Hướng đi mới từ du lịch nông nghiệp

.

Ngành du lịch đang hướng đến phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng để bổ sung, đa dạng thêm các loại hình sản phẩm du lịch của thành phố Đà Nẵng.

Làng rau Túy Loan đang được những người làm du lịch tìm hiểu để xây dựng sản phẩm du lịch mới phục vụ người dân và du khách.    			               Ảnh: THU HÀ
Làng rau Túy Loan đang được những người làm du lịch tìm hiểu để xây dựng sản phẩm du lịch mới phục vụ người dân và du khách. Ảnh: THU HÀ

Thực tế, thành phố Đà Nẵng có các đề án đã được phê duyệt và đang trong quá trình triển khai về du lịch như “Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; “Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô”; “Đề án phát triển du lịch cộng đồng Thọ Quang - Mân Thái”; “Đề án phát triển du lịch Khu căn cứ cách mạng K20”...

Mới đây là định hướng phát triển du lịch nông nghiệp theo Kế hoạch số 7513/KH-UBND ngày 16-11-2020 của UBND thành phố về phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, đề án này định hướng phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái tại phía tây thành phố (bao gồm các sản phẩm nông nghiệp OCOP). Trong đó, tập trung tại các khu vực Hòa Vang như tại thôn Túy Loan (xã Hòa Phong), thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) phát triển loại hình làng nghề nông nghiệp, tham quan vườn trái cây, học cách làm nông (làm bánh tráng Túy Loan, mỳ Quảng Túy Loan...). Tại cụm An Định- Phò Nam - Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc) có thể phát triển loại hình trải nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao, ăn uống thực dưỡng. Tại thôn Phong Nam, vùng Dương Sơn (xã Hòa Châu) có thể phát triển loại hình trải nghiệm làm nông dân, hình thành các vườn hoa công nghệ cao, tạo phong cảnh... Tại quận Cẩm Lệ, có thể nghiên cứu phát triển du lịch nông nghiệp tại khu vực làng rau La Hường; quận Ngũ Hành Sơn phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch tại khu vực Hòa Quý.

Qua khảo sát hiện nay tại Đà Nẵng cho thấy, thành phố đã hình thành một số mô hình du lịch gắn với nông nghiệp như: tại An Nhiên Farm (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang), Yên Retreat, Nguồn Village (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang). Các mô hình này mới chủ yếu là các hoạt động trải nghiệm như cắm trại, tiệc ngoài trời... Tuy nhiên, theo những người làm du lịch trên địa bàn thành phố thì hiện nay, Đà Nẵng đã manh nha một số mô hình làm du lịch nông nghiệp nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, cần phải có sự liên minh, liên kết giữa các vùng để tạo thành chuỗi các sản phẩm phù hợp. Chưa kể tại một số nơi như vùng rau La Hường, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế hình thành các mô hình du lịch hay để phục vụ người dân địa phương và du khách trải nghiệm nhưng vùng rau chưa có trạm dừng chân để đón tiếp, phục vụ khách khi đến.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng phải được xây dựng dựa trên cộng đồng. Vì vậy, cần tăng cường hoạt động phối hợp giữa các địa phương có thế mạnh về loại hình du lịch này với các nhà đầu tư, tạo được sinh kế bền vững cho cộng đồng. Bên cạnh đó, để phát triển bền vững cần hình thành được 3 nhóm sản phẩm gồm: check-in theo xu hướng; tăng trải nghiệm cho khách và phải có được sản phẩm theo tuyến. Đà Nẵng có nhiều tài nguyên nhưng chưa tạo được các tuyến sản phẩm phù hợp với từng nguồn khách; đồng thời phải dự tính được tuyến đó các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch sẽ khai thác được bao lâu. Những người làm du lịch khi đi khảo sát, nhìn vào sản phẩm sẽ thấy được tuyến điểm, sản phẩm đó phù hợp với nguồn khách nào. Ông Cao Trí Dũng cũng cho rằng, thời điểm này phù hợp để xây dựng sản phẩm du lịch nên hiệp hội sẽ tham gia hỗ trợ trong việc hình thành các sản phẩm du lịch chuyên sâu và mang tính đột phá, dự kiến công bố trong năm 2021.

Đồng quan điểm, ông Lê Long Phi, đại diện Hội Lữ hành Đà Nẵng đặt vấn đề sản phẩm dành cho du lịch nông nghiệp phải hội tụ được các yếu tố như: cảnh quan, tài nguyên, lưu trú và con người. Từ các yếu tố này sẽ xâu chuỗi thành sản phẩm, tạo thêm các trải nghiệm mới cho khách, chẳng hạn như các lớp trải nghiệm nấu ăn, trồng rau...

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, trước mắt, cần xác định được nguồn khách cụ thể và trên cơ sở tiềm năng sẵn có để tạo ra được các sản phẩm phù hợp. Khi phát triển du lịch nông nghiệp phải khai thác được các giá trị ẩm thực địa phương của khu vực đó; bổ sung thêm các hoạt động dịch vụ trải nghiệm gắn với văn hóa bản địa. Muốn có sản phẩm du lịch nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn cũng cần phải xác định quỹ đất dự kiến sẽ triển khai mô hình du lịch để khớp nối với quy hoạch chung của thành phố. Ngành du lịch thành phố sẽ khảo sát lại toàn bộ tiềm năng để đưa vào chuyên đề phát triển sản phẩm du lịch mới, sớm tạo ra sản phẩm phù hợp trong thời gian đến.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.