Bảo đảm an toàn hàng hải

.

Với mục đích nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động hàng hải, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn, giảm tai nạn đáng tiếc.

Ông Trịnh Thế Cường, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng cho biết, thực hiện “Năm An toàn giao thông 2021”, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn hàng hải tại vùng nước cảng biển Đà Nẵng và khu vực được giao. Ngay từ đầu năm, cảng vụ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hàng hải trong khu vực; kiểm tra tàu, phương tiện thủy nội địa, tàu cá, bến cảng. Qua đó, phát hiện và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, gây sự cố; không cấp phép cho tàu thuyền thực hiện hành trình khi không bảo đảm an toàn.

Cảng vụ xác định, việc phát triển kinh tế biển phải gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, đặc biệt Đà Nẵng là thành phố du lịch. Do vậy, công tác bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, kiểm soát tải trọng phương tiện và phòng ngừa ô nhiễm môi trường luôn được đơn vị quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, qua theo dõi, giám sát, đơn vị phát hiện một số trường hợp tàu, thuyền chưa tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về hàng hải như: không duy trì trực canh thông tin; thực hiện chưa đúng quy định về thông tin, báo cáo; đón, trả hoa tiêu không đúng vị trí quy định...

Trước tình hình này, cảng vụ đã yêu cầu thuyền trưởng các tàu, đại lý tàu trong khu vực quản lý, Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải khu vực 4 tăng cường bảo đảm an toàn cho hoạt động của tàu thuyền tại vùng nước cảng biển Đà Nẵng. Đồng thời duy trì thường xuyên hoạt động trực canh thông tin trên VHF kênh 16 và các thiết bị thông tin liên lạc khác; thực hiện đúng, đầy đủ về nội dung thông tin, báo cáo, nhất là tuân thủ giới hạn tốc độ hành trình trên những đoạn luồng hàng hải có quy định về giới hạn tốc độ...

Để bảo đảm an toàn hàng hải trên các tuyến, luồng vào vịnh Đà Nẵng, cảng vụ đã đề xuất Cục Hàng hải Việt Nam thiết lập, cải tạo, nâng cấp các tuyến luồng hàng hải tại vùng nước cảng biển Đà Nẵng với tổng chi phí hơn 14 tỷ đồng. Cụ thể, trang bị bổ sung phao báo hiệu tại các vị trí bất cập trên luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Tiên Sa, nghiên cứu điều chỉnh phao số 0 ra ngoài cửa vịnh (thiết lập từ trước năm 1975), tạo điều kiện cho tàu thuyền nhận dạng tuyến luồng khi đến và rời vịnh Đà Nẵng.

Tại khu vực Liên Chiểu, cảng vụ đề xuất thiết lập tuyến luồng có chiều dài hơn 5km, bề rộng 75m, cỡ tàu ra-vào lớn nhất khoảng 7.000 DWT để phục vụ giai đoạn trước mắt cho các bến chuyên dùng. Đồng thời, thiết lập tuyến luồng dài 2,9km, rộng 150m, tiếp nhận tàu đến 30.000 DWT cùng hệ thống phao báo hiệu để phục vụ cho khai thác bến phao xăng dầu tại khu vực biển Mỹ Khê.

Một trong những vấn đề mà Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng rất quan tâm trong thời gian qua là việc thiết lập các tuyến vận tải thủy từ Đà Nẵng đến Cù Lao Chàm, Lý Sơn và các đảo ở khu vực miền Trung nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch biển đảo trong khu vực.

Theo ông Trịnh Thế Cường, để sớm có cơ sở triển khai mở tuyến du lịch bằng tàu khách cao tốc từ Đà Nẵng đến các đảo khu vực miền Trung, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng đã đề nghị UBND thành phố có ý kiến đề xuất với Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2019/TT-BGTVT ngày 12-9-2019, bổ sung thêm tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo, gồm: tuyến Đà Nẵng đến Lý Sơn; Đà Nẵng đến Cù Lao Chàm và Đà Nẵng đến các đảo khu vực miền Trung.

Ngoài ra, đơn vị thường xuyên thực hiện kiểm tra an toàn các tuyến luồng hàng hải trong khu vực quản lý; kiểm tra, giám sát việc duy trì hoạt động của hệ thống báo hiệu hàng hải. Đồng thời phối hợp theo dõi, giám sát, bố trí vị trí neo đậu các tàu, thuyền và kịp thời ứng phó tai nạn sự cố hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển…

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.