Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng đang có cơ hội rất lớn để thu hút “làn sóng” dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có lĩnh vực đầu tư bất động sản. Theo đó, bất động sản (BĐS) công nghiệp cần tiếp tục nâng chuẩn theo xu hướng sinh thái để đón nhà đầu tư thế hệ mới, có chất lượng cao.
Hồ cảnh quan tại Khu Công nghệ thông tin tập trung là điểm nhấn về dự án bất động sản công nghiệp sinh thái đang được đầu tư ở thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế có nêu rõ mục tiêu chính sách khuyến khích phát triển KCN sinh thái và các tiêu chí xác định KCN sinh thái ở Việt Nam. Việc định hướng các KCN theo hướng KCN sinh thái góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Mặc dù bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng theo công bố chỉ số “Tiềm năng hồi phục của thị trường BĐS công nghiệp quý 2-2020” của Công ty TNHH Savill Việt Nam, lĩnh vực này được đánh giá là “nơi trú ẩn” khá an toàn cho các nhà đầu tư... nhờ có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực từ sự chuyển dịch của dòng vốn FDI vào Việt Nam. Cụ thể, trên thị trường giao dịch chứng khoán Việt Nam, Công ty CP Long Hậu (nhà đầu tư BĐS công nghiệp có quy mô lớn) hiện đang tham gia đầu tư BĐS nhà xưởng công nghiệp tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng trong quý 2-2020 có mức tăng lợi nhuận 83% so với cùng kỳ năm 2019. Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty TNHH CBRE (ở quận Hải Châu), tác động của Covid-19 không phải là vấn đề quá lớn đối với thị trường BĐS công nghiệp, thậm chí, đây còn là thời điểm kích thích xu hướng phát triển mới như gia tăng chuyển dịch và đa dạng hóa cơ sở sản xuất, tự động hóa nhằm giảm bớt phụ thuộc vào nguồn nhân lực.
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN thành phố cho biết, việc triển khai xây dựng mô hình KCN sinh thái như KCN Hòa Khánh là một ý tưởng tốt, góp phần hạn chế tác động của các KCN đến môi trường. Hiệu quả từ sản xuất sạch hơn khi có nhiều khu đô thị mới hình thành ngay sát khu công nghiệp Hòa Khánh, không làm đứt gãy chuỗi đô thị phía tây thành phố; đồng thời còn hình thành chuỗi đô thị liên kết làm cho Khu Công nghệ cao thành điểm nhấn trong việc hình thành sản phẩm BĐS công nghiệp sinh thái (đang thu hút nhiều nhà đầu tư ở thành phố). Hiện Khu Công nghệ cao cũng mang tính chất của một “khu đô thị”, có cư dân sinh sống là những chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, người lao động và gia đình của họ.
Liền kề với Khu Công nghệ cao là Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Danang IT Park) do Công ty CP Phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (DITP) làm chủ đầu tư. Danang IT Park sẽ là môi trường sống, môi trường làm việc lý tưởng cho 25.000 người lao động bao gồm các chuyên gia, kỹ sư cao cấp và công nhân. Trong 10 năm tới, Danang IT Park giai đoạn 1 có quy mô 131 ha, nâng tổng diện tích của toàn dự án lên 341ha, với giai đoạn 2 sẽ trở thành đô thị vệ tinh vùng tây bắc của Đà Nẵng với khoảng 100.000 cư dân sinh sống. Ngoài các dự án hạ tầng, năm 2020, DITP đang lập quy hoạch và đầu tư dự án khu chuyên gia và các tiện ích phục vụ cho khu CNTT tập trung có tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT DITP, cho hay đây là dự án BĐS công nghiệp có quy mô lớn nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ thông tin tập trung và đón làn sóng dịch chuyển đầu tư mới sau Covid-19.
Ông Lâm Quang Bình, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư IBSC tại Đà Nẵng cho rằng, sự xuất hiện nhu cầu mới trong thu hút đầu tư dòng vốn thế hệ mới đang đòi hỏi những thay đổi trong mô hình KCN hiện hữu. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu hệ thống BĐS KCN với tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn. Trong đó, với nhu cầu hiện tại, nhất thiết cần phải tập trung quy hoạch các KCN và cụm công nghiệp sạch, sinh thái, thân thiện môi trường và thu hút công nghệ cao với các mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài. Quy hoạch cần được lập đồng bộ và công bố công khai để các nhà đầu tư nghiên cứu, nắm bắt cơ hội và tham gia đầu tư sớm. Cơ hội đang đến rất rõ ràng, nhưng cũng sẽ nhanh qua nếu thành phố Đà Nẵng chậm chân so nhiều địa phương khác cũng đang có những động thái rất cụ thể, thậm chí với từng DN để “chèo kéo” về địa phương mình.
Ông Lâm Quang Bình nhận định, hiện việc thành phố chủ động phát triển khu công nghiệp sinh thái có thể cải thiện hoạt động kinh tế; đồng thời giảm thiểu các tác động tới môi trường bởi nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên, giảm chất thải và thích hợp cho phát triển công nghiệp xanh. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực BĐS công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai. BĐS công nghiệp sinh thái sẽ nổi lên là phân khúc chủ đạo trên thị trường.
TRIỆU TÙNG