Phân loại rác tại nguồn để bảo vệ môi trường

.

Hiện nay, nhiều địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện phong trào phân loại rác tại nguồn để tăng cường trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Đại diện các hội đoàn thể thu gom rác tài nguyên tại khu dân cư ở phường Hải Châu 2, quận Hải Châu. Ảnh: H.H
Đại diện các hội đoàn thể thu gom rác tài nguyên tại khu dân cư ở phường Hải Châu 2, quận Hải Châu. Ảnh: H.H

Đều đặn cứ vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng, các hội viên Chi hội phụ nữ An Thượng 1, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) lại mang các loại chai nhựa, vỏ lon bia, giấy, bìa... sau một thời gian phân loại rác thải tại gia đình đến điểm tập trung rác tài nguyên của chi hội để đóng góp, gây quỹ hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật... Bà Đặng Thị Kim Yến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ An Thượng 1 thông tin: “Chi hội duy trì tốt việc thu gom rác tài nguyên từ các hội viên sau phân loại tại hộ gia đình vào ngày Chủ nhật cuối cùng hằng tháng. Số tiền thu được từ việc bán rác tài nguyên phục vụ cho công tác an sinh xã hội”. Còn theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Mỹ An, hiện tất cả các chi hội phụ nữ trên địa bàn phường đều triển khai mô hình thu gom rác tài nguyên sau phân loại rác tại hộ gia đình để gây quỹ phục vụ an sinh xã hội với tổng số tiền thu được 90 triệu đồng/năm.

Qua thực tiễn thực hiện phong trào phân loại rác tại nguồn (hộ gia đình, cơ quan, đơn vị...), việc tổ chức thu gom, tiêu thụ các loại tài nguyên như: vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, giấy, bìa... một cách thường xuyên, đúng định kỳ, đều đặn đóng vai trò quan trọng và thúc đẩy việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Dựa trên tình hình thực tế, hiện mỗi địa phương áp dụng các cách thức thu gom rác tài nguyên sao cho phù hợp, chủ yếu là 3 cách thức: các hội, đoàn thể thu gom rồi bán cho các hộ kinh doanh ve chai; chi hội phụ nữ thu gom rồi bán trực tiếp cho các hộ kinh doanh ve chai; các xí nghiệp môi trường của Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng thu gom và thu mua rác tài nguyên trực tiếp rồi bán cho cơ sở tái chế...

Thời gian qua, phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) áp dụng tổng hợp cả 3 cách thức thu gom, tiêu thụ nói trên. Phó Chủ tịch UBND phường Hải Châu 1 Nguyễn Văn Xuyên cho biết: “Ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, phường đã triển khai trở lại các hoạt động thu gom, thu đổi, tiêu thụ rác tài nguyên để đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn. Bên cạnh việc thu gom rác tài nguyên của Xí nghiệp Môi trường Hải Châu vào định kỳ hằng tuần, các hội đoàn thể và Hội LHPN của phường cũng triển khai các hoạt động thu gom, thu đổi rác tài nguyên nhằm truyền thông, nâng cao ý thức của người dân để việc phân loại rác tại nguồn để trở thành thói quen và trách nhiệm của mỗi người. Phường cũng đang phối hợp với các tổ chức, đơn vị triển khai thí điểm mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ kinh doanh ăn uống trên phố ẩm thực ở tuyến đường Phạm Hồng Thái và các trường học trên địa bàn phường”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thị Kim Hà cho biết: Đà Nẵng mới trong giai đoạn đầu thực hiện phong trào phân loại rác tại nguồn và còn hạn chế về cơ sở tái chế, mạng lưới tư nhân thu gom và thu mua rác tài nguyên nên cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn việc thu gom rác tài nguyên... của các hội, đoàn thể và chi hội phụ nữ cơ sở để đến khi phong trào mạnh, sẽ thúc đẩy thị trường tiêu thụ, tái chế. Do đó, các hội, đoàn thể, phụ nữ địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phục vụ phân loại rác tại nguồn, nhất là hoạt động thu gom, tiêu thụ rác tài nguyên để bảo vệ tài nguyên, môi trường, phục vụ an sinh xã hội và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp với các tổ chức, đơn vị triển khai các dự án về phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa tại thành phố Đà Nẵng như: Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) thực hiện dự án “Đô thị giảm nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê”; UNDP hỗ trợ triển khai mô hình tổ nòng cốt quản lý rác thải tại các khu dân cư ở một số phường, xã của quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang... Bên cạnh đó, Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Đại học Leeds (Vương quốc Anh), Ủy ban Kinh tế - xã hội và khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP) triển khai một số dự án “Khép kín chu trình, mở rộng quy mô đổi mới để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa trên biển nhằm giảm tác động cho các thành phố của ASEAN”; Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Trường Đại học xây dựng Hà Nội phối hợp triển khai dự án “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng phù hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới tái chế từ phế thải xây dựng ở Việt Nam”.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích