Sản phẩm truyền thống vào vụ Tết

.

Vào thời điểm này, các sản phẩm truyền thống như bánh tráng Túy Loan, nước mắm Nam Ô được sản xuất nhiều nhằm cung ứng nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới.

Các lò sản xuất bánh tráng Túy Loan đang hoạt động hết công suất để cung ứng bánh cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2021.  Trong ảnh: Bà Đặng Thị Túy Phong (82 tuổi, thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) miệt mài tráng bánh mỗi ngày. Ảnh: M.LÊ
Các lò sản xuất bánh tráng Túy Loan đang hoạt động hết công suất để cung ứng bánh cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2021. TRONG ẢNH: Bà Đặng Thị Túy Phong (82 tuổi, thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) miệt mài tráng bánh mỗi ngày. Ảnh: M.LÊ

Tại thôn Túy Loan Đông 2 (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), những bếp lửa đang hoạt động hết công suất, xen lẫn vào đó là mùi gạo mới và mùi khói bếp. Theo các hộ sản xuất bánh tráng tại thôn, nhu cầu của thị trường cho dịp Tết tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, vì vậy, từ giữa tháng 12 dương lịch đến nay, nhiều hộ dân tại đây bắt đầu công việc từ 3 giờ sáng. Dù đã 82 tuổi, bà Đặng Thị Túy Phong vẫn miệt mài chuẩn bị các công đoạn tráng bánh mỗi ngày. Bà Phong cho biết, để có nguyên liệu tráng bánh vào sáng sớm thì từ chiều tối, bà ngâm gạo và làm gia vị. Ngày thường thì cơ sở sản xuất của bà tráng khoảng 2 ang gạo (1 ang gạo khoảng 7-8kg gạo) cho ra thành phẩm 400 chiếc bánh. Còn từ đầu tháng 11 âm lịch mỗi năm, bà Phong sẽ thuê thêm người phụ để tráng bánh với nguyên liệu khoảng 3-4 ang gạo mỗi ngày, ra thành phẩm 600-800 chiếc bánh.

Cách nhà bà Phong không xa là lò bánh tráng của bà Đặng Thị Tùng - em ruột bà Phong, đã gắn bó với nghề tráng bánh hơn nửa đời người. Bà Tùng cho biết, dịp giáp Tết, cơ sở của bà sản xuất khoảng hơn 800 bánh, gấp 3 lần ngày thường nhưng vẫn không đủ để cung ứng cho các thương lái. Bà Tùng kể, thời điểm này, các “mối” hàng tới chờ sẵn cả ngày, làm được bao nhiêu thành phẩm thì người ta mua ngay, không có bánh thừa để bán lẻ. Theo bà Tùng, mỗi chiếc bánh sau khi tráng được sấy đều hai mặt trên than hồng 3-4 tiếng là đạt được độ khô tốt nhất, sau đó được bọc một lớp giấy, thêm lớp bao nilon ở ngoài để bảo quản bánh lâu hơn.

Chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hiệp Hải Phạm Thị Hải Nguyệt (hội viên Làng nghề nước mắm Nam Ô) đóng sản phẩm để chuẩn bị xuất bán. 								             Ảnh: M.LÊ
Chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hiệp Hải Phạm Thị Hải Nguyệt (hội viên Làng nghề nước mắm Nam Ô) đóng sản phẩm để chuẩn bị xuất bán. Ảnh: M.LÊ

Qua khảo sát, dịp cận Tết, đa số các hộ dân trong thôn tráng loại bánh cỡ to (đường kính 40cm) để phù hợp với nhu cầu biếu tặng của khách hàng. Giá bánh tráng dao động 150.000-170.000 đồng/10 chiếc cỡ đường kính 40cm, giá có nhỉnh hơn thường ngày 10.000-20.000 đồng/10 chiếc vì giá nguyên liệu tăng. Tuy giá cao hơn nhưng nhu cầu thị trường ngày càng tăng khi càng gần Tết, qua đó mang lại thêm thu nhập cho các hộ dân sản xuất bánh tráng.

Ngày 29-12 vừa qua, nước mắm Hương Làng Cổ của Công ty TNHH Mắm Hồng Hương (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) được công nhận và phân hạng sản phẩm đặc trưng OCOP 4 sao trên địa bàn thành phố như một chứng nhận cho nỗ lực của công ty thời gian qua để đưa sản phẩm tiếp cận với thị trường. Giám đốc Công ty TNHH Mắm Hồng Hương Bùi Thanh Phú cho biết, nước mắm Hương Làng Cổ được công nhận sản phẩm OCOP cũng đang vào cao điểm tiêu thụ sản phẩm nên công việc của công ty ngày càng nhiều thêm. Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2021, ngay từ tháng 12-2019 đến tháng 2-2020, anh Phú đã muối cá để bảo đảm độ “chín” của cá và hương vị đậm đà được lưu giữ. Tới nay, công ty đã sẵn sàng 5.000 lít nước mắm cho vụ Tết năm nay, tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Anh Phú cho biết hiện tại khách hàng đã đặt trước 60-70% số lượng mắm trên để làm quà tặng, còn nhu cầu khách hàng mua để sử dụng thì càng gần sát Tết sẽ càng tăng lên.

Dịp trước Tết thường là thời điểm tiêu thụ sản phẩm nước mắm sau một năm muối cá của người dân ở làng mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô Trần Ngọc Vinh cho biết, năm 2020, gần 60 hội viên của Làng nghề nước mắm Nam Ô muối khoảng 250 tấn cá, cho ra 125.000 lít nước mắm thành phẩm. Trong đó, sản lượng từ 4 HTX: Đông Hải, Ô Long, Bình Minh, Xuân Thiều 1 và Công ty TNHH Mắm Hồng Hương chiếm khoảng 70-75%.

Theo ông Vinh, riêng dịp Tết Nguyên đán 2021, làng mắm Nam Ô sẽ cung cấp ra thị trường hơn 100.000 lít nước mắm. Giá nước mắm hiện nay dao động 70.000 - 100.000 đồng/lít tùy cơ sở sản xuất. “May mắn là mắm Nam Ô được tiêu thụ ngày càng nhiều qua các năm. Tết 2016, Làng nghề nước mắm Nam Ô bán khoảng 40.000 lít nước mắm thì tới Tết 2019 đã lên tới gần 100.000 lít nước mắm. Còn năm nay, qua khảo sát thì đa số hội viên đã có số lượng đơn đặt hàng lớn nên việc tiêu thụ sản phẩm năm nay dự đoán không khác nhiều so với năm ngoái. Hiện tại các hội viên làng nghề đang hoàn tất những công đoạn cuối như chắt lọc, ủ, đóng chai, dán nhãn để kịp đưa sản phẩm ra thị trường cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Trần Ngọc Vinh cho biết.

MINH LÊ

;
;
.
.
.
.
.