Đà Nẵng làm nông sản sạch - Bài cuối: Thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp hiện đại

.

Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả; tạo ra sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, hữu cơ, có giá trị gia tăng cao và bảo đảm an toàn thực phẩm là những mục tiêu cơ bản được đặt ra nhằm phát triển ngành nông nghiệp sạch của thành phố trong thời gian tới.

Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thu hút sự tham gia tích cực của khối kinh tế tư nhân. TRONG ẢNH: Nông dân đang thu hoạch rau xà lách thủy canh tại trang trại GreenTech Farm (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Ảnh: VĂN HOÀNG
Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thu hút sự tham gia tích cực của khối kinh tế tư nhân. TRONG ẢNH: Nông dân đang thu hoạch rau xà lách thủy canh tại trang trại GreenTech Farm (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Ảnh: VĂN HOÀNG

Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố cho biết, đơn vị đã tham mưu Thành ủy ban hành Chương trình số 42-CTr/TU ngày 5-2-2020 triển khai thực hiện chuyên đề “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC), sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới”. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 2585/KH-UBND ngày 20-4-2020 để cụ thể hóa các nhiệm vụ và triển khai thực hiện nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC gắn với xây dựng nông thôn mới.

Về mục tiêu này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phú Ban phân tích, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương. Đồng thời, rà soát, ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đặc thù của thành phố về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ, liên kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Tăng cường hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng hình ảnh sản phẩm nông nghiệp thông qua nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ, sản phẩm an toàn và tăng cường công tác kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp. Việc đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC, sản xuất tập trung, quy mô lớn phải luôn gắn với xây dựng nông thôn mới toàn diện; nâng cao chất lượng các tiêu chí, phát triển nông nghiệp bền vững, nông thôn kiểu mẫu.

Trong thời gian tới, các ngành và địa phương, nhất là huyện Hòa Vang tập trung huy động nguồn lực để đầu tư kết cầu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị trên tinh thần Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 30-12-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), bảo tồn, phát triển làng nghề nông nghiệp, nông thôn và đổi mới phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Song song đó, tập trung công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, nông thôn đảm bảo ổn định, bền vững và gắn với quy hoạch chung của thành phố, tiếp tục phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh rau, hoa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang gắn với du lịch sinh thái nông nghiệp.

Huyện Hòa Vang hiện đẩy nhanh tiến độ hình thành, đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hòa Ninh, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Liên. Các vùng nông nghiệp sản xuất tập trung, chuyên canh cần được thể hiện cụ thể hơn về ranh giới, tọa độ và diện tích trên cơ sở phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và quy hoạch nông thôn mới.

Tăng thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Tại Quyết định số 5589/QĐ-UBND ban hành ngày 9-12-2019 của UBND thành phố về việc phê duyệt danh mục 57 dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2020-2025, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC có 7 dự án. Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC, bên cạnh chính sách của Trung ương, Đà Nẵng có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn thành phố. Theo đó, doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn thành phố sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng, nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ 50% chi phí đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất (nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bảo quản, tưới tiêu) nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án…

Phó phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang Ngô Thị Hạnh thông tin, tính đến thời điểm này, mặc dù công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC luôn được huyện chú trọng quan tâm, phối hợp cùng thành phố triển khai thực hiện, nhưng vẫn chưa có dự án nào thực sự có tiềm lực để đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc về vấn đề “đất sạch”. Hầu hết các cá nhân, doanh nghiệp đều cho rằng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC tại địa phương có nền thời tiết nắng nóng kéo dài gần 2/3 thời gian trong năm như thành phố Đà Nẵng là điều không dễ, nhất là việc thu hồi vốn. Trong khi đó, “đất sạch” để chào đón nhà đầu tư vẫn chưa thực sự có khiến sau nhiều lần đến khảo sát, vẫn chưa có nhà đầu tư tiềm lực nào quyết định dừng chân.

Hiện nay, các doanh nghiệp đang có dự án, mô hình đầu tư tại huyện Hòa Vang cũng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ nhằm mở rộng quỹ đất để tăng diện tích sản xuất, nâng cao sản lượng. “Tôi mong muốn được thành phố tạo điều kiện hỗ trợ quỹ đất để mở rộng diện tích và đồng thời yên tâm đầu tư sản xuất”, ông Lê Văn Tuấn, chủ trang trại nông sản sạch GreenTech Farm (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) đề xuất.

Theo ông Nguyễn Phú Ban, việc thiếu “đất sạch” chính là nguyên nhân lớn nhất khiến việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, dù đây là lĩnh vực đang được các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn quan tâm. Để tháo gỡ các khó khăn về đất đai, Sở tham mưu thành phố đẩy mạnh việc hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng CNC để bố trí cho các hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã cần đất để sản xuất và thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư; tập trung phát triển nông nghiệp phía tây huyện Hòa Vang theo hướng thu hút đầu tư, phát triển các vùng nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng CNC.

Đơn vị cũng đề nghị UBND thành phố thống nhất chủ trương cho lập quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm CNC Trường Định với diện tích 50ha (hiện đang sản xuất 28,6ha) để triển khai thu hút đầu tư nuôi tôm thâm canh an toàn sinh học, kết hợp mô hình nuôi CNC. Hiện nay, đã có 3 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 gốm vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn ứng dụng tại xã Hòa Khương và xã Hòa Phong (diện tích 16,2ha); vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC xã Hòa Khương (diện tích 28,8ha); vùng nông nghiệp ứng dụng CNC xã Hòa Phú (diện tích 20,9ha).

Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC bền vững dựa trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường là định hướng xuyên suốt được thành phố kiên định thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm an toàn cho người dân và hình thành nên thị trường nông sản sạch trên địa bàn. Để thực hiện được, ngoài nỗ lực tự thân của các cá nhân, doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực này, rất cần có thêm cơ chế, giải pháp để các nhà đầu tư sớm tiếp cận được đất đai và hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Trung ương và thành phố về đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC.

Ông Bùi Dũng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang): Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mặc dù được thành phố, doanh nghiệp, cá nhân, hợp tác xã quan tâm đầu tư mạnh, các kỹ thuật tiên tiến cũng được áp dụng ngày càng nhiều nhưng vẫn chưa thực sự tạo được bước đột phá lớn. Riêng đối với HTX Rau an toàn Túy Loan, dù đã có thương hiệu nhưng các xã viên vẫn chủ yếu sản xuất theo hướng thủ công, chưa ứng dụng được nhiều các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thời gian này, HTX đang triển khai thử nghiệm mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính với diện tích 300m2 và đầu tư thêm nhà ươm giống. Thời gian đến, HTX sẽ mở rộng quy mô của mô hình này, đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị để phát triển theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng thị trường và đáp ứng được nhu cầu các đối tác.

Ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty CP xây dựng Greentech: Còn hạn chế về quỹ đất và vốn

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu của một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển. Greentech đã đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, công nghệ để nghiên cứu, thực nghiệm và sản xuất thành công các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện khí hậu của thành phố. Hiện nay, 2 sản phẩm chủ lực là dưa lưới và rau thủy canh các loại đều đạt tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP. Tuy nhiên, do hạn chế về quỹ đất sản xuất và vốn đầu tư nên chúng tôi chưa thể mở rộng sản xuất để cung ứng ngày càng nhiều hơn các sản phẩm nông nghiệp sạch và chất lượng tốt nhất ra thị trường. Nếu được thành phố hỗ trợ quỹ đất sạch, có diện tích lớn để thuê dài hạn và nguồn vốn vay ưu đãi, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích, sẵn sàng chia sẻ, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ này cho nông dân và các chủ đầu tư có nhu cầu phát triển các sản phẩm này.

Ông Nguyễn Thanh Anh, Chủ cơ sở rau sạch Nông Phú, xã viên thuộc Hợp tác xã Rau, hoa củ, quả Hòa Vang: Cần hỗ trợ người sản xuất tìm thị trường

Theo tôi được biết, hiện nay, không ít sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố mới chỉ khai thác được các thị trường nhỏ, lẻ như các cơ quan, đơn vị, một số cửa hàng rau, củ, quả sạch..., chưa tạo được chỗ đứng bền vững trong hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cũng như hệ thống các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố. Riêng các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, theo hình thức hộ gia đình, mặc dù cũng đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nhưng chỉ sản xuất cầm chừng do đầu ra chưa thực sự rộng mở. Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng, địa phương quan tâm, hỗ trợ hình thành nên chuỗi cung ứng, các vựa phân phối để người nông dân an tâm sản xuất, sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuận lợi hơn khi ra thị trường.

KHÁNH HÒA - VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích