để tạo thành đô thị mạnh là dịch vụ (du lịch, vận tải, thương mại), công nghệ cao phát triển làm cho không gian kinh tế phong phú, đa dạng, nhu cầu lao động ngày càng lớn thúc đẩy sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động.

Đô thị mở rộng các khu công nghiệp cũ được cải tạo nâng cấp; các khu công nghiệp mới được xây dựng, khuyến cáo để hoàn chỉnh mở rộng; các trung tâm thương mại, dịch vụ phát triển nên phần lớn diện tích đất đai sẽ được đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả. Các khu đô thị mới sẽ làm thay đổi cả cơ cấu, hình thái phân bố dân cư và hình thành mô hình mới của đô thị. Đà Nẵng là đầu mối giao thông quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với vùng kinh tế trong nước với nước ngoài.

Đà Nẵng nằm ở trung độ của Việt Nam, trên trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam, về cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không, là cửa ngõ quan trọng của cả miền Trung và Tây Nguyên.

Trên cơ sở định vị, tầm nhìn và mục tiêu phát triển, dự báo kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 cần đạt được tốc độ tăng bình quân GRDP (giá so sánh năm 2010) đạt 10-10,5%/năm (một vài năm tăng trưởng đột phá trên 12%/năm).

Tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP khoảng 30-32%. Tỷ lệ vốn đầu tư ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài (FDI)/tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 80%. Dự báo dân số đến năm 2030 khoảng 1,79 triệu người; tỷ lệ việc làm tăng thêm đạt 5-5,5%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70% vào năm 2030. Năm 2030, GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 8.500 USD. Tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn của thành phố Đà Nẵng so với cả nước đạt khoảng 2-3%.

Dự báo phát triển các ngành, lĩnh vực như: khu vực dịch vụ tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, nhất là du lịch, thương mại, dịch vụ logistics, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và kết nối cao với các trung tâm dịch vụ quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới; xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực; phát triển cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung, trong đó, lấy Đà Nẵng là trung tâm logistics với hệ thống cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế; phát triển cảng biển Đà Nẵng thành cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối tại khu vực; đảm nhận tốt vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung.

Thành phố hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên thông, kết nối thuận lợi giữa hệ thống cao tốc, quốc lộ với đường vành đai, trục giao thông chính của thành phố đến cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Khu vực công nghiệp - xây dựng chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, không để xung đột các mục tiêu giữa phát triển công nghiệp và khu vực dịch vụ. Dự báo nhu cầu sử dụng đất đai đến năm 2030 là: đất xây dựng đô thị khoảng 32.227 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 15.183 ha.

Phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu khoa học hàng đầu của khu vực miền Trung và cả nước; xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong 4 trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước với sự phát triển cả về chuyên môn và cơ sở vật chất, tiếp cận trình độ quốc tế; chú trọng khai thác tiềm năng phát triển du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe...

Những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cơ bản được đề xuất thực hiện như: tốc độ tăng bình quân GRDP (giá so sánh năm 2010) đạt 10-10,5%/năm (một vài năm tăng trưởng đột phá trên 12%/năm; giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 10%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt trên 10,5%/năm).

Chỉ tiêu hạ tầng xã hội với đất dân dụng khoảng 97,3m2/người; đất đơn vị ở khoảng 44,6m2/người; đất công cộng đô thị khoảng 5,2m2/người; đất trường trung học phổ thông: khoảng 0,7m2/người; đất cây xanh đô thị: khoảng 9,6m2/người; đất trung tâm y tế khoảng 0,8m2/người; đất trung tâm thể dục - thể thao: khoảng 4,6m2/người. Đối với chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật như: tỷ lệ đất giao thông đô thị 9%; chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt trong nội thị 2.400 kWh/người/năm; chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt 175 lít/người/ngày đêm; bảo đảm thu gom 100% nước thải, chất thải rắn đô thị...

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.