Sẵn sàng nguồn cung hàng hóa trong mùa mưa, bão

.

Hiện nay, Sở Công thương thành phố đã chủ động triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa, phương án cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa bão; đồng thời tuyên truyền đến các cá nhân, tổ chức để tránh tình trạng khan hàng, ghim giá, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống khi có thiên tai, bão lụt.

Sở Công thương thành phố cho biết, đã chuẩn bị các phương án cung ứng hàng hóa trong mùa mưa bão. Trong ảnh: Người dân đến mua thực phẩm tại Siêu thị Co.opmart.  				        Ảnh: KHÁNH HÒA
Sở Công thương thành phố cho biết, đã chuẩn bị các phương án cung ứng hàng hóa trong mùa mưa bão. TRONG ẢNH: Người dân đến mua thực phẩm tại Siêu thị Co.opmart. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương cho biết, việc dự trữ hàng hóa thiết yếu được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị nguồn hàng cho mùa mưa bão năm 2020 cơ bản hoàn tất.

Theo đó, sở đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố khảo sát nhu cầu tiêu dùng của mỗi địa phương, xác định những địa bàn trọng điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi mưa bão… để xây dựng phương án cung ứng hàng hóa phù hợp, bảo đảm đúng đối tượng và khu vực cần thiết. Qua thống kê của sở, hiện đã có 10 đơn vị gửi báo cáo về nguồn cung hàng hóa với tổng giá trị lên đến hơn 367,5 tỷ đồng.

Trong đó, có các đơn vị phân phối lương thực, thực phẩm lớn trên địa bàn thành phố như Công ty TNHH Thương mại dịch vụ siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, Co.opmart Sơn Trà, MM Mega Market Đà Nẵng, Chi nhánh Công ty CP EB Hải phòng tại Đà Nẵng… với nguồn hàng phong phú, dồi dào. Tổng lượng hàng hóa lương thực thực phẩm các đơn vị kể trên dự trữ là 56,5 tỷ đồng, gồm 25.284 thùng mì ăn liền, 12.653 thùng lương khô, 77 tấn gạo, nếp các loại, 13.832 thùng nước đóng chai và 339 tấn các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác. Đối với mặt hàng xăng dầu, các doanh nghiệp đầu mối đã chủ động cung cấp kế hoạch dự trữ nhiên liệu phục vụ phòng, chống thiên tai trong năm 2020 với giá trị 311 tỷ đồng, gồm 12.600m3 xăng các loại, 17.000m3dầu diesel. Các mặt hàng được dự trữ với thời gian dự trữ là từ 1 đến 3 tháng (từ nay đến hết tháng 12)...

Thông tin từ đại diện siêu thị MM Mega Market cho hay, hiện nay, nguồn hàng tại đơn vị luôn dồi dào, bảo đảm chuẩn bị đầy đủ để cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân thành phố Đà Nẵng trong bất cứ tình huống nào, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần. Tương tự, ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho biết, siêu thị đã có phương án chủ động trữ lượng hàng hóa nhu yếu phẩm rất lớn, đủ đáp ứng sức mua tăng đột biến trong thời gian trước và sau mưa bão, kể cả những tuần tiếp theo. Nguồn hàng liên tục được vận chuyển về kho của đơn vị theo hằng tuần với phong phú chủng loại, giá cả hợp lý.

Riêng đối với các mặt hàng tươi sống như rau xanh, củ, quả…, khi nguồn cung tại chỗ thiếu hụt sẽ có các nhà vườn, bạn hàng vận chuyển kịp thời. Ngoài ra, chủ trương của siêu thị là phối hợp với các nhà cung cấp giữ và giảm giá để giảm áp lực chi tiêu của người tiêu dùng.

Về nguồn hàng tại các chợ, theo ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng, hiện nay nguồn cung hàng hóa tại chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Cồn, Đống Đa, chợ Hàn đều giữ được sự liền mạch và bảo đảm để cung ứng ra thị trường ngay cả khi xảy ra mưa lũ. “Đà Nẵng là thị trường có sức mua mạnh, đồng thời cũng là điểm thu mua và phân phối hàng hóa lớn của cả khu vực miền Trung nên chúng ta không lo việc khan hiếm nguồn hàng. Bên cạnh đó, nguồn cung trên thị trường hiện nay rất đa dạng và phong phú. Với kinh nghiệm mua bán lâu năm, mỗi tiểu thương cũng có sự chuẩn bị riêng nên nếu xảy ra bất cứ biến động nào của thị trường, họ cũng sẽ góp phần điều tiết ngay trong thời gian sớm nhất để phục vụ người dân”, ông Tẩu cho biết.

Đơn cử tại chợ Cồn, chợ dân sinh lớn nhất của thành phố, hiện nay hầu hết các tiểu thương đã quay trở lại kinh doanh bình thường sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của Covid-19 nên sức mua cũng như nguồn hàng về chợ tăng lên đáng kể. Hiện toàn chợ có gần 2.000 hộ kinh doanh tất cả các mặt hàng, thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, khu chợ này cung ứng ra thị trường gần 100kg rau củ/ngày; trên 4 tấn thịt/ngày...

Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Ban quản lý chợ Cồn khẳng định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống của người dân về lương thực thực phẩm, chăn màn, chiếu, áo quần… luôn dồi dào; các tiểu thương có nhiều kinh nghiệm trong nhiều năm hoạt động kinh doanh nên đều chủ động có phương án dự trữ hàng hóa phòng trường hợp xảy ra mưa bão lớn trên địa bàn thành phố.  

Cùng với công tác chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, Sở Công thương cũng thường xuyên phối hợp các sở, ngành, UBND các quận, huyện, Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng thực hiện kiểm tra, rà soát chặt chẽ tình hình thị trường, biến động giá cả, khâu cung ứng, lưu thông, và việc thực hiện niêm yết giá, bán theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu theo quy định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, loại trừ các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại khi có thiên tai, bão lụt và xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng tình hình thiên tai, bão lũ để đầu cơ ép giá, găm hàng gây bất ổn thị trường.

Hiện nay, Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trong mùa mưa lũ về giá cả, chất lượng hàng hóa (lưu ý kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết); kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng thiên tai, bão lũ để có hành động ghim hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích