11.315 người lao động, tuần đường, trực gác chắn khu gian đường sắt... thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang bị nợ lương, đứng trước nguy cơ phải bỏ việc. Khó khăn chồng chất khó khăn đã khiến VNR vừa phải "kêu cứu" lên Thủ tướng Chính phủ vì khó có thể trụ vững đến hết tháng 4-2021.
Nhân viên làm nghề tuần đường bị nợ lương đứng trước nguy cơ nghỉ việc. |
Bước đường cùng
Theo kiến nghị "khẩn" của Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh, 11.315 người lao động của doanh nghiệp đang trong tình trạng làm thì vẫn làm, nhưng lương thì chưa có. Tất cả số lao động này được trả lương từ ngân sách Nhà nước, thông qua VNR.
Vướng mắc của VNR khiến người lao động rơi vào hoàn cảnh này là do chưa được Nhà nước giao vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, trong khi ngành thiếu kinh phí hoạt động, kinh doanh sụt giảm, dẫn đến việc không có nguồn tiền trả lương.
"Năm 2021, VNR dự kiến được Nhà nước giao 2.800 tỷ đồng để duy tu đường sắt và trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, VNR vẫn chưa được giao vốn. Các doanh nghiệp đường sắt phải nợ lương công nhân và chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì, còn người lao động chỉ được tạm ứng một phần nhỏ lương để duy trì cuộc sống. Thực tế này nếu tiếp tục kéo dài, người lao động sẽ đứng trước nguy cơ cao bỏ việc, vì vốn là những người thu có nhập thấp", ông Vũ Anh Minh chia sẻ...
Qua tìm hiểu, đây không phải là lần đầu tiên VNR kêu cứu vì thiếu vốn duy tu. Đầu năm 2020, VNR cũng đã không được Bộ GTVT giao dự toán ngân sách, nên không có tiền chi trả cho các đơn vị quản lý hạ tầng và nợ lương công nhân trong nhiều tháng. Nguyên nhân là VNR đã chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, không còn trực thuộc Bộ GTVT, nên không được tiếp tục giao vốn.
Sau đó, phương án tháo gỡ tạm thời là Bộ GTVT giao vốn cho VNR để duy tu, sửa chữa như các năm trước, trong khi chờ các nguồn khác. Song, đến năm 2021, phương án này tạm dừng.
Hiện nay, theo đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Bộ GTVT trình Chính phủ, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) được giao vốn bảo trì sau đó mới giao về VNR, vì vậy, VNR cho rằng "quy trình sẽ tạo ra cấp trung gian quản lý với nhiều thủ tục hành chính".
Định kỳ hàng năm, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách bảo trì đường sắt cho VNR để chi trả cho các đơn vị hạ tầng, đến cuối năm sẽ quyết toán. Năm 2019, ngân sách đã chi trả khoảng 2.500 tỷ đồng cho nhân lực bảo trì đường sắt. Năm 2020 là 2.800 tỷ đồng.
Cũng theo ông Vũ Anh Minh, vướng mắc nhất hiện nay là cơ chế giao dự toán bảo trì, thay vì giao thẳng cho VNR như trước đây, thì Bộ GTVT lại đang đặt hàng cho VNR thông qua Cục Đường sắt Việt Nam.
Việc qua thêm một tầng nấc trung gian, tạo thêm nhiều thủ tục hành chính trong quản lý, làm gia tăng việc cấp phép, phê duyệt bảo trì và phá vỡ tính thống nhất giữa các hoạt động quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt với công tác đảm bảo an toàn chạy tàu.
VNR đang quản lý hơn 3.100 km đường sắt, với khoảng 2.800 tỷ đồng bảo trì, nhưng hiện không có kinh phí vận hành. Do đó, trước việc hàng chục nghìn lao động của VNR không có lương, kéo theo là hàng chục nghìn gia đình người lao động bị ảnh hưởng, buộc VNR phải "kêu cứu" lên Thủ tướng Chính phủ.
Nguy cơ dừng chạy tàu
Trao đổi về vấn đề bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) quốc gia, ông Vũ Anh Minh cho hay, từ năm 1955 đến nay, VNR là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước duy nhất, được Chính phủ thành lập với mục đích giao quản lý, khai thác, sử dụng và kinh doanh trực tiếp toàn bộ tài sản KCHTĐS theo hình thức không tính thành phần vốn tại doanh nghiệp.
Hệ thống đường sắt quốc gia đi qua 34 tỉnh, thành phố, trong điều kiện không có nguồn kinh phí cho công tác quản lý tài sản KCHTĐS, VNR đã tổ chức một hệ thống quản lý tài sản từ cấp Tổng công ty đến các đơn vị thành viên và các công ty cổ phần có vốn góp chi phối.
Đến thời điểm này, do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, cũng như việc thi công gói đầu tư 7.000 tỷ đồng thuộc nguồn vốn trung hạn trong điều kiện đường đơn, vừa chạy tàu vừa thi công, VNR đang trong giai đoạn hết sức khó khăn.
20 công ty thành viên thực hiện nhiệm vụ bảo trì KCHTĐS quốc gia hiện không có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và trả lương. Thực tế này đã đẩy các doanh nghiệp đến bước đường cùng, đứng trên bở vực phá sản và nếu người lao động bỏ việc, thì nguy cơ dừng chạy tàu hiện hữu.
Còn theo lãnh đạo các doanh nghiệp thành viên VNR, trên cơ sở các quy định của pháp luật liên quan, kinh nghiệm quốc tế và đặc biệt là thực tiễn quản lý, điều hành hoạt động, Chính phủ đã chủ trì họp nhiều lần với các Bộ, ngành để phân tích cơ sở pháp lý và đã có các kết luận, thông báo.
Bộ Tư pháp cũng đã thẩm định tính pháp lý tại văn bản số 193/BTP-PLDSKT ngày 22/1/2021, khẳng định việc giao tài sản KCHTĐS và dự toán kinh phí bảo trì cho VNR là đúng quy định của pháp luật hiện hành (kể cả Luật Ngân sách nhà nước).
"Việc dừng chạy tàu sẽ gây ảnh hưởng lớn đến vận tải hành khách, nhưng nếu VNR cho chạy tàu thì trái luật. VNR có thể cho các công ty trực thuộc vay tiền để duy trì, nhưng sau này kiểm tra, kiểm toán có thể kết luận là sai vì VNR không có chức năng cho vay", ông Vũ Anh Minh khẳng định.
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Bộ GTVT đang báo cáo Chính phủ ban hành cơ chế để Bộ giao vốn ngân sách trực tiếp cho VNR và VNR sẽ tiếp tục ký hợp đồng với các đơn vị hạ tầng trực thuộc như trước đây để ổn định hoạt động.
Bộ cũng đã giao Cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu cơ chế ký hợp đồng với các đơn vị hạ tầng. Ngoài ra, Chính phủ đã yêu cầu đảm bảo hoạt động thông suốt trên tuyến đường sắt quốc gia, Bộ không cho phép VNR dừng chạy tàu.
Theo baotintuc.vn