Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng nhiều mặt hàng tăng cao. Hiện nhiều doanh nghiệp, đơn vị cung ứng lớn trên địa bàn thành phố cũng như ngành công thương đang triển khai kế hoạch chuẩn bị nhằm bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo dự báo, sức mua vào thời điểm cuối năm sẽ tiếp tục tăng nhưng không cao bằng năm ngoái. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại siêu thị Big C. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Chuẩn bị sớm nguồn hàng
Theo ghi nhận tại các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng lớn trên địa bàn thành phố, việc chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm khá chu đáo. Là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ngay từ đầu tháng 12, Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng đã hoàn tất kế hoạch dự trữ nguồn hàng hóa nhằm phục vụ cho các dịp lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; dự kiến tổng giá trị hàng hóa lên đến trên 90 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, thường có sức tiêu thụ mạnh như bánh kẹo các loại (khoảng 30 tấn), gia vị (hơn 200 tấn), đồ khô (hơn 2 tấn), đồ hộp (hơn 1 tấn), rau củ quả (170 tấn), gạo và nếp các loại (50 tấn), thịt các loại (15 tấn)…
Tương tự, kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho dịp lễ, Tết cuối năm cũng được Siêu thị Co.opmart Sơn Trà hoàn tất với tổng số lượng hơn 150 tấn hàng hóa các loại, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019; tập trung vào những mặt hàng sản xuất trong nước như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, mỹ phẩm, hàng gia dụng và đồ uống…
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Sơn Trà nhận định, cuối năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nên sức mua của người dân sẽ giảm nhiều so với cùng kỳ. Thay vì thoải mái mua sắm thì người dân sẽ có xu hướng thắt chặt chi tiêu và chỉ tập trung mua sắm những mặt hàng thiết yếu.
“Dù vậy, sức mua vào dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vẫn sẽ tăng đột biến so với ngày thường nên chúng tôi đã sớm tích cực phối hợp với các nhà cung cấp để chốt phương án tăng cường lượng hàng thiết yếu lên từ 2 - 4 lần để chủ động điều tiết, duy trì nguồn cung ổn định. Bên cạnh đó, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Co.opmart Sơn Trà triển khai giảm giá hàng nghìn sản phẩm ở mức 10-50%/ sản phẩm nhằm chung tay cùng với người dân có một mùa sắm Tết an toàn, tiết kiệm nhưng vẫn đủ đầy trong ngày Tết”, bà Hiền cho biết.
Bên cạnh việc tăng cường chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng phục vụ mùa mua sắm cuối năm cũng như bảo đảm kiểm soát tốt về giá cả, để tăng cường chất lượng phục vụ khi sức mua dự kiến tăng mạnh, các siêu thị như Big C, Co.opmart Sơn Trà, Co.opmart Đà Nẵng, MM Megas Market… đều có kế hoạch tăng giờ mở cửa, tăng số lượng nhân sự và trang thiết bị để phục vụ khách hàng chu đáo hơn.
Nỗ lực bình ổn giá
Thời điểm cuối năm cũng là lúc các doanh nghiệp, nhà cung ứng lương thực thực phẩm bước vào giai đoạn nước rút để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Thành Nhuận, Giám đốc Chi nhánh khu vực miền Trung Công ty CP Vissan Việt Nam cho biết, đến thời điểm này kế hoạch cung ứng nguồn hàng của đơn vị cho thị trường khu vực miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã sẵn sàng và ổn định về giá cả. Ngoài các sản phẩm chủ lực như xúc xích, đồ hộp thì các sản phẩm thời vụ, được tiêu thụ mạnh vào các dịp lễ, Tết như lạp xưởng, giò các loại, thịt nguội có lượng tồn kho lớn.
Theo ông Nhuận, dự báo sức tiêu thụ cuối năm nay cũng như dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ không tăng cao, chỉ đạt khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ các năm tăng 50 - 70%). Tuy nhiên, sự sụt giảm này chỉ mang tính tạm thời và khi dịch bệnh; mưa bão lũ qua đi, thị trường miền Trung nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng sẽ nhanh chóng được phục hồi, hướng đến đà tăng trưởng tích cực hơn. “Chúng tôi đánh giá cao tiềm năng và sự phát triển vượt bậc của thị trường thành phố Đà Nẵng. Trong 5 năm trở lại đây, sức tiêu thụ của doanh nghiệp chúng tôi ở thị trường này luôn ghi nhận mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước 15-20%”, ông Nhuận tiết lộ.
Đối với mặt hàng thịt heo, sau nhiều tháng ghi nhận mức giá tăng mạnh, hiện nay đã bắt đầu hạ nhiệt, nguồn cung trên thị trường cũng dồi dào hơn. Dự báo từ Công ty CP Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng (đơn vị cung ứng hơn 80% sản lượng heo hơi cho thị trường thành phố), nhu cầu tiêu thụ thịt heo trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ tiếp tục tăng 50 - 70% so với ngày thường. Hiện nay, giá heo hơi đã giảm mạnh về mức 70.000 đồng/kg so với thời điểm “sốt giá” trong năm (lên đến 115.000 đồng/kg).
Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng cho biết, nguồn cung thịt heo từ nay đến Tết Nguyên đán không thiếu do dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát tốt, việc tái đàn được đẩy mạnh trong vài tháng qua. Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trung bình mỗi ngày, đơn vị cung ứng ra thị trường 900 - 1.000 con heo. Tuy nhiên, do sức mua dự báo sẽ tăng cao nên giá heo hơi trong hai tháng tới, nhất là thời điểm cận Tết sẽ tăng lên khoảng 75.000 đồng - 80.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh cũng khuyến cáo người dân nên đa dạng trong việc sử dụng các loại thịt, sản phẩm chế biến từ thịt, không nên chỉ tập trung vào mặt hàng thịt heo nhằm tránh gây ra tình trạng thiếu hụt cục bộ, vô tình tiếp tay cho các đối tượng nâng giá, gây bất ổn thị trường thịt heo.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa dồi dào, phục vụ chu đáo nhu cầu mua sắm của người dân cũng như bình ổn thị trường vào dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng đã có văn bản triển khai đến Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, các đầu mối phân phối hàng hóa lớn trên địa bàn thành phố nhằm nắm bắt kịp thời kế hoạch triển khai chi tiết của từng đơn vị, từ đó, chủ động có phương án điều tiết thị trường khi có vấn đề phát sinh lớn.
Sở Công thương cũng đề nghị các đơn vị dự báo tình hình nguồn cung, sức tiêu thụ, giá cả các mặt hàng đơn vị sản xuất, kinh doanh trong 3 tháng cuối năm 2020, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; thông tin về chương trình giảm giá, bình ổn thị trường,… Đồng thời, tiếp nhận và nhanh chóng xử lý các kiến nghị, vướng mắc của các đơn vị trong quá trình triển khai kế hoạch.
KHÁNH HÒA