Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số

.

12 năm liên tiếp (từ năm 2009 đến năm 2020), Đà Nẵng luôn dẫn đầu khối tỉnh, thành phố trên bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index). Đây là kết quả của sự nỗ lực của các cấp, ngành trong thời gian dài nhằm tạo tiền đề nâng tầm giai đoạn chuyển đổi số toàn diện của thành phố.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan Nhà nước và dịch vụ công trực tuyến nên Đà Nẵng đứng thứ nhất về chỉ số “ứng dụng công nghệ thông tin”, tăng một bậc so với năm ngoái.  Ảnh: TRỌNG HUY
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan Nhà nước và dịch vụ công trực tuyến nên Đà Nẵng đứng thứ nhất về chỉ số “ứng dụng công nghệ thông tin”, tăng một bậc so với năm ngoái. Ảnh: TRỌNG HUY

Nhiều chỉ số đạt điểm tuyệt đối

Ngày 27-4, trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế năm 2021 tổ chức tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Hội Tin học Việt Nam và Vụ CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố: Đà Nẵng lần thứ 12 liên tiếp dẫn đầu cả nước chỉ số Vietnam ICT Index với điểm số 0,9238/1. Hai thành phố xếp vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Thừa Thiên Huế (0,8162/1) và Quảng Ninh (0,6909/1).

Theo đó, thành phố đạt tròn 1 điểm ở chỉ số thành phần hạ tầng nhân lực xã hội; đồng thời đạt tỷ lệ 100% cán bộ chuyên trách có trình độ từ đại học, công chức, viên chức được tập huấn phần mềm nội mạng và tập huấn an toàn thông tin. Ở chỉ số “ứng dụng CNTT” (gồm ứng dụng nội bộ trong cơ quan Nhà nước và dịch vụ công trực tuyến), Đà Nẵng đứng thứ 1, tăng một bậc so với năm ngoái và là địa phương duy nhất đạt 1 điểm tuyệt đối của cả nước.

Ở chỉ số “hạ tầng kỹ thuật” (gồm hạ tầng kỹ thuật xã hội: tỷ lệ điện thoại cố định, điện thoại di động, tỷ lệ người dùng internet… và hạ tầng kỹ thuật cơ quan Nhà nước: tỷ lệ máy tính, tỷ lệ băng thông internet, triển khai an toàn thông tin và an toàn dữ liệu…), Đà Nẵng đứng thứ 2 sau Thừa Thiên Huế với 0,7864 điểm.

Năm nay, Thừa Thiên Huế là địa phương duy nhất đạt 1 điểm tuyệt đối ở chỉ số này, đi từ hạng 6 cả nước (năm 2019) lên hạng 1. Ở chỉ số “hạ tầng nhân lực” (gồm hạ tầng nhân lực xã hội: tỷ lệ người lớn biết đọc, viết, tỷ lệ các trường học có dạy tin học…và hạ tầng nhân lực của cơ quan Nhà nước: tỷ lệ cán bộ chuyên trách CNTT, tỷ lệ cán bộ chuyên trách an toàn thông tin…), Đà Nẵng đứng thứ 2 sau Cần Thơ với 0,9851 điểm.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận định, một trong những yếu tố chính giúp thành phố giữ vị trí đứng đầu cả nước về tính sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT trong suốt 12 năm qua chính là nhờ các chương trình chính quyền điện tử, thành phố thông minh được triển khai bài bản trên 3 lĩnh vực hạ tầng, ứng dụng, nguồn nhân lực.

Quá trình này cũng diễn ra với lộ trình và chủ trương xuyên suốt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Kết quả Vietnam ICT Index 2020 cho thấy, Đà Nẵng có số điểm ứng dụng phần mềm nội mạng trong cơ quan Nhà nước cao nhất cả nước (79,96 điểm), vượt xa địa phương đứng thứ 2 (Thừa Thiên Huế: 44,45 điểm). Tương tự, điểm số cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Đà Nẵng cũng cao nhất nước (392,5 điểm), gấp 1,8 lần so với địa phương đứng thứ 2 (Cần Thơ: 212,5 điểm)…

Động lực triển khai chuyển đổi số

Top 5 tỉnh, thành phố đứng đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index 2020. (Bảng: Bộ Thông tin và Truyền thông)
Top 5 tỉnh, thành phố đứng đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index 2020. (Bảng: Bộ Thông tin và Truyền thông)

Nhìn nhận thực trạng Đà Nẵng đứng thứ 2 ở các chỉ số “hạ tầng nhân lực” và “hạ tầng kỹ thuật”, ông Nguyễn Quang Thanh cho rằng, một trong những lý do là vì thành phố xây dựng mô hình chính quyền điện tử theo hướng tập trung nên nguồn nhân lực vận hành các hệ thống tập trung chuyên ngành; nguồn nhân lực ở các sở, ban, ngành, quận, huyện phải tập trung vào việc tham mưu chính sách và đề xuất các ứng dụng phục vụ cho đơn vị.

Trên thực tế, tỷ lệ cán bộ chuyên trách CNTT, an toàn thông tin trong cơ quan Nhà nước tại Đà Nẵng thuộc nhóm cao của cả nước. Bên cạnh đó, về hạ tầng kỹ thuật, Đà Nẵng chịu thấp điểm ở một số chỉ số thành phần như tỷ lệ điện thoại cố định/100 dân, tỷ lệ băng rộng cố định/100 dân, tỷ lệ băng thông internet/công chức, viên chức.

Hiện nay, theo xu hướng của thế giới, số điện thoại cố định, băng rộng cố định… của thành phố ngày càng giảm dần, nhường chỗ cho các thiết bị di động, đường truyền internet 3G, 4G, kết nối internet tập trung…, đặc biệt là trong bối cảnh Đà Nẵng tích cực triển khai chuyển đổi số. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động, tỷ lệ người dùng internet của thành phố khá cao là lợi thế để thành phố chuyển đổi số.

Dù 12 năm liên tiếp đứng đầu chỉ số Vietnam ICT Index, Đà Nẵng vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển ứng dụng CNTT bởi công nghệ và yêu cầu về dịch vụ của tổ chức, công dân cũng thay đổi. Bên cạnh việc bảo đảm các nội dung về nhân lực, chính sách…, thành phố đang tích cực triển khai các mô hình thành phố thông minh, chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột chính là hạ tầng, dữ liệu và thông minh.

Theo đó, hạ tầng được tập trung xây dựng, ngoài hệ thống mạng cáp quang, trung tâm dữ liệu còn có các thiết bị Internet vạn vật (IoT), hệ thống thông minh, hệ thống cảm biến… giúp thu thập dữ liệu, biến dữ liệu thô thành các dữ liệu có ích, tạo ra các dịch vụ thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ông Đặng Ngọc Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, Giám đốc Công ty TNHH Axon Active Việt Nam (quận Hải Châu) góp ý, để tiếp tục xây dựng hạ tầng nhân lực cho các chương trình thành phố thông minh, chuyển đổi số, thành phố cần đào tạo cho cán bộ lãnh đạo các đơn vị về cách nhìn nhận những vấn đề cần số hóa và giải pháp có thể triển khai; đồng thời đào tạo kỹ năng xây dựng ý tưởng sản phẩm số và quản lý dự án cho cán bộ chuyên trách của từng đơn vị. Quan trọng không kém là phải đào tạo cho khách hàng, người dân để làm quen và sử dụng các sản phẩm số thay cho truyền thống.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Viettel Đà Nẵng đề xuất, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng, để có thể duy trì và tiếp tục phát triển kinh tế cũng như bảo đảm an sinh xã hội thì nhất thiết phải quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ. Viettel mong muốn được hợp tác cùng Đà Nẵng triển khai hạ tầng viễn thông - CNTT hiện đại (hạ tầng 5G, Internet vạn vật, trung tâm dữ liệu…), tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp xây dựng chiến lược chuyển đổi số chi tiết, dài hạn.

Đà Nẵng đã xây dựng được 560 tệp dữ liệu. Các dữ liệu này đã được xử lý trên các nền tảng thành những dịch vụ thông minh như ứng dụng thông báo lịch xe buýt, tra cứu an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, bản đồ giá đất đai, ứng dụng khai báo y tế, bản đồ Covid-19… Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn tập trung xây dựng hạ tầng công nghiệp CNTT (các khu CNTT tập trung, công viên phần mềm) để hỗ trợ các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm “made in Đà Nẵng”, phục vụ cho thị trường trong và ngoài nước”.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Từ năm 2005, Vietnam ICT Index là chỉ số chính thống đánh giá toàn diện mức độ ứng dụng CNTT trên cả nước hằng năm. Kết quả đánh giá, xếp hạng Vietnam ICT Index là cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông cùng chính quyền các địa phương đưa ra các quyết sách phù hợp, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên đầu tư, thúc đẩy để phát triển ngành CNTT và công nghiệp CNTT trên cả nước.

Qua 16 năm đánh giá, xếp hạng, Đà Nẵng đã ở vị trí dẫn đầu khối tỉnh, thành phố liên tiếp 12 năm (từ năm 2009 đến nay), thể hiện việc triển khai ứng dụng và phát triển CNTT khá hiệu quả và được quan tâm duy trì, cập nhật liên tục. Kết quả trên cũng tạo tiền đề giai đoạn nâng tầm thành chuyển đổi số toàn diện của thành phố.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích