Ngày 29-3-2021, nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng, thành phố công bố điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thành phố đã xác định “Chiến lược phát triển kinh tế thành phố đến năm 2030” với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành “đô thị sinh thái, đô thị sáng tạo, đô thị đáng sống hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.
Phát triển du lịch chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng là một trong các lĩnh vực mũi nhọn được thành phố tập trung ưu tiên. TRONG ẢNH: Hệ thống khách sạn ven biển tuyến đường Võ Nguyên Giáp (quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Xác định các trụ cột phát triển kinh tế
Định hướng phát triển kinh tế thành phố giai đoạn 2021-2030 xác định các trụ cột: khu vực dịch vụ tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao nhất là du lịch, thương mại, logistis, tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục và đào tạo... Giai đoạn 2021-2030, thành phố đặc biệt tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; dịch vụ logistics với cảng biển, hàng không; nâng cao chất lượng lịch vụ tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo chất lượng cao và phát triển y tế chuyên sâu.
Đối với mũi nhọn kinh tế về phát triển du lịch chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng, thành phố kiên trì định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, hài hòa với thiên nhiên và môi trường, cân đối quỹ đất và địa điểm cho phát triển du lịch với các ngành kinh tế khác. Thành phố thực hiện xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố; khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của Đà Nẵng và tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thành phố đẩy mạnh triển khai trung tâm thương mại miễn thuế, khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí có thưởng, phát triển sản phẩm căn hộ chung cư cao cấp. Trong chính sách phát triển còn có việc hỗ trợ duy trì các đường bay quốc tế hiện có và tìm kiếm cơ hội xúc tiến mở các đường bay từ thị trường xa, tiềm năng đến Đà Nẵng như: Úc, Ấn Độ, Tây Âu, Bắc Âu, Nga, Hoa Kỳ... gắn với tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đăng cai tổ chức các sự kiện tầm quốc tế và khu vực, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế.
Các mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Tốc độ tăng trưởng bình quân GRDP đạt từ 9,5-10,5% năm (trong đó có một vài năm có tăng trưởng đột phá hơn 12%/năm). Cơ cấu của các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, thủy sản - nông - lâm lần lượt chiếm 63-65%; 22-25%; 1-2% trên GRDP thành phố. Tỷ lệ vốn đầu tư/GRDP khoảng từ 30-33%. Tỷ lệ vốn đầu tư ngoài Nhà nước và FDI/tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 80%. GRDP bình quân đầu người đạt 7.000 USD vào năm 2030. Tỷ trọng tổng sản phẩm xã hội trên toàn địa bàn thành phố so với cả nước đạt khoảng 1,8-2.2% . (Nguồn: Thiết kế Chiến lược phát triển thành phố - QĐ số 359/TTg ngày 15-3-2021) |
Đối với mũi nhọn về dịch vụ logistics gắn với cảng biển, hàng không, thành phố sẽ tập trung hoàn thành các kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, liên thông như hoàn thành hệ thống các cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng. Đồng thời, nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics, đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận chuyển đa phương thức gắn với phát triển thị trường dịch vụ logistics...
Hình thành trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo
Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thành phố tập trung phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thẩm định giá, định giá tài sản, dịch vụ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Về giáo dục - đào tạo, thành phố mở rộng hợp lý quy mô đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, tiệm cận với quốc tế; thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư xây dựng mới các trường chất lượng cao, phát triển loại hình giáo dục - đào tạo ngoài công lập, nâng cao chất lượng các trường tư thục, trường quốc tế. Đồng thời, phối hợp với Đại học Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ thủ tục đầu tư xây dựng Khu đô thị Đại học Đà Nẵng gắn với xúc tiến thành lập Đại học Quốc gia Đà Nẵng. Về y tế, thành phố nâng cao năng lực và dịch vụ y tế chất lượng cao; trong đó nghiên cứu tận dụng thế mạnh ngành du lịch để phát triển du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe.
Thành phố cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), điện tử, viễn thông phù hợp với cách mạng công nghệ lần thứ 4 gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Trong đó, phát triển và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp CNTT, khuyến kích hỗ trợ đầu tư phát triển các khu công viên phần mềm do doanh nghiệp làm chủ đầu tư; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chính quyền điện tử, thành phố thông minh.
Thành phố chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, lấy Khu Công nghệ cao làm hạt nhân đầu tư phát triển gắn với tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cung ứng nguồn lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Mũi nhọn trong chiến lược phát triển thành phố là việc xây dựng thành phố thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tầm quốc gia và là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao.
Theo đó, hình thành khu đổi mới sáng tạo, khu đô thị đại học, trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên phần mềm ở phía nam thành phố theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của các nước. Ngoài ra, thiết kế Chiến lược phát triển kinh tế thành phố giai đoạn 2021-2030 cũng xây dựng giải pháp phát triển văn hóa, xã hội; phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai.
TRIỆU TÙNG
Cấp chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga T1 và nhà ga hàng hóa Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng trong năm 2021 để phát triển dịch vụ logistics gắn cảng biển, hàng không “Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã thống nhất thông qua đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050” và chuẩn bị báo cáo Thành ủy. Đồ án xác định mục tiêu đạt công suất 30 triệu khách/năm, về hạ tầng có 2 đường hạ cất cánh song song với 1 phút 20 giây bảo đảm có một chuyến cất, hạ cánh. Trong quy hoạch có nhà ga hàng hóa. Hiện Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng đã có hồ sơ đề xuất cấp chủ trương đầu tư và dự kiến UBND thành phố cấp phép đầu tư vào đầu tháng 5. Đối với nhà ga T1 đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và thành phố sẽ cấp chủ trương đầu tư vào quý 4-2021”. (Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại cuộc làm việc của Thường trực Thành ủy với Cục Hải quan Đà Nẵng ngày 15-4) |