Theo định hướng khai thác nước mặt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng vẫn phải khai thác đến 60% trữ lượng nước thô từ hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, nhưng cần giảm phụ thuộc vào sông Quảng Huế và các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia để tránh tái diễn điệp khúc nhiễm mặn - thiếu nước như trong những năm qua.
Thời gian qua, hồ thủy điện Sông Bung 5 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) thường tích nước thời gian dài trong ngày rồi xả nước với lưu lượng lớn trong vài giờ gây hạ thấp mực nước sông Vu Gia, ảnh hưởng đến việc chống nhiễm mặn, thiếu nước của Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Không quá trông chờ thủy điện
Chỉ trong vòng 1 tháng, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4-2021, các cơ quan chức năng đã có đến 4 văn bản gửi các chủ hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia yêu cầu xả nước với lưu lượng theo đúng quy định của quy trình và có 1 văn bản yêu cầu các hồ xả nước với lưu lượng trung bình/ngày lớn nhất có thể để bảo đảm cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho thành phố Đà Nẵng và một số địa phương của tỉnh Quảng Nam. Gửi văn bản yêu cầu thủy điện xả nước gần như là việc làm thường xuyên của các cơ quan chức năng trong những năm qua bởi tâm lý vẫn coi thủy điện là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề liên quan đến nguồn nước.
Ông Nguyễn Quang Minh (người dân trú tuyến đường Yên Bái, quận Hải Châu) bày tỏ: “Các sở, ban, ngành phải tham mưu thành phố có phương án bảo đảm an ninh nguồn nước lâu dài cho hơn 1 triệu dân Đà Nẵng, chứ không thể trông chờ vào sự xin - cho của những chủ hồ thủy điện mãi được”.
Còn ông Phan Văn Mạnh (người dân trú đường Trương Định, quận Sơn Trà) nêu ý kiến: “Thành phố cần nghiên cứu giải pháp khai thác nước ngọt một cách bền vững, chứ không thể phụ thuộc quá lớn vào các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia để rồi năm nào cũng xảy ra tình trạng nước yếu, thiếu nước và nước bị nhiễm mặn hoài được”.
Tình trạng nhiễm mặn - thiếu nước diễn ra thường xuyên trong 10 năm qua trên địa bàn thành phố đều có nguyên nhân từ các vấn đề liên quan đến thủy điện như: chuyển dòng, tích nước, kiệt nước, vận hành không đúng quy trình vận hành liên hồ thủy điện đã được Chính phủ phê duyệt...
Tuy nhiên, qua theo dõi trong 10 năm qua, dù các chủ hồ thủy điện thực hiện không đúng quy trình đã được Chính phủ phê duyệt trong thời gian dài, thậm chí là Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia không huy động các chủ hồ xả nước phát điện theo đúng yêu cầu của quy trình nhưng đều không bị chấn chỉnh, xử phạt. Chính điều này dẫn đến hệ quả là người dân thành phố nhiều lần gặp khó khăn, trở ngại trong đời sống vì bị thiếu nước, nước nhiễm mặn.
Hơn 20 năm chưa chỉnh trị được sông Quảng Huế
Từ năm 2000 đến 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chi khẩn cấp 171 tỷ đồng cho Ban Quản lý dự án Đầu tư và xây dựng thủy lợi 6 (Ban 6) thực hiện dự án chỉnh trị sông Quảng Huế. Năm 2013, Bộ NN&PTNT tiếp tục bố trí thêm 31 tỷ đồng cho dự án, trong đó có xây dựng hạng mục kè hướng dòng, điều tiết nước mùa kiệt tại cửa vào sông Quảng Huế.
Theo Ban 6, hạng mục này đã tổ chức thi công hoàn thành, bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng trong tháng 10-2014 và Bộ NN&PTNT cũng đã cho phép kết thúc dự án. Tuy nhiên, để bảo đảm đồng bộ an toàn cho toàn bộ công trình và mục tiêu cấp nước cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, cần nghiên cứu, đề xuất đầu tư hệ thống công trình điều tiết đa mục tiêu giữa sông Vu Gia và sông Thu Bồn, giữ ổn định lâu dài cho khu vực sông Quảng Huế trong điều kiện biến đổi khí hậu mới với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng.
Đầu năm 2019, UBND thành phố Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất phương án đắp đập tạm trên kè hướng dòng ở sông Quảng Huế và giao cho Dawaco thực hiện vào năm 2019 và 2020. Tuy nhiên, sau các đợt mưa lũ lớn liên tiếp vào cuối năm 2020, tuyến kè hướng dòng và cả khu vực hạ lưu kè bị xói lở nặng. Hiện tỉnh Quảng Nam đã triển khai xây dựng đập tạm chặn cửa sông Quảng Huế nhưng tuyến đập tạm này rất dễ bị xói lở và cuốn trôi.
Nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Vạn Thắng cho rằng: “Nếu các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia vận hành đúng theo quy trình đã được Chính phủ phê duyệt thì bảo đảm cho việc khai thác nguồn nước thô để xử lý, cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho thành phố Đà Nẵng cũng như một phần của tỉnh Quảng Nam và an toàn cho tuyến đập tạm chặn cửa sông Quảng Huế hiện hay.
Thành phố cần quyết liệt yêu cầu các chủ hồ thủy điện: Sông Bung 4A, Sông Bung 5 và Sông Bung 6 phải xả nước giãn đều ra 12 giờ trong ngày theo đúng quy trình, tránh tích nước phần lớn thời gian trong ngày rồi xả với lưu lượng lớn đến 260m3/s trong vài giờ như thời gian qua, vừa gây biến động lớn về mực nước sông, vừa dễ làm vỡ, trôi đập tạm chặn cửa sông Quảng Huế”.
Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Hương cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu tiến đến thi công đập cứng chặn sông Quảng Huế để điều tiết nước sông Vu Gia về Đà Nẵng và bảo đảm mực nước tại trạm bơm phòng mặn An Trạch cho các máy bơm hoạt động bình thường.
Năm nào Dawaco cũng triển khai đắp đập tạm chặn cửa sông Quảng Huế nên gặp không ít khó khăn. Mặt khác, thành phố đang chuẩn bị nâng cấp đập dâng An Trạch và về lâu dài, còn xây dựng các NMN tại hệ thống đập dâng An Trạch (xây dựng 1 NMN tại đập dâng An Trạch, 1 NMN tại đập dâng Hà Thanh...) nên cần phải có đập cứng chặn sông Quảng Huế để đạt hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, TS Lê Hùng, Giảng viên Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho rằng, thi công công trình cứng ở sông Quảng Huế để điều tiết nước sông Vu Gia là quá khó dù có giá trị đầu tư 500 tỷ đồng, vì càng làm cứng thì nước sẽ phá dòng ở chỗ khác. Cứ mỗi năm bỏ ra 500 triệu đồng để đắp đập tạm bằng bao cát tại vị trí kè hướng dòng như đã thi công năm 2019 và 2020 là tốt nhất, còn dư tiền thì gia cố thêm vài chỗ bị nước phá.
Nghiên cứu khai thác nguồn nước sông Thu Bồn
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Hòa cho rằng, nguồn nước từ thủy điện không về hoặc tuyến đập tạm chặn cửa sông Quảng Huế gặp vấn đề thì cũng rất khó khăn trong việc bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Nguồn nước của thành phố hiện quá phụ thuộc vào sông Quảng Huế và các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia.
Hơn nữa, chế độ dòng chảy sông Vu Gia và tình hình xói lở ở sông Quảng Huế rất phức tạp nên dẫu có bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây đập cứng tại sông Quảng Huế để điều tiết nước sông Vu Gia thì cũng rất dễ bị xói lở và xảy ra các tác động khác. Chính vì vậy, mỗi năm bỏ ra khoảng vài trăm triệu đồng để làm đập tạm chặn sông Quảng Huế rồi đắp lại nếu bị cuốn trôi thì cũng hiệu quả hơn việc xây dựng đập cứng với kinh phí lớn như trên...
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đánh giá biến động dòng chảy, lòng dẫn khu vực công trình chỉnh trị sông Quảng Huế và ảnh hưởng của những phát sinh mới trên lưu vực một cách tổng thể, từ đó đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp nhằm bảo đảm ổn định, bền vững; có kế hoạch đầu tư, sửa chữa công trình từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025...
“Về lâu dài, đề nghị thành phố cần trao đổi, làm việc với tỉnh Quảng Nam để đề xuất Bộ NN&PTNT, cũng như Bộ TN&MT về phương án khai thác nguồn nước sông Thu Bồn tại khu vực cầu Giao Thủy (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đưa về đập dâng An Trạch để cung cấp cho các NMN xử lý, cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho thành phố. Bởi lẽ, khu vực sông Thu Bồn tại khu vực cầu Giao Thủy vừa có nước từ hồ thủy điện Sông Tranh 2, vừa có hồ thủy điện Đăk Mi 4 xả về với trữ lượng dồi dào, mà lại còn sạch, chất lượng hơn nước sông Vu Gia vì không phải chảy qua các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị và bãi đổ chất thải... Đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu đầu tư các máy bơm có công nghệ bơm được ở cột nước thấp để chủ động bơm được nước khi mực nước sông hạ thấp”, ông Hoàng Thanh Hòa đề nghị.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho biết thêm, trong bản thuyết minh của Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Thủ tướng vừa phê duyệt đã có nội dung nghiên cứu phương án khai thác nước từ khu vực cầu Giao Thủy và tuyến đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ. Do đó, sau này có triển khai thực hiện những giải pháp này thì cũng có những thuận lợi vì đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất.
HOÀNG HIỆP