Sau Covid-19, kinh tế của thành phố lần đầu tiên sau nhiều năm ghi nhận mức tăng trưởng âm, đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương nhiệm vụ nặng nề trong việc triển khai các giải pháp nhằm vực dậy nền kinh tế từ nay đến cuối năm. Một trong những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài đang được quan tâm là tăng cường kích cầu, phát triển kinh tế đêm.
Đà Nẵng cần có sản phẩm du lịch về đêm phong phú để thu hút khách. TRONG ẢNH: Người dân, du khách mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà, quận Sơn Trà. Ảnh: XUÂN SƠN |
Nằm ở địa bàn trọng điểm du lịch của Đà Nẵng, chợ đêm Sơn Trà, khu chợ đêm chuyên nghiệp đầu tiên của thành phố hiện ghi nhận trên 60% lượng khách quay trở lại mua sắm, giải trí. Ông Nguyễn Doãn Đông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP DHTC Đa Năng cho biết, trước khi xảy ra Covid-19, khu chợ luôn trong tình trạng quá tải, nhất là vào hai ngày cuối tuần.
Qua hơn một năm hoạt động, chợ đêm Sơn Trà đã góp phần tạo việc làm và thu nhập cho gần 200 hộ kinh doanh, tạo điểm đến mua sắm, giải trí về đêm cho quận Sơn Trà nói riêng, thành phố nói chung.
Trong khi đó, theo báo cáo của Phòng Kinh tế quận Hải Châu, hiện nay trên địa bàn quận, hoạt động kinh tế về đêm chủ yếu tập trung ở các tuyến phố chuyên doanh đã đi vào hoạt động như phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn, phố điểm tâm Huỳnh Thúc Kháng. Sau gần 4 năm triển khai, hai tuyến phố này hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế của quận cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Riêng tuyến phố chuyên doanh Lê Duẩn, hiện nay bắt đầu được nâng tầm chất lượng với việc xuất hiện thêm nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang có thương hiệu nổi tiếng.
Ngoài hai tuyến phố trên, quận còn một số tuyến phố chưa triển khai như phố chuyên doanh điện tử - kỹ thuật số ở đường Hoàng Diệu, phố chuyên doanh thời trang đường Phan Châu Trinh và Trưng Nữ Vương. Các phố này tăng cường giao dịch hoạt động về đêm để thúc đẩy doanh thu và thu hút khách hàng.
Tính đến thời điểm này, qua tìm hiểu từ các sở, ngành, địa phương, chưa có một báo cáo thống kê chính thức nào về đóng góp cũng như phân tích sâu về tiềm năng của kinh tế đêm đối với nền kinh tế của thành phố Đà Nẵng.
Tuy nhiên, theo báo cáo từ Niên giám thống kê năm 2019 (Cục Thống kê), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 toàn thành phố đạt 111.851 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2018. Trong đó, bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ lệ 52,3%, dịch vụ lưu trú, ăn uống chiếm tỷ lệ 18,7%, dịch vụ lữ hành chiếm 2,2%, dịch vụ khác chiếm 26,8%. Tính riêng trong doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống thì doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỷ lệ 65,5% và lưu trú chiếm 34,5%.
Theo đánh giá từ Sở Công thương, mặc dù là địa phương có ngành du lịch - dịch vụ phát triển hàng đầu cả nước với gần 9 triệu khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng (số liệu năm 2019) nhưng thực tế, khu vực kinh tế đêm tại Đà Nẵng có quy mô và sự phát triển chưa xứng tầm cũng như tạo được nguồn thu lớn cho thành phố.
Phân tích sâu hơn về những con số này, ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương nêu rõ, với hệ thống 78 chợ truyền thống, 8 trung tâm thương mại, 70 siêu thị, hơn 200 cửa hàng tiện lợi cùng hàng ngàn nhà hàng, quán ăn, Đà Nẵng đang có ngành dịch vụ - thương mại phát triển mạnh, đóng góp lớn vào doanh thu bán lẻ hằng năm của thành phố. Nhưng hoạt động dịch vụ về đêm của thành phố Đà Nẵng mới chủ yếu tập trung ở lĩnh vực ăn uống với hệ thống các nhà hàng, quán nhậu, quán ăn vặt khá phát triển.
Trong khi đó, các khu vui chơi giải trí, mua sắm từ bình dân, đến chuyên nghiệp vẫn chưa thực sự phát triển mạnh. Hiện toàn thành phố chỉ có một vài chợ đêm như chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Helio... nhưng quy mô còn nhỏ, trong khi đó các tuyến phố chuyên doanh chưa thực sự sôi động.
Kinh tế đêm được xem là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố trong thời gian tới. TRONG ẢNH: Người dân, du khách mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà, quận Sơn Trà. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng, để phát triển kinh tế đêm, cần thay đổi cách tư duy cũng như tháo gỡ chính sách đối với các dịch vụ về đêm.
Đơn cử, cần cho phép kinh doanh sau 24 giờ thay vì cấm như hiện nay, đồng thời, nên đưa ra các quy định cụ thể, cho phép phát triển hoạt động dịch vụ gì, thời gian, khu vực, người tham gia các lĩnh vực đó...
Để phát triển kinh tế đêm, các ngành chức năng đã triển khai nhiều kế hoạch. Theo đó, Sở Du lịch thành phố tập trung giải pháp xây dựng các sản phẩm du lịch về đêm; trong khi đó Sở Công thương đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng thương mại hiện đại với việc xây dựng mới chợ Cồn thành điểm đến tham quan, mua sắm lớn; kêu gọi các nhà đầu tư hình thành các trung tâm mua sắm miễn thuế...
Các ngành cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động kích cầu, giảm giá để khuyến khích người dân, du khách tăng mức chi tiêu, mua sắm, trong đó có hoạt động mua sắm về đêm... “Đà Nẵng đang được xem là “thiên đường của ẩm thực”, đây cũng chính là điểm mạnh để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đêm.
Điều cần thiết nhất lúc này là cần đầu tư hơn nữa cho hạ tầng thương mại, mở thêm những khu, điểm ăn uống, vui chơi giải trí chuyên nghiệp, xứng tầm để thúc đẩy kinh tế đêm phát triển hơn”, ông Nguyễn Hà Bắc nói.
Kinh tế đêm được hiểu là tất cả những dịch vụ diễn ra sau 17 giờ tối hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm các hoạt động mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi phục vụ 24/24 giờ, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm... Các hoạt động dịch vụ, kinh tế đêm không chỉ đem lại nhiều lợi ích cho du khách và người dân địa phương mà còn tạo nguồn lợi lớn cho ngân sách địa phương. |
KHÁNH HÒA