Đà Nẵng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế đêm

.

Hình thành các sản phẩm, dịch vụ để đưa Đà Nẵng trở thành “thành phố không ngủ” về đêm chính là mong muốn của những người làm du lịch tại tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm” diễn ra sáng 10-7, do Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp Công ty CP Tập đoàn Sun World, hãng hàng không Vietnam Airlines tổ chức.

Đà Nẵng cần có các sản phẩm, dịch vụ phong phú để thu hút du khách nhằm phát triển kinh tế đêm.  Trong ảnh: Du khách dạo chơi, mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà. Ảnh: THU HÀ
Đà Nẵng cần có các sản phẩm, dịch vụ phong phú để thu hút du khách nhằm phát triển kinh tế đêm. Trong ảnh: Du khách dạo chơi, mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà. Ảnh: THU HÀ

Kinh tế đêm - động lực mới cho ngành Du lịch

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, trong bối cảnh du lịch Đà Nẵng hậu Covid-19, việc gia tăng những sản phẩm, dịch vụ ban đêm có vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì sức hút cho điểm đến Đà Nẵng ngay cả trong mùa thấp điểm cũng như gia tăng chi tiêu của du khách. 

"Về phát triển kinh tế đêm, đây là lĩnh vực mới đối với Đà Nẵng và thành phố đã bắt tay triển khai phát triển kinh tế đêm nhưng còn gặp nhiều khó khăn, nhìn chung kinh tế đêm hiện còn manh mún. Chúng tôi xác định cần phát triển kinh tế đêm để phát triển du lịch. Trước mắt sẽ tập trung đầu tư khu phố đêm An Thượng, phố đi bộ và chợ đêm Bạch Đằng, cầu Nguyễn Văn Trỗi. Những ý kiến đóng góp, kiến nghị và đề xuất giải pháp qua tọa đàm sẽ là đường hướng để thành phố cùng với các đơn vị liên quan nghiên cứu, lập chiến lược để nhanh chóng thắp sáng nền kinh tế ban đêm của Đà Nẵng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nói.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra rằng, Đà Nẵng hiện mới chỉ đáng sống vào ban ngày, nghĩa là còn dư địa rất lớn để phát triển kinh tế ban đêm. Người dân địa phương vẫn có thói quen đi ngủ sớm, sợ tiếng ồn, chưa hiểu rõ về kinh tế đêm. 

Đà Nẵng mới chỉ có các hoạt động về đêm như chợ đêm, bar, hoặc dạo phố chứ chưa có nền kinh tế ban đêm nên Đà Nẵng đang bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Cũng theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, cần có sự đồng thuận trong chính quyền và người dân; hiểu được lợi thế và điểm yếu của Đà Nẵng trong phát triển kinh tế đêm để tận dụng thời cơ “thoát nguy” và “bứt phá” trong thời điểm này.

Đà Nẵng có thể trở thành “thủ phủ” du lịch ban đêm của Việt Nam

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Trần Đình Thiên về tiềm năng của Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng cần khẩn trương xây dựng một chương trình, chiến lược phát triển kinh tế đêm trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tới của Đà Nẵng như một nội dung ưu tiên. Trong đó, phát triển các ngành, các sản phẩm phục vụ kinh tế ban đêm và các chính sách khuyến khích...

Các hoạt động vui chơi, giải trí cần phải được đầu tư bài bản, có sức hút với du khách. Trong ảnh: Hoạt động hô hát bài chòi diễn ra vào các cuối tuần tại khu vực cầu Rồng. Ảnh: THU HÀ
Các hoạt động vui chơi, giải trí cần phải được đầu tư bài bản, có sức hút với du khách. Trong ảnh: Hoạt động hô hát bài chòi diễn ra vào các cuối tuần tại khu vực cầu Rồng. Ảnh: THU HÀ

Các sản phẩm phục vụ kinh tế ban đêm là các loại hình sản phẩm khác với ban ngày nên phải có sự chuẩn bị, trong đó chuỗi sản phẩm ban đêm rất quan trọng. Các Hiệp hội du lịch, công ty du lịch phải phát triển các loại hình sản phẩm đó thành các chuỗi.

Ban đầu có thể các chuỗi đó ngắn nhưng phải có vì nếu khách thấy chỉ có một hoạt động thì sẽ chán. Ít nhất các đơn vị phải cùng hợp tác để giảm rủi ro tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm. Bên cạnh đó, để duy trì hoạt động cần quan tâm đến hạ tầng và khung pháp lý để bảo đảm cho dân. Khi có cơ sở để thông qua với dân rồi thì sẽ bảo vệ cho các nhà đầu tư, bảo vệ những người tham gia vào kinh tế ban đêm...

Trong khi đó, ông Dương Phú Nam, Tổng giám đốc Sun World Holding cho rằng, khách đi chơi thường có nhu cầu tiêu tiền rất lớn, có tâm lý muốn tiêu hết số tiền mang đi, theo nghiên cứu thì chi tiêu của du khách 30% sẽ dành cho ban ngày, 70% vào ban đêm, như vậy ta đang mất doanh thu. 

Bài toán làm “kinh tế thâm canh” sẽ rất cần thiết, Đà Nẵng có lượng khách đến lớn nhưng không có chỗ để tiêu tiền, do đó cần tạo ra chỗ cho khách tiêu tiền cả ban ngày lẫn ban đêm. Khi đó cả người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước và khách hàng đều được hưởng lợi. 

“Bốn chủ thể này của nền kinh tế nếu làm tốt, sẽ có mối quan hệ cực kỳ bền vững. Khách hàng hài lòng thì tiêu tiền nhiều hơn, tiêu tiền nhiều hơn thì nhân dân được hưởng, doanh nghiệp được hưởng khi mở các mô hình này ra hút khách.”, ông Nam chia sẻ.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, hiện thành phố cơ bản đã hình thành các dịch vụ du lịch về đêm bao gồm vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm như công viên châu Á, Bà Nà Hills, một số bar, địa điểm vui chơi giải trí có thưởng. Các show diễn, hoạt động lễ hội dọc sông Hàn, phố đêm, phố đi bộ.

Sở Du lịch sẽ triển khai một số giải pháp, như định hướng phát triển kinh tế ban đêm theo 4 nhóm hoạt động chính; quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm giai đoạn 1 (dự kiến từ năm 2021 - 2023) sẽ thí điểm chọn các dịch vụ sẵn có như Phố du lịch An Thượng, Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, Tuyến đường ven biển; giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2023 - 2025) sẽ xác định một số khu vực trọng điểm mở rộng; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế ban đêm và trình HĐND thành phố thông qua trong năm 2020;

Đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế đêm; đầu tư phát triển sản phẩm dịch vụ ban đêm; tăng cường xúc tiến quảng bá kinh tế ban đêm; triển khai các giải pháp về bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế ban đêm.

“Chúng tôi tin tưởng rằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên với sự phối hợp, chung tay của Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, ngành Du lịch sẽ khởi sắc và tiếp tục phát triển trong thời gian tới”, bà Hạnh cho hay.

 Ông Trần Lực, Phó Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigon tourist - chi nhánh Đà Nẵng: Cần sản phẩm độc đáo, khác biệt

“Đà Nẵng đang gặp một trở ngại là các điểm mua sắm, vui chơi giải trí nằm cách xa nhau, việc đi lại sẽ mất thời gian của du khách. Thành phố nên đầu tư một khu mua sắm, vui chơi giải trí, mua sắm đủ lớn để có thể đưa khách vào đó. Cần đầu tư về sản phẩm, phải thực sự đa dạng và độc đáo, khác biệt. Hiện tuyến đường Bạch Đằng có rất nhiều lợi thế nhưng chưa khai thác được hết lợi thế này. Thành phố nên mạnh dạn quy hoạch để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào khu vực này để thu hút khách. Các doanh nghiệp đầu tư phải có cam kết về môi trường, vệ sinh, an toàn...”

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours: Nên xây dựng phố đi bộ lớn ở trung tâm

“Đà Nẵng nên tập trung làm ngay và làm quyết liệt để cho ra đời một phố đêm, phố đi bộ đủ lớn ngay trung tâm, vừa thu hút khách du lịch, vừa thu hút sự tham gia của người dân địa phương để tạo nên một diện mạo mới cho Đà Nẵng. Khu phố này có thể bao gồm: mua sắm, tham quan, các dịch vụ truyền thống, trình diễn ẩm thực...”

 THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích