Đà Nẵng tham vấn ý kiến phát triển công nghiệp, dịch vụ du thuyền

.

Chiều 3-3, phát biểu tại hội thảo tham vấn ý kiến đề án “Phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” do Sở Công Thương tổ chức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn nhấn mạnh, du thuyền là ngành công nghiệp mới sẽ tạo thặng dư lớn, góp phần hình thành nên những khu vực du lịch đẳng cấp, thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố.

Thành phố rất quan tâm và đã thành lập tổ nghiên cứu, thành lập đề án này. Qua hội thảo, thành phố ghi nhận và tiếp thu các ý kiến tham vấn để có định hướng, lộ trình tốt và mục tiêu khả thi để triển khai hiệu quả đề án nhằm tích hợp vào quy hoạch chung thành phố; là cơ sở, tài liệu để thực hiện công tác xúc tiến đầu tư cả về ngành công nghiệp du thuyền và ngành dịch vụ du thuyền.

Ông Phan Hoàng Phương, đại diện Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), đơn vị tư vấn thiết lập đề án, cho rằng Đà Nẵng có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, tự nhiên, môi trường để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp du thuyền. Các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp du thuyền đang tương đối phát triển.

Đồng thời Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với định hướng chung của thành phố về phát triển du lịch, thành phố đáng sống là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp du thuyền trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp du thuyền của thành phố đối mặt với nhiều hạn chế về quỹ đất, quỹ mặt nước, kết nối hạ tầng giao thông chưa hiện đại và đồng bộ; chưa hình thành nên những khu vực dịch vụ chất lượng cao...

Theo TS Nguyễn Đình Thạo, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Việt-Nhật, việc xây dựng đề án này là phù hợp và đúng thời điểm để tích hợp vào quy hoạch chung khi thành phố đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Ông cũng đề xuất cần kết cấu lại đề án theo hướng dễ hình dung về chuỗi những giá trị liên quan đến công nghiệp du thuyền; tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, chuẩn bị về công nghệ, nhân lực...; có chiến lược thu hút đầu tư thông minh.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du thuyền Việt (Vietyacht), nhà phân phối du thuyền hàng đầu tại Việt Nam, cho biết, các công xưởng sản xuất du thuyền trên thế giới đang quá tải và chuyển hướng tìm kiếm nhà sản xuất, phân phối qua khu vực châu Á. Đây là cơ hội cho Đà Nẵng. “Nếu được cho phép, chúng tôi sẵn sàng tiên phong trong việc xây dựng một bến đỗ với quy mô 30-50 du thuyền ở khu vực sông Hàn cũng như kết nối để đưa nhiều siêu du thuyền về với Đà Nẵng”, ông Thuận nói.

Theo báo cáo từ Sở Công Thương, thời gian qua, phần lớn các tàu du lịch đường biển đến Đà Nẵng là phương tiện cỡ lớn, chiều dài lớn nhất lên đến 280-330m, sức chứa tối đa khoảng 4.000 hành khách, phạm vi hoạt động liên quốc gia, hiện nay đang tiếp cận thông qua cảng hàng hóa Tiên Sa như Costa Venezia, Diamond Princess, Nordam...

Lượng khách du lịch quốc tế đường biển đến Đà Nẵng qua cảng Tiên Sa chủ yếu là châu Âu, Mỹ, Nhật và Trung Quốc, trong đó khách Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất từ 50-70%. Trong giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 19 dự án ưu tiên đầu tư trong công nghiệp, dịch vụ liên quan đến du thuyền với tổng mức đầu tư khái toán khoảng 6.850 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa; trong đó, giai đoạn 2022-2025 là 1.240 tỷ đồng (18,1%), giai đoạn 2026 - 2030 là 1.050 tỷ đồng (15,3%), sau 2030 tầm nhìn 2045 là 4.560 tỷ đồng (66,6%). Trong đó, vốn đầu tư cho công nghiệp là 4.500 tỷ đồng (65,7%), vốn đầu tư cho dịch vụ là 2.350 tỷ đồng (34,3%).

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.