Phát triển du lịch chất lượng cao, khẳng định ngành kinh tế mũi nhọn

.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI (2015-2020), cùng với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng đã xác định du lịch là một trong ba trụ cột chính phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Ngành du lịch thành phố đang từng bước xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn. TRONG ẢNH: Du khách vui chơi tại khu du lịch Sun World Bà Nà Hills.                    Ảnh: THU HÀ
Ngành du lịch thành phố đang từng bước xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn. TRONG ẢNH: Du khách vui chơi tại khu du lịch Sun World Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ

Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự phối hợp đồng bộ của các ngành, địa phương, sự đồng thuận của người dân và nỗ lực của toàn ngành, hoạt động du lịch thành phố đã có bước tăng trưởng ấn tượng, định vị được thương hiệu và thể hiện vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2016-2019 đạt 24,6%, trong đó, năm 2016 là 23,72%, đến năm 2019 là 31,4% (trong đó đóng góp trực tiếp là 13,7%, đóng góp lan tỏa vào các ngành, lĩnh vực khác là 17,7%). Du lịch cũng tạo ra nhiều việc làm với 50.963 lao động trong năm 2019, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2016. Ngành du lịch thành phố cũng đã được vinh danh, nhận được nhiều giải thưởng quốc tế như Điểm đến sự kiện Lễ hội hàng đầu châu Á (2016), đứng đầu Top 10 điểm đến toàn cầu năm 2020...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, du lịch Đà Nẵng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng. Một trong những hạn chế, khó khăn đó là hoạt động du lịch rất nhạy cảm với biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... Điển hình nhất là Covid-19 đã gây ra thiệt hại lớn đối với ngành du lịch.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang thiếu các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch, nhất là cơ chế thu hút đầu tư các loại hình du lịch cao cấp như du thuyền, trung tâm mua sắm, tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế... Sản phẩm du lịch phong phú nhưng vẫn chưa đặc sắc, các dịch vụ du lịch về đêm phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Các khu vực đặc biệt như bán đảo Sơn Trà, tuyến đường thủy quanh bán đảo Sơn Trà, đường thủy kết nối với Hội An còn nhiều vướng mắc để khai thác và phát triển du lịch.

Chưa kể, du lịch thành phố đang chịu sự cạnh tranh điểm đến “khốc liệt” trong và ngoài nước; đối mặt với sự thiếu bền vững về cơ cấu thị trường, chất lượng tăng trưởng, quy mô doanh nghiệp nhỏ và hạn chế về năng lực cạnh tranh quốc tế. Chất lượng nguồn nhân lực dù được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng bộ và tính chuyên nghiệp. Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội cũng là thách thức cho ngành phải đổi mới, ứng dụng công nghệ trong xúc tiến quảng bá, khai thác và quản lý các hoạt động du lịch...

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII xác định, phát triển các ngành dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng lớn, phát huy thế mạnh về du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu quốc tế là một trong ba trụ cột. Phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng là một trong năm lĩnh vực mũi nhọn cần tập trung ưu tiên.

Do đó, mục tiêu phấn đấu của ngành du lịch trong 5 năm đến là tiếp tục phát triển du lịch bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế; tập trung vào du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế ban đêm trong lĩnh vực du lịch; xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch, trung tâm dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố đón 12-13 triệu lượt khách, tăng 1,4 lần so với 2019. Trong đó, có 4,2 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2021-2025 ước đạt 12-12,5%/năm.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, ngành du lịch thành phố đề xuất 8 giải pháp cụ thể gồm: tập trung khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng của Covid-19, giữ gìn điểm đến Đà Nẵng an toàn; triển khai quy hoạch định hướng phát triển du lịch với trọng tâm dọc theo bờ biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, ven vịnh Đà Nẵng, khu vực đồi phía tây và bán đảo Sơn Trà để khai thác hiệu quả các tài nguyên mặt nước tự nhiên, di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Toàn thành phố sẽ trở thành một điểm du lịch đặc sắc với 6 nút du lịch chuyên đề.

Thành phố quy hoạch các khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mới, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng cao để tạo sự khác biệt, nâng cao sức hấp dẫn và cạnh tranh của điểm đến Đà Nẵng. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm; tăng cường khai thác du lịch đường thủy. Bốn nhóm sản phẩm chủ lực được xác định gồm: du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, golf, hội nghị hội thảo (M.I.C.E); du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, cộng đồng, sinh thái và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực.

Ngành du lịch thành phố cũng tham mưu UBND thành phố tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn đang vướng mắc hiện nay và hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển du lịch; ưu tiên đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ, đặt mục tiêu chuyên nghiệp lên hàng đầu, triển khai chuẩn hóa nguồn nhân lực và quy trình phục vụ đối với các hoạt động, dịch vụ phục vụ du lịch.

Song song đó, tiếp tục đổi mới công tác quản lý Nhà nước về du lịch phù hợp định hướng và mục tiêu đề ra; thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch theo 5 lĩnh vực cơ bản gồm cơ cấu lại thị trường khách; sản phẩm du lịch; hệ thống doanh nghiệp du lịch; hệ thống cơ sở hạ tầng-cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông minh để quản lý điểm đến, quản lý bãi biển và hỗ trợ du khách. Cuối cùng là tăng cường liên kết hợp tác trong và ngoài nước, mở rộng liên kết vùng, quốc gia và quốc tế để quảng bá điểm đến, khai thác sản phẩm và trao đổi nguồn khách, xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng.

Như vậy để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chất lượng cao, có thương hiệu, cạnh tranh quốc tế, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo và hỗ trợ của các cấp lãnh đạo thành phố, các ngành, địa phương, sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, định hướng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 với tinh thần quyết tâm, sáng tạo đổi mới và nỗ lực cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển du lịch thành phố.

TRƯƠNG THỊ HỒNG HẠNH
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích