Cần chủ động ứng phó lũ về nhanh

.

Chỉ trong 1 tháng, từ ngày 8-10 đến 7-11, ở hạ du sông Vu Gia, trong đó có huyện Hòa Vang đã hứng chịu đến 6 trận lũ lớn, nhỏ. Qua theo dõi, lũ về hạ du dâng lên rất nhanh so với trước đây, đặc biệt là lũ trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) dâng lên mức báo động 3. Trước thực tế này, cần triển khai ứng phó phù hợp nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do lũ gây ra, nhất là các trận lũ cực đoan.

Lũ chậm thoát qua đường ADB 5 từ xã Hòa Tiến đi Hòa Phong trong ngày 29-10-2020. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lũ chậm thoát qua đường ADB 5 từ xã Hòa Tiến đi Hòa Phong trong ngày 29-10-2020. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại hội nghị khoa học cơ học thủy khí toàn quốc lần thứ 23 do Đại học Đà Nẵng, Hội Cơ học thủy khí Việt Nam, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam phối hợp tổ chức mới đây, TS. Tô Thúy Nga, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) trình bày kết quả nghiên cứu chứng minh đỉnh lũ về hồ thủy điện Đăk Mi 4 lúc 16 giờ ngày 28-10 (do ảnh hưởng của bão số 9) lên đến 13.398m3/s là đúng thực tế.

Theo đó, dựa trên trung bình lượng mưa đo được của các trạm thủy văn đặt tại các xã Phước Công, Phước Chánh, Phước Thành, Phước Năng (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) và một trạm thủy văn của tỉnh Kon Tum, TS. Tô Thúy Nga cùng các cộng sự đã sử dụng các công cụ tính toán và mô phỏng được lưu lượng lũ về hồ thủy điện Đăk Mi 4 trùng với lưu lượng mà chủ hồ thủy điện Đăk Mi 4 đã báo cáo vào thời điểm 16 giờ ngày 28-10. “Các hồ chứa cần phát huy việc hạ thấp mực nước hồ trước lũ như các hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong thời gian qua để đạt hiệu quả vận hành cắt, giảm lũ cao. Các đơn vị chức năng cần lắp đặt thêm nhiều trạm quan trắc thủy văn và cung cấp số liệu trực tuyến để chủ động ứng phó kịp thời”, TS. Ngô Thúy Nga nhấn mạnh.    

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đà Nẵng trong 6 trận lũ xảy ra từ ngày 8-10 đến 7-11, trên lưu vực sông Vu Gia, dù các hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4 đã vận hành xả lũ và giảm lượng nước về hồ nhưng lũ vẫn gây ngập nặng khu vực các xã Hòa Tiến, Hòa Khương... của huyện Hòa Vang, nhất là tại xã Hòa Tiến. Trong 6 trận lũ này, có 3 trận lũ lớn (xảy ra ngày 8-10, 12-10 và 2 ngày 28, 29-10) có đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa dâng lên mức báo động (BĐ) 3 rất nhanh. Thậm chí, trong 3 trận lũ còn lại có đỉnh lũ trên sông Vu Gia chỉ ở trên mức BĐ 2 (trận lũ xảy ra ngày 21-10 chỉ cao hơn mức BĐ 2 là 0,02m; trận lũ ngày 7-11 chỉ cao hơn BĐ 2 là 0,32m; trận lũ ngày 18-10, cao hơn BĐ 2 là 0,78m) và được các hồ thủy điện điều tiết lũ, nhưng vẫn gây ngập nặng tại xã Hòa Tiến (vào các ngày 18-10, 21-10 và 7-11).

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, TS. Lê Hùng, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, do ảnh hưởng của việc thi công các tuyến đường giao thông ở hạ du, nhất là đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hòa Phước - Hòa Khương, đường ADB 5 từ Hòa Tiến đi Hòa Phong (huyện Hòa Vang), nên mực nước trên sông Vu Gia dâng lên mức BĐ 3 rất nhanh và ngập sâu ở khu vực xã Hòa Tiến. “Trong các đợt lũ vừa qua, các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã hạ thấp mức nước trong hồ trước lũ nên đã vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du hiệu quả. Do đó, cần hạ thấp nhiều hơn mức nước hồ trong thời gian trước lũ để có dung tích trống nhằm vận hành cắt, giảm lũ tốt hơn cho hạ du”, TS. Lê Hùng cho biết.

Theo Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương Ngô Xuân Thế, cần thiết phải tính toán trường hợp lũ cực đoan, ngang bằng hoặc lớn hơn lưu lượng lũ như đợt lũ xảy ra vào 2 ngày 28 và 29-10 vừa qua để chủ động ứng phó. Riêng đối với hồ thủy điện A Vương, công ty đã thử tính toán lũ cực đoan, lưu lượng về hồ gần gấp đôi lưu lượng lũ kiểm tra và tràn qua mặt đập; hiện đang tính toán đối với trận lũ có tổng lượng mưa 2.000-3.000mm để chủ động ứng phó.

ThS. Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho rằng, trong những năm có lượng mưa nhiều vào mùa mưa bão như năm nay, các hồ thủy điện không cần phải tích nước sớm trong hồ. Trước khi lũ về, cần mở hết các cửa van lên cho lũ chảy qua tràn để tạo dung tích trống trong hồ càng lớn càng tốt. Đến khi xuất hiện đỉnh lũ, mới khép các cửa van  tại tràn xả lũ lại để cắt lũ. Đây mới là cách cắt, giảm lũ hiệu quả, phù hợp với tình hình hạ du hiện nay. Còn theo TS. Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cấp cao về biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai của Tổ chức Oxfam, các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn không nên tích nước từ nay đến tháng 12, để tập trung vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du vì còn xuất hiện nhiều đợt mưa lớn.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.