Kinh tế
Bàn về quyền của người tiêu dùng
15-3 là ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Ngày “kỷ niệm” năm nay đối với người tiêu dùng lại vừa trải qua những đợt giá xăng, dầu, gas tăng phi mã khiến chi phí sản xuất đầu vào của tất cả các ngành sản xuất, dịch vụ đều bị ảnh hưởng. Nhiều hàng quán đã điều chỉnh giá mới. Hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác cũng tăng theo như: thịt, rau quả… khiến người tiêu dùng không khỏi chóng mặt.
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có 8 quyền được bảo vệ như: an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền được cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ, quyền được đòi bồi thường thiệt hại hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn...
Tuy nhiên, thực tế, quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Trong chúng ta, nhiều người từng phiền muộn khi bị đối xử bất công, trong vai trò người tiêu dùng. Từ chuyện tin nhắn rác, điện thoại tư vấn các dịch vụ đến giá gas, điện, xăng tăng theo biến số kiểu tăng 3 giảm 1, lại thêm sử dụng dịch vụ hàng không thì máy bay trễ chuyến, mua phải hàng dỏm, thuốc chữa bệnh giả… Lúc đó, không biết phải kêu ai? Bởi, “được vạ thì má đã sưng”.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, do ảnh hưởng của Covid-19 nên cấu trúc các phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng có sự thay đổi đáng kể so với thời gian trước đại dịch, đặc biệt có sự gia tăng đột biến với các lĩnh vực như thương mại điện tử; hàng không và dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển vì đây là những nhóm mặt hàng chịu sự ảnh hưởng lớn bởi Covid-19 cũng như sự thay đổi mạnh mẽ trong hành vi, thói quen tiêu dùng của người dân.
Trong hai năm gần đây, dưới tác động mạnh mẽ và toàn diện của Covid-19, chúng ta có thể thấy việc thực hiện chuyển đổi số để hướng tới một nền kinh tế số không còn là xu hướng mà gần như là yêu cầu bắt buộc đặt ra đối với chính phủ các nước để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Quá trình chuyển đổi số không chỉ kết nối các lĩnh vực trong phạm vi một quốc gia mà còn mở rộng yêu cầu kết nối xuyên quốc gia trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề xuyên biên giới, có yếu tố nước ngoài. Đã xuất hiện các mô hình kinh doanh mới khác so với mô hình kinh doanh truyền thống đặt Chính phủ các nước phải thích nghi trong vai trò quản lý Nhà nước để bảo vệ quyền của người tiêu dùng hữu hiệu hơn.
Ngày 11-3, Bộ Công Thương tổ chức lễ phát động ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3) với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”. Quả thật, gần hai năm qua, dịch bệnh đã tác động hầu hết đến đời sống người dân bởi vậy người tiêu dùng cần được chia sẻ. Các cấp, ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp cần phải chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, một môi trường kinh doanh - tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bền vững trong thời kỳ bình thường mới.
Bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế là trách nhiệm của toàn xã hội. Sứ mệnh đó không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Bộ Công Thương cũng vừa được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự kiến sẽ được đưa ra trình Quốc hội xem xét thảo luận tại phiên họp trong tháng 10-2022. Hy vọng lúc đó sẽ tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.
THẢO UYÊN