Giá gia cầm tăng trở lại

.

Thời điểm hiện tại, giá các loại gia cầm, trứng gia cầm bắt đầu tăng nhẹ và thị trường cũng nhộn nhịp hơn so với thời điểm tháng 5-2021.

Giá gia cầm tăng trở lại tạo điều kiện để người chăn nuôi phát triển sản xuất. TRONG ẢNH: Người dân đến mua thịt vịt tại chợ An Hải Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: QUỲNH TRANG
Giá gia cầm tăng trở lại tạo điều kiện để người chăn nuôi phát triển sản xuất. TRONG ẢNH: Người dân đến mua thịt vịt tại chợ An Hải Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: QUỲNH TRANG

Khảo sát tại các chợ, giá vịt thương phẩm dao động ở mức 65.000-75.000 đồng/kg, gà ta dao động 110.000-120.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp 45.000-65.000 đồng/kg... Mức giá này đã tăng 5.000-10.000 đồng/kg so với tháng 5. Tương tự, trứng gà ta có giá 40.000-45.000 đồng/chục; trứng gà công nghiệp có giá 42.000 đồng/kg (tăng 7.000 đồng/kg), trứng vịt có giá 35.000 đồng/chục. Trong khi đó, giá trứng cút giảm nhẹ, còn 50.000 đồng/100 trứng (giảm 10.000 đồng/100 trứng so với thời điểm trước tháng 5).

Theo anh Phan Đức Hoàng (tiểu thương ở chợ Mới, quận Hải Châu), lý do giá trứng gà, trứng vịt tăng là vì khi có diễn biến dịch bệnh, người dân có tâm lý mua trứng gà, trứng vịt về trữ tủ lạnh. Thứ hai là vì thời tiết nắng nóng khiến vịt chậm/không đẻ trứng khiến suốt thời gian qua, nguồn cung mặt hàng này khan hiếm. Thứ ba là vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên thời gian qua, thị trường gia cầm ở thành phố phải cung ứng cho một số tỉnh, thành phố ở phía bắc và phía nam khiến giá các mặt hàng gia cầm đều tăng. 

Tuy nhiên, dù thị trường gia cầm khởi sắc, giá tăng ở hầu hết các mặt hàng nhưng người chăn nuôi vẫn không có lãi vì giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao. Xã Hòa Phước phát triển mạnh nghề chăn nuôi chim cút với 162 hộ, mỗi ngày cung cấp 430.000 quả trứng cút ra thị trường. Bà con nông dân được tập huấn kỹ thuật nuôi, dùng thức ăn tự trộn theo công thức riêng, không sử dụng kháng sinh, thuốc tăng trọng, chất bảo quản; đồng thời, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường và bảo đảm các quy định trong cung ứng nguồn sản phẩm sạch cho thị trường.

Ông Nguyễn Văn Tường (ở thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước) cho biết: “Trang trại ông nuôi 9.000 con chim cút lấy trứng, trung bình mỗi ngày thu hoạch 7.000 quả. Hiện, giá bán trứng cút tại trại là 43.000 đồng/100 trứng. Với giá này, người chăn nuôi đã có lãi hơn 1.000 đồng/chục so với thời điểm năm 2020 chỉ 3.200-3.400 đồng/chục. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 215.000 đồng/bao lên 256.000 đồng/bao (loại 25kg) nên sau khi trừ tất cả chi phí, trại của tôi vẫn không có lãi”.

Tương tự, trại gà lớn nhất xã Hòa Khương với quy mô hơn 1.000 con gà, 3.000 con vịt của ông Chu Văn Phong cũng đang phải giảm quy mô trại mới mong duy trì. “Mặc dù trứng gà, trứng vịt đang được giá trên thị trường nhưng giá cám quá cao nên hiện tại, tôi chỉ cố gắng duy trì để không lỗ vốn, chứ không trông mong lời”, ông Phong nói.

Tương tự ông Đặng Thành (chủ trại gà đang nuôi 2.000 con tại thôn 5, xã Hòa Khương) chia sẻ, hiện giá gà thịt tại trại ở mức 58.000-60.000 đồng/kg, cao hơn 8.000-10.000 đồng/kg so với năm 2020. Dù vậy, do năm ngoái thua lỗ nên năm nay trại gà nhà ông cũng như các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn giảm nhiều.

“Thực tế quy mô trại gà của tôi bây giờ chỉ bằng 20% so với các năm trước. Song, thị trường gia cầm đã “khởi sắc”, đem lại hy vọng cho người chăn nuôi”, ông Thành nói.

Theo số liệu từ UBND xã Hòa Khương, thời điểm tháng 9-2020, tổng đàn gia cầm trên địa bàn là 32.900 con, đến tháng 3-2021, tổng đàn giảm còn 19.300 con. Do ảnh hưởng của Covid-19, giá các loại gia cầm giảm mạnh trong nhiều tháng kể từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

Về việc giá gia cầm tăng trở lại, ông Đặng Thành nhận định: “Giá gia cầm thời gian tới sẽ tăng, song nguồn cung khá dồi dào nên không tăng “nóng”. Dù tăng, nhưng với mức giá bán tại trang trại hiện nay, người nuôi vẫn chưa thể bù đắp phần thua lỗ trong thời gian dài trước đây”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca thông tin, việc chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán. Các hộ chăn nuôi quy mô dưới 100 con gà/vịt trở xuống chiếm phần lớn, nuôi với mục đích tự cung, tự cấp cho gia đình hoặc cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong địa bàn của xã. Về lâu dài, ngành nông nghiệp tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp, hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra nhiều sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm chất lượng cao với giá cả phù hợp. Cùng với đó là đẩy mạnh các giải pháp liên kết doanh nghiệp - trang trại chăn nuôi gia cầm để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với mức giá ổn định, bảo đảm lợi ích giữa các bên.

Theo số liệu thống kê từ UBND huyện Hòa Vang, tính đến ngày 30-3-2021, trên địa bàn huyện có 200.966 con gà (trong đó: gà đẻ là 96.870 con, gà thịt 104.096 con); Vịt, ngan, ngỗng: 22.857 con; chim cút: 322.000 con (trong đó: cút đẻ: 287.000 con). Toàn huyện có 7 cơ sở chăn nuôi gà và 1 cơ sở nuôi vịt đẻ quy mô lớn; hiện nay có 4 cơ sở chăn nuôi gia cầm đã được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm H5N1.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.