Doanh nghiệp nỗ lực bảo đảm đơn hàng cuối năm

.

Những tháng cuối năm 2021, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tăng tốc hoàn thành đơn hàng trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh. Chính quyền thành phố cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người kinh doanh.

Hoạt động sản xuất tại Chi nhánh Công ty Scavi Huế tại Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA
Hoạt động sản xuất tại Chi nhánh Công ty Scavi Huế tại Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực

Tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu), 70% số lượng lao động (trong số hơn 2.000 người) đang tham gia hoạt động sản xuất theo phương án “một cung đường hai điểm đến”. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, sản lượng sản xuất của công ty trong hai tháng qua sụt giảm. Hiện tại, công ty không thiếu đơn hàng tính đến cuối năm nhưng khó khăn lớn nhất là thiếu nhân lực để đáp ứng đúng tiến độ giao hàng cho đối tác ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đặc biệt, từ năm 2021, Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng có kế hoạch nâng sản lượng lên 500 triệu motor/năm, thay vì 300 triệu motor/năm như trước đây, vì vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực để bảo đảm thực hiện được mục tiêu đề ra là hết sức bức thiết.

Ở thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm thường có nhu cầu lớn về sản phẩm để cung ứng cho thị trường cuối năm cũng như tăng tốc sau vài tháng chững lại do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông Nguyễn Thành Nhuận, Giám đốc Công ty CP Vissan Việt Nam Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, doanh nghiệp đã hoàn tất kế hoạch cung ứng cho thị trường toàn khu vực trong những tháng còn lại của năm 2021. Trung bình một tháng, công ty cung cấp cho thị trường Đà Nẵng 150-170 tấn hàng hóa là thực phẩm chế biến sẵn các loại như: đồ hộp, xúc xích, giò, chả, lạp xưởng…Riêng một tháng trước Tết Nguyên đán, sản lượng hàng bán ra khoảng 250 tấn.

“Kinh nghiệm nhiều năm hoạt động tại thị trường khu vực miền Trung cũng như qua hai năm ứng phó với dịch bệnh, chúng tôi chủ động và linh hoạt hơn trong đa dạng nguồn cung sản phẩm. Ngoài ảnh hưởng từ dịch bệnh, những tháng cuối năm, khu vực miền Trung thường đối mặt với mưa lũ kéo dài nên công tác vận chuyển hàng hóa phải được chuẩn bị chu đáo. Riêng trong đợt dịch thứ 4, khi nhà máy tại khu vực phía nam bị ảnh hưởng, chúng tôi chuyển hướng lấy hàng từ nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh, nhờ đó bảo đảm được liền mạch nguồn cung cho thị trường Đà Nẵng nói riêng, khu vực nói chung”, ông Nguyễn Thành Nhuận cho hay.

Ghi nhận tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp cho thấy, hiện nay, các công ty nhanh chóng tái khởi động lại dây chuyền sản xuất nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa. Để bảo đảm yêu cầu về tiến độ giao hàng trong tình huống số lượng lao động được gọi trở lại làm việc chưa thể đáp ứng được 100% quân số, nhiều công ty lựa chọn nhân lực có tay nghề, có năng suất lao động cao để góp phần tăng sản lượng sản phẩm nhằm bù đắp sự sụt giảm những tháng trước đó do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chọn công nhân có tay nghề cao để tăng năng xuất lao động, đáp ứng số lượng các đơn hàng ngày càng nhiều. Ảnh: KHÁNH HÒA
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chọn công nhân có tay nghề cao để tăng năng xuất lao động, đáp ứng số lượng các đơn hàng ngày càng nhiều. Ảnh: KHÁNH HÒA

Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đang sôi động dần. Thành phố cũng nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: dự kiến tổ chức chương trình đối thoại trực tiếp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thành lập Tổ hỗ trợ doanh nghiệp và an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho lực lượng công nhân, người lao động…, hướng đến đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố cho biết, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, đơn vị tổng hợp và tham mưu lên UBND thành phố những giải pháp xử lý kịp thời nhằm sớm tháo gỡ các khó khăn. Trong đó, những vướng mắc chính liên quan đến hai nội dung về cơ chế, chính sách liên quan đến vốn, thuế, bảo hiểm xã hội… và công tác phòng, chống dịch.

“Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát tốt, một trong những mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thành phố sớm có chính sách mở cửa linh hoạt cho những đối tượng đã được tiêm vắc-xin để bảo đảm các hoạt động xã hội về lại trạng thái bình thường mới, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư... Đây là nhu cầu bức thiết hiện nay khi các doanh nghiệp sản xuất đang gặp áp lực lớn về tiến độ giao hàng vào những tháng cuối năm”, ông Trần Văn Tỵ cho biết.

Hiện nay, tiến độ tiêm vắc-xin cho lực lượng lao động đang được thành phố tích cực đẩy nhanh. Dự kiến đến hết tháng 9-2021, 100% công nhân tại các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất ở Khu Công nghệ cao và 6 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ được tiêm vắc-xin mũi 1.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thủy, Chánh Văn phòng Hội Doanh nhân trẻ thành phố, hiện nay hội đã gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến đề xuất, kiến nghị từ hội viên. Theo đó, các nội dung tập trung vào hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, gia hạn nộp thuế, miễn giảm các khoản phí, thuế đất...; nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch để doanh nghiệp quay lại hoạt động trong thời gian sớm nhất… Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vắc-xin, nỗ lực vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng vào sự hồi phục kinh tế trong thời gian tới.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích