UBND thành phố đã có chủ trương đầu tư dự án Nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày đêm lên 420.000m3/ngày đêm, với tổng vốn đầu tư hơn 360 tỷ đồng nhằm nâng công suất khai thác nguồn nước thô không nhiễm mặn lấy tại vị trí đập An Trạch trên sông Yên. Việc đầu tư hạ tầng cấp nước cho thành phố là cần thiết trong bối cảnh năm nay thời tiết ở miền Trung khô hạn và khả năng thiếu nước cao.
Dawaco đề xuất ý tưởng xây đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ để giải quyết triệt để tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước sinh hoạt. TRONG ẢNH: Trạm bơm phòng mặn An Trạch. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
UBND thành phố đã có chủ trương đầu tư dự án Nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày đêm lên 420.000m3/ngày đêm, với tổng vốn đầu tư hơn 360 tỷ đồng nhằm nâng công suất khai thác nguồn nước thô không nhiễm mặn lấy tại vị trí đập An Trạch trên sông Yên. Việc đầu tư hạ tầng cấp nước cho thành phố là cần thiết trong bối cảnh năm nay thời tiết ở miền Trung khô hạn và khả năng thiếu nước cao.
Thực tế hiện nay cho thấy, từ đầu năm đến nay, lượng mưa tại các tỉnh, thành miền trung và thành phố thấp hơn trung bình nhiều năm. Cùng với đó, lưu lượng dòng chảy trên các con sông lớn ở trong khu vực cũng đang ở mực nước rất thấp. Lượng nước tích trữ trong các hồ thủy điện cạn kiệt. Lưu vực các thủy điện không có mưa khiến tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn ở thành phố sẽ còn diễn biến phức tạp.
Do đó, việc đầu tư nâng công suất trạm bơm đáp ứng nguồn nước thô không nhiễm mặn cho dây chuyền công nghệ sản xuất nước của các nhà máy, phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho thành phố Đà Nẵng là hết sức cấp thiết.
Tuy nhiên, về lâu dài, các ngành chức năng của thành phố cần phải tính đến những phương án khả thi nhất, có tính chiến lược bền vững và không ảnh hưởng đến môi trường, giao thông, dòng chảy... Ông Trần Phước Thương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, năm 2019, Nhà máy nước Cầu Đỏ có 10 tháng bị nhiễm mặn, nhưng 6 tháng đầu năm nay, tình trạng nhiễm mặn nguồn nước thô ở cửa thu nhà máy nước đã giảm đáng kể.
Đây là kết quả từ việc đầu tư gần 15 tỷ đồng để xây dựng 2 tuyến đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ. Tuy nhiên, ông Thương cho biết, Dawaco làm đập phục vụ cho giai đoạn ngắn hạn, đến đầu mùa mưa, đơn vị phải tháo đập tạm này để tiêu thoát lũ. Về lâu dài, đơn vị sẽ tính đến việc xây đập trên sông để bảo đảm nguồn nước.
Đây cũng chính là giải pháp mà một số địa phương trong khu vực miền Trung đang làm, hiện mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể như tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư 700 tỷ đồng để xây dựng công trình chống hạn mặn xâm nhập đập hạ lưu sông Dinh; tỉnh Khánh Hòa có công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Cái - thành phố Nha Trang; tỉnh Bình Định có đập ngăn mặn sông Lại Giang; tỉnh Quảng Trị có đập ngăn mặn sông Hiếu... Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) từng là địa phương thiếu nước ngọt trầm trọng do sông Cái nhiễm mặn. Trước tình thế cấp bách, tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo xây dựng ngay đập tạm và phê duyệt dự án xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang, dự kiến có tổng vốn đầu tư 760 tỷ đồng.
Xây đập ngăn mặn, tích trữ nước ngọt phục vụ cho người dân sẽ là giải pháp lâu dài mà Dawaco dự kiến sẽ thực hiện. Bởi hiện nay, tình trạng xâm nhập mặn ngày một tăng lên, nước từ các hồ thủy điện không thể đẩy mặn cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. Do đó, việc xây đập ngăn mặn để giữ nước ngọt chỉ mới là ý tưởng của Dawaco, nhưng cũng rất đáng được quan tâm. Song, để triển khai xây dựng hệ thống đập ngăn mặn cần có sự tham vấn của các chuyên gia và đánh giá tác động môi trường một cách kỹ lưỡng.
Theo phương án mà Dawaco đưa ra là sẽ xây dựng tuyến đập ngăn mặn thông minh trên sông Cẩm Lệ để giải quyết triệt để vấn đề nhiễm mặn, thiếu nước sinh hoạt của người dân thành phố. Mặc dù, giải pháp như xây các công trình thủy lợi, đập ngăn mặn có thể tốn kém ban đầu nhưng phát huy hiệu quả trong suốt thời gian dài. Mặt khác, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nước biển ngày càng dâng cao, việc xây đập ngăn mặn, tích trữ nước ngọt để bảo đảm an ninh nguồn nước là sự lựa chọn hợp lý.
Mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đi kiểm tra an ninh nguồn nước tại thành phố Đà Nẵng và cho rằng nước thô trên sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn 300 ngày trong một năm đã đe dọa đến an ninh, an toàn nước sinh hoạt. Vì vậy, ngoài việc đầu tư nâng công suất các nhà máy nước, Đà Nẵng cần phải chú trọng giải pháp đầu tư xây dựng các công trình chống hạn. |
THÀNH LÂN