Nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu kép

.

Giữ vững “vùng xanh” được xem là yếu tố then chốt để doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Doanh nghiệp đang nỗ lực giữ vững “vùng xanh” để tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Apple Film (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ).  Ảnh: KHÁNH HÒA
Doanh nghiệp đang nỗ lực giữ vững “vùng xanh” để tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Apple Film (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ). Ảnh: KHÁNH HÒA

Nhiều cách làm hay trong phòng, chống dịch

Tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng, sau nhiều tháng triển khai những phương án phòng, chống dịch, công ty đã rút ra kinh nghiệm để thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển sản xuất. Theo đó, ngoài những biện pháp cơ bản như thực hiện 5K, giãn cách, chia giờ ăn thành nhiều ca và lắp vách ngăn giữa các bàn ăn nhằm bảo đảm giãn cách…, công tác phòng, chống dịch được công ty nâng lên cấp cao hơn với việc chuẩn bị sẵn sàng một khu vực cách ly có khả năng chứa được 60 người là F1 khi phát hiện ca nhiễm F0 với SARS-CoV-2.

“Khu cách ly này được xây dựng như một bệnh viện thu nhỏ, có bố trí đầy đủ giường, đồ dùng sinh hoạt để bảo đảm cho những F1 khi được cách ly tại đây sẽ vừa duy trì hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” vừa được theo dõi sức khỏe, xét nghiệm theo tần suất 3 ngày/lần. Với cách làm này, chúng tôi hy vọng sẽ chủ động hơn trong việc duy trì hiệu quả hai nhiệm vụ cùng lúc là sản xuất và phòng, chống dịch; đồng thời không rơi vào bị động khi xuất hiện các ca F0”, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho biết.

Ngoài giải pháp tổng thể như trên, Công ty CP Cao su Đà Nẵng còn thành lập các Tổ Covid-19 an toàn theo từng phân xưởng thay vì một tổ chung cho cả đơn vị như trước đây. Tổ Covid-19 an toàn ở các phân xưởng có nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở công nhân trong xưởng sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch cơ bản. Mỗi công nhân phải ký cam kết với tổ trong việc chủ động tự bảo vệ mình khi thực hiện phương án làm việc “1 cung đường, 2 điểm đến”, nếu để lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý theo quy định của đơn vị.

Tương tự, để duy trì hoạt động sản xuất với gần 2.000 công nhân tham gia lao động, Công ty CP Thương mại và Thủy sản Thuận Phước phải siết chặt các quy định, thậm chí là xử phạt đối với các công nhân không tuân thủ việc phòng dịch khi đơn vị nới rộng quy mô sản xuất theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại và Thủy sản Thuận Phước, do chi phí phát sinh quá lớn nên doanh nghiệp không tiếp tục duy trì phương án “3 tại chỗ”, thay vào đó là áp dụng “1 cung đường, 2 điểm đến”. Với phương án này, yêu cầu công nhân  luôn ý thức cao trong phòng dịch, ký cam kết và chịu trách nhiệm với doanh nghiệp nếu để xảy ra lây lan dịch bệnh trong đơn vị.

“Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn các địa phương, khu dân cư và nơi có công nhân thuê trọ cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho công nhân. Bởi đây là yếu tố quan trọng để giữ vững “vùng xanh” ở khu dân cư cũng như giúp doanh nghiệp thực hiện hiệu quả mục tiêu kép”, ông Trần Văn Lĩnh nhấn mạnh.

Được biết, sau khi quay trở lại và nới rộng hoạt động sản xuất, hầu hết các doanh nghiệp đều nêu cao tinh thần phòng dịch gắn với nỗ lực đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Nhiều cách làm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp được sáng tạo và triển khai như: kết hợp phương án “3 tại chỗ” với làm việc tại nhà, “3 tại chỗ” với giao khoán việc, khoán sản phẩm để người lao động nhận về nhà làm… Phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” cũng đang được nhiều đơn vị lựa chọn thay vì “3 tại chỗ”.

Cần xây dựng bộ tiêu chí, công nhận “doanh nghiệp xanh”

Theo khảo sát và đánh giá từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đà Nẵng, dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài nhưng hoạt động sản xuất của thành phố vẫn có nhiều điểm sáng tích cực. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì sản xuất, giữ vững chuỗi cung ứng; đồng thời, không chọn giải pháp cắt giảm lao động mà chỉ giảm lương, giảm giờ làm, bố trí lao động sản xuất luân phiên.

Trong tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, kéo dài, VCCI Chi nhánh Đà Nẵng đề xuất xây dựng bộ tiêu chí, công nhận “doanh nghiệp xanh” dựa trên các yếu tố: cơ sở vật chất, nhân lực được tiêm vắc-xin, nhân lực ở vùng xanh… nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động khi địa phương thực hiện nâng mức giãn cách.

Bên cạnh các phương án sản xuất an toàn hiện nay như “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến, “4 xanh”… thành phố nên tiếp tục hỗ trợ, chấp thuận các phương án sản xuất an toàn mới do doanh nghiệp đưa ra nhằm thực hiện linh hoạt, phù hợp với từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực. Qua đó, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh trong điều kiện thực hiện giãn cách.

“Đối với vấn đề vắc-xin, khi nguồn cung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tiêm mũi hai cho toàn bộ lực lượng công nhân thì cần ưu tiên cho những doanh nghiệp, lực lượng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ chuỗi cung ứng. Ưu tiên vắc-xin cho nhóm dịch vụ logistis, vận chuyển, nhân viên thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu... để bảo đảm hoạt động được thông suốt. Đối với các doanh nghiệp FDI, cần vận động xây dựng cơ chế tương hỗ vắc-xin giữa công ty mẹ ở chính quốc có nguồn vắc-xin với doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng để có thêm nguồn cung”, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Chi nhánh Đà Nẵng nêu vấn đề. 

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.