Trong kế hoạch hành động của ngành công thương giai đoạn 2021-2025, đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những chìa khóa quan trọng nhằm góp phần cùng thành phố hướng tới xây dựng nền sản xuất, thương mại, dịch vụ thông minh, gia tăng giá trị. Ba lĩnh vực được ngành công thương xác định tập trung đẩy mạnh là sản xuất công nghiệp, năng lượng và thương mại điện tử.
Ngành Công thương chú trọng chuyển đổi số trên các lĩnh vực, trong đó có điện và năng lượng. Trong ảnh: Giám sát điều hành lưới điện thông minh tại Trung tâm điều khiển hệ thống điện Đà Nẵng (ảnh chụp đầu tháng 4-2021). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Đánh giá tổng quan về hiện trạng cũng như nền tảng để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số ở lĩnh vực công thương hiện nay, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương cho biết, công tác đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nói chung, chuyển đổi số nói riêng ngày càng được đơn vị quan tâm và có sự chuyển biến tích cực qua từng năm. Sở đã ban hành nhiều chính sách như: quy chế ứng dụng CNTT, ứng dụng chữ ký số... Hạ tầng CNTT cơ bản bảo đảm cho hoạt động cũng như bảo mật tài liệu cho toàn ngành. Bên cạnh đó, sở đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý Nhà nước chuyên ngành; thực hiện số hóa hồ sơ công việc nhằm phục vụ cho việc tra cứu hồ sơ được nhanh chóng, thuận lợi.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số thành phố Đà Nẵng nhìn nhận, Sở Công thương Đà Nẵng là một trong những đơn vị ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào giải quyết các thủ tục hành chính, luôn đạt hơn 70 điểm, xếp loại khá; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đạt rất cao với hơn 90% hồ sơ. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức 4 đạt 81%, còn lại là dịch vụ công trực tuyến mức 3. Các đơn vị thương mại trong ngành công thương Đà Nẵng cũng tích cực số hóa bằng hình thức thương mại điện tử, dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ...
Hướng đến mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, nhiều năm nay, ngành công thương tăng cường ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất. Từ năm 2018 đến nay, Sở Công thương đã hỗ trợ khoảng 5,3 triệu tem dán QR-Code cho khoảng 470 hộ tiểu thương tại 10 chợ trên địa bàn thành phố; hỗ trợ 100.000 tem QR Code cho 2 đơn vị sản xuất là Hợp tác xã Gà Nhơn Phát và Công ty TNHH Thanh Hồng Phúc... nhằm góp phần kiểm soát nguồn gốc chất lượng thực phẩm cung ứng vào các chợ. Ở lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), từ năm 2016-2020, Sở đã hỗ trợ 208 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai các giải pháp ứng dụng TMĐT; triển khai xây dựng Sàn TMĐT thành phố Đà Nẵng (danangtrade.com.vn), hỗ trợ 1.885 doanh nghiệp giới thiệu 3.030 sản phẩm/dịch vụ trên Sàn TMĐT ...
Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công thương
Trên cơ sở đề án Chuyển đổi số của thành phố đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, theo bà Lê Thị Kim Phương, sở đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số riêng của toàn ngành, trong đó tập trung ở các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, năng lượng và TMĐT. Trong đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công thương phục vụ chuyển đổi số. Cụ thể như xây dựng cơ sở dữ liệu công nghiệp (hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; các số liệu về sản xuất công nghiệp), thương mại (trung tâm thương mại siêu thị, chợ, cửa hàng bán lẻ, các nhà hàng đạt chuẩn; các nhà phân phối/doanh nghiệp thương mại; các số liệu về thương mại nội địa, xuất nhập khẩu), năng lượng (bản đồ lưới điện trên nền GIS, quản lý nhu cầu năng lượng, kiểm soát độ tin cậy cung cấp điện).
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; xây dựng Sàn TMĐT thành phố phục vụ quảng bá sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng, OCOP của thành phố…; kết nối với các sàn TMĐT lớn trong nước và quốc tế; xây dựng bản đồ mua sắm trực tuyến, cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực… Đối với xử lý hồ sơ trực tuyến, nâng cấp cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý Nhà nước chuyên ngành công thương và xây dựng hoàn thành 100% dịch vụ công mức 4; xây dựng đề án Chuyển giao một số dịch vụ hành chính công cho khu vực tư thuộc ngành công thương.
Để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, các đơn vị trực thuộc ngành công thương tích cực triển khai, đặc biệt ở lĩnh vực xúc tiến thương mại. Ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố cho biết, ứng dụng CNTT cũng như chuyển đổi số sẽ góp phần quan trọng hướng đến thay đổi dần hình thức xúc tiến thương mại. Điều đó phù hợp với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 cũng như xu thế chung của nền thương mại hiện đại. Thời gian tới, đơn vị sẽ tổ chức một số hoạt động nhằm tuyên truyền sâu rộng hơn về chuyển đổi số như mở lớp tập huấn về marketing Digital, hội nghị kết nối cung cầu trực tuyến và trực tiếp, giới thiệu doanh nghiệp tham gia trên các sàn TMĐT như Amazon, Alibaba, danangtrade...
KHÁNH HÒA