Phát triển ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao

.

Thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng cường thu hút đầu tư, phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Trong đó, tập trung phát triển các lĩnh vực mũi nhọn gồm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông... để dẫn dắt ngành công nghiệp phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Thành phố tiếp tục xác định mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp với việc tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ-kỹ thuật,  giá trị gia tăng cao.  Trong ảnh: Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ tại Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine. Ảnh: THÀNH LÂN
Thành phố tiếp tục xác định mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp với việc tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ-kỹ thuật, giá trị gia tăng cao. TRONG ẢNH: Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ tại Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine. Ảnh: THÀNH LÂN

Nâng cao hàm lượng công nghệ - kỹ thuật

Theo Sở Công thương thành phố, giai đoạn 2015-2020, qua việc chuyển dịch tái cơ cấu ngành công nghiệp, tỷ trọng các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ - kỹ thuật, giá trị gia tăng cao (điện tử, thiết bị điện, cơ khí chế tạo, sản xuất-lắp ráp ô-tô, phương tiện) tăng từ 25,5% năm 2015 lên khoảng 30% năm 2020. Trong khi đó, tỷ trọng các ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên với nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như luyện kim, sản xuất xi-măng giảm từ 7,8% còn 5,3%; tỷ trọng một số ngành sử dụng nhiều lao động (ngành may mặc, da giày) giảm từ 10,6% còn 9,3%.

Tỷ trọng các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ - kỹ thuật, giá trị gia tăng cao tăng lên đáng kể đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng bình quân chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2015-2020 với 8%/năm, cao hơn so với IIP toàn ngành công nghiệp thành phố (ước tăng bình quân 7,3%/ năm).

Đặc biệt, riêng trong 10 tháng đầu năm 2020, dù chỉ số sản xuất công nghiệp toàn thành phố vẫn tiếp tục đà sụt giảm do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019, như sản xuất phương tiện vận tải tăng 84,1%; sản xuất dụng cụ thể dục, thể thao tăng 25,8%; sản xuất dược phẩm tăng 63,8%; chế biến sữa tăng 9,5%; sản xuất máy bơm, máy nén, vòi và van tăng 4,2%; sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 2,7%...

Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Thị Thúy Mai nhìn nhận, qua 5 năm thực hiện tái cơ cấu, cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, nhất là trong công tác thu hút đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng, ngành công nghiệp đã có những bước phát triển tích cực, chuyển dịch theo đúng định hướng đề ra. Sự thay đổi này phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước cũng như khu vực khi tập trung vào các ngành, lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, bắt kịp xu hướng cuộc cách mạng 4.0, đồng thời hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Một số dự án quy mô khá lớn đầu tư vào Đà Nẵng trong giai đoạn này có thể kể đến như dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine với tổng vốn đầu tư 170 triệu USD; Nhà máy sản xuất đèn báo hiệu ô-tô Key Tronic có tổng vốn 70 triệu USD; Nhà máy sản xuất thiết bị y tế ICT Vina tổng vốn 80 triệu USD; Nhà máy sản xuất thiết bị tự động hóa trong ngành may mặc Yamato tổng vốn 28 triệu USD; Nhà máy công nghệ ATOMA có tổng vốn 798 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất dược phẩm với công nghệ Nano, công nghệ sinh học và Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ cao tổng vốn 1.500 tỷ đồng; dự án đầu tư nâng công suất nhà máy bia Heineken Đà Nẵng; dự án đầu tư mở rộng nhà máy sữa Vinamilk tại Đà Nẵng…  

Chuyển dịch hiệu quả trong thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ - kỹ thuật, giá trị gia tăng cao đã góp phần quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố ngày càng phát triển. Trong ảnh: Sản xuất cần câu cá tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam. Ảnh: THÀNH LÂN
Chuyển dịch hiệu quả trong thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ - kỹ thuật, giá trị gia tăng cao đã góp phần quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố ngày càng phát triển. TRONG ẢNH: Sản xuất cần câu cá tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam. Ảnh: THÀNH LÂN

Hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp

Việc chuyển dịch hiệu quả trong thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ - kỹ thuật, giá trị gia tăng cao đã giúp ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố ngày càng được định hình rõ nét hơn. Trong thời gian tới, thành phố xác định mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp với việc tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ - kỹ thuật, giá trị gia tăng cao; trở thành mũi nhọn dẫn dắt ngành công nghiệp thành phố phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn, công nghệ cao, có sức lan tỏa.

Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án thuộc các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết, để đạt được các mục tiêu đề ra, thời gian tới, ngành công thương sẽ phối hợp cùng các cấp ngành tiến hành rà soát, hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, chính sách khuyến công trên địa bàn thành phố nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy định của Trung ương; thực hiện lồng ghép, tích hợp các chính sách hỗ trợ có nội dung tương tự vào nhau nhằm giảm đầu mối chính sách, nâng cao hiệu quả thực hiện, tránh chồng chéo, trùng lặp, gây phức tạp trong quá trình triển khai. Việc xây dựng và thực hiện chương trình phát triển thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm. Đồng thời, thành phố cũng tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp theo định kỳ, đặc biệt là việc kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị…  

Nhìn ở một khía cạnh khác, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng Nguyễn Tiến Quang cho rằng, trong vài năm trở lại đây, vai trò và vị thế của ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố đang được khẳng định mạnh mẽ hơn. Quá trình tái cơ cấu đi đúng hướng và bước đầu mang lại những tín hiệu khởi sắc, thúc đẩy được việc hình thành rõ nét hơn ngành công nghiệp hỗ trợ.

“Thời gian tới, trong chiến lược tiếp tục cơ cấu chung ngành công nghiệp với việc lấy các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ - kỹ thuật, giá trị gia tăng cao làm mũi nhọn phát triển, thành phố cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp hoạt động ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là doanh nghiệp trong nước. Đồng thời chú trọng đánh giá năng lực thực tế, chọn lọc doanh nghiệp có năng lực để hỗ trợ và hỗ trợ thích đáng để các doanh nghiệp này sớm đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, hàm lượng công nghệ; tận dụng được hiệu quả từ hoạt động thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ”, ông Quang khuyến nghị.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích