Phát huy thế mạnh du lịch sinh thái kết hợp văn hóa cộng đồng

.

Khai thác du lịch kết hợp bảo tồn các giá trị cộng đồng, giới thiệu văn hóa truyền thống, hình thành các khu, điểm, sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn để du khách khám phá, trải nghiệm, mua sắm khi đến Đà Nẵng là mục tiêu phát triển du lịch mà huyện Hòa Vang hướng đến.

Các điểm sinh thái tự nhiên ven sông Cu Đê đang là điểm đến hấp dẫn của huyện Hòa Vang. Ảnh: THANH TÌNH
Các điểm sinh thái tự nhiên ven sông Cu Đê đang là điểm đến hấp dẫn của huyện Hòa Vang. Ảnh: THANH TÌNH

Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng là hình thức du lịch phát huy lợi thế về tài nguyên tự nhiên, sinh thái nhân văn dựa trên sự phát triển kinh tế - xã hội mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc. Mô hình du lịch này được nhiều nơi trên thế giới và các địa phương trong nước thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng dân cư.

Khôi phục nét văn hóa truyền thống

Về Hòa Bắc một ngày giữa tháng 11, chúng tôi cảm nhận rõ không khí trong lành và sự bình yên nơi đây. Là xã miền núi nằm ở phía tây bắc huyện Hòa Vang, Hòa Bắc hiện có hai thôn đồng bào dân tộc Cơ tu là Tà Lang và Giàn Bí. Với văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc cùng cảnh quan đẹp với nhiều sông, suối, khe, ghềnh, những năm qua, UBND xã Hòa Bắc đẩy mạnh khôi phục, phát triển và cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch đặc thù mang đặc trưng sinh thái núi rừng cũng như văn hóa cộng đồng Cơ tu.

Cuối năm 2016, được sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), UBND xã Hòa Bắc bắt đầu xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Năm 2018, nhận thấy tiềm năng du lịch tìm hiểu về bản sắc văn hóa của du khách tăng, UBND xã thành lập Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng và homestay tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí bằng việc hình thành các nhóm phục vụ du lịch gồm: nhóm cồng chiêng, văn nghệ, ẩm thực, trekking (đi bộ dài ngày), đan lát, hát lý, dệt thổ cẩm, thuyết minh với 62 hộ dân tham gia.

Để nâng cao kỹ năng làm du lịch cho người dân, UBND xã Hòa Bắc tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực làm du lịch; hướng dẫn cách sống, sinh hoạt hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường; mở các lớp dạy tiếng Anh giao tiếp cơ bản cho các nhóm phục vụ du lịch, tập huấn thuyết minh du lịch cho người dân hai thôn Tà Lang, Giàn Bí nhằm thu hút khách tham quan.

Sau hơn 3 năm, bộ mặt xã Hòa Bắc thay đổi rõ rệt với việc hình thành các tour tham quan làng bản, đi bộ ven suối, tắm suối, ẩm thực Cơ tu, xem biểu diễn văn nghệ truyền thống, thưởng thức nghệ thuật cồng chiêng, dệt vải thổ cẩm, bắn nỏ, ném lao… Cùng với đó, việc hình thành các homestay dịch vụ lưu trú tại nhà dân, giúp Hòa Bắc khởi sắc từng ngày.

Ông Hồ Phú Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc bày tỏ: “Có lẽ thành công lớn nhất khi hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng tại Hòa Bắc là chúng tôi đã kết nối đồng bào, cùng nhau phục dựng và phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương. Từ khi hình thành các tổ du lịch cộng đồng, nhận thức về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của người dân hai thôn Tà Lang, Giàn Bí chuyển biến rõ rệt, du khách biết đến Hòa Bắc nhiều hơn”.

Để các nghề truyền thống và nét văn hóa được lưu giữ, phát triển hơn, khi dịch bệnh ổn định, du lịch trở lại, ông Thanh mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, có những giải pháp để giới thiệu điểm đến, hỗ trợ tư vấn kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch và homestay cho địa phương. Song song đó, hỗ trợ đăng ký và làm nhãn hiệu một số sản phẩm, dược phẩm nhằm đưa sản phẩm truyền thống của người dân đến gần hơn với thị trường.

Ngoài khôi phục các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, điêu khắc tượng gỗ, đan lát mây tre, xã Hòa Bắc còn đẩy mạnh phục dựng các lễ hội văn hóa như mừng lúa mới, ăn thề kết nghĩa, hát lý nói lý, dựng cây nêu, múa cồng chiêng, tung tung da dá, bắn nỏ, bắn cung, leo cột lồ ô... trong các dịp lễ, hội.

Ông Trương Như Huy, phụ trách Văn hóa - xã hội UBND xã Hòa Bắc cho hay: “Giờ đây, người dân Cơ tu có thể tự may trang phục truyền thống cho mình, khách du lịch đến Hòa Bắc có thể thuê trang phục chụp hình, xem các nghệ nhân tại địa phương dệt vải hay thưởng thức ẩm thực do chính người Cơ tu nấu… Có thể thấy, Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng và homestay tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí ngoài tạo ra nhiều điểm du lịch sinh thái cộng đồng còn khôi phục được những nét truyền thống của đồng bào vốn có nguy cơ mai một”.

Xây dựng điểm đến hấp dẫn

Với diện tích tự nhiên chiếm 75% diện tích trên đất liền của thành phố, huyện Hòa Vang có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng. Cuối năm 2020, huyện Hòa Vang ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đẩy mạnh phát triển nhanh và bền vững du lịch cộng đồng.

Đề án xác định, đến năm 2030, Hòa Vang hình thành 5 cụm, điểm du lịch cộng đồng, trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch cộng đồng kết hợp với sinh thái, có khả năng cung cấp các dịch vụ du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng đậm chất văn hóa địa phương kết nối hài hòa với thiên nhiên, làng quê. UBND huyện đang tập trung khôi phục nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Cơ tu, đầu tư cơ sở vật chất tại nhà Gươl với mong muốn thu hút khách du lịch đến các điểm này, từ đó cộng đồng dân cư hưởng lợi từ việc bán các sản phẩm địa phương, sản xuất hàng lưu niệm…

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang nhìn nhận: “Những năm gần đây, người dân, du khách có xu hướng đến Hòa Vang tham quan các làng dân tộc Cơ tu, các điểm sinh thái tự nhiên ven sông Cu Đê, các suối, ao hồ ở Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Khương và các vùng sản xuất rau, hoa… Theo đề án, nếu huyện khai thác tối đa tài nguyên sinh thái tự nhiên, văn hóa, làng nghề truyền thống hiện có ở các cụm một cách bền vững và xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc thù kèm theo đó là tăng số lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm thì Hòa Vang sẽ là điểm nhấn thu hút khách du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh”.

Cũng theo ông Tân, trong phân kỳ giai đoạn và khu vực phát triển du lịch cộng đồng, cụm du lịch cộng đồng Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc) ưu tiên phát triển trước, sau đó đến các cụm Túy Loan - Thái Lai (các xã Hòa Phong và Hòa Nhơn), cụm Trung Nghĩa - Đông Sơn - Hòa Trung (xã Hòa Ninh). Sau 3 năm, khi điều kiện phát triển thuận lợi sẽ mở rộng các cụm du lịch cộng đồng từ 20-25 điểm phục vụ lưu trú homestay, 3-5 điểm phục vụ dã ngoại…

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.