Chợ truyền thống có vai trò là kênh phân phối thực phẩm chủ yếu, bảo đảm cho 70-80% hàng hóa đến người tiêu dùng. Mặc dù thị trường ngày càng có nhiều hình thức kinh doanh hiện đại như: siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại... nhưng chợ truyền thống vẫn được đánh giá là hình thức thương mại phổ biến nhất. Tuy nhiên, để chợ truyền thống tồn tại đáp ứng trước yêu cầu của thương mại văn minh thì việc nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm là việc làm cấp thiết.
Chợ Hàn bảo đảm tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Chợ sạch: Người dân an tâm
Vào quầy hàng ăn uống tại chợ Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), khách hàng dễ nhận ra sự khác biệt so với trước: lối đi sạch sẽ, thông thoáng, nền gạch trắng sáng, quầy sạp tinh tươm với các tủ gương, vách ngăn inox, khay đựng thức ăn bằng thủy tinh/inox chắc chắn, bàn, ghế cũng được đóng theo kích cỡ đồng đều, tạo cảm giác gọn gàng, bắt mắt; tiểu thương trang bị đầy đủ tạp dề, găng tay đứng bán hàng.
Có được sự khác biệt này là nhờ trong giai đoạn thí điểm chợ an toàn thực phẩm (ATTP), ban quản lý chợ đã sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục; tuyên truyền liên tục về việc phải lấy thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn và có điều kiện tồn trữ, bảo quản phù hợp.
“Chúng tôi được yêu cầu phải nhập hàng hóa có nguồn gốc, hóa đơn rõ ràng; đối với hàng không bao gói sẵn thì thực hiện kê khai nguồn gốc hàng hóa. Ngoài ra, các tiểu thương đều trang bị thùng rác tại các điểm kinh doanh thực phẩm, bảo đảm mỗi tiểu thương một thùng rác (riêng dịch vụ ăn uống và thủy hải sản dùng thùng rác có nắp đậy)… Nhờ vậy mà ai đến chợ Nại Hiên Đông bây giờ đều khen “chợ sạch quá”, bà Hạnh (quầy bún mắm, mỳ Quảng chợ Nại Hiên Đông) cho hay.
Đang ăn sáng tại chợ Nại Hiên Đông, bà Thu Nhơn (nhà trên tuyến đường Bùi Dương Lịch) đồng tình: “Trước đây, tôi rất ít ăn uống tại chợ bởi lo ngại vấn đề vệ sinh. Hơn 1 năm trở lại đây, chợ được nâng cấp, sửa sang khang trang, hàng ăn uống rất sạch sẽ, thậm chí, một cái giấy lau miệng rớt dưới đất cũng không có. Khách ăn xong đứng lên là người bán dọn dẹp, quét sạch liền. Ông bà ta nói: Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon cơm là không sai. Chợ cứ sạch đẹp, bảo đảm ATTP là người dân an tâm mua sắm, kể cả phục vụ khách du lịch đến mua sắm”.
Ông Phan Mạnh Hân, Phó Ban quản lý chợ quận Sơn Trà cho biết đã hoàn thiện hồ sơ cho tiểu thương tất cả các ngành hàng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, kê khai nguồn gốc hàng hóa...
Về xử lý vấn đề vệ sinh trong chợ, chúng tôi đã trang bị đầy đủ số lượng thùng rác; nền chợ tại khu vực buôn bán thực phẩm thoát nước tốt, có đầy đủ hố ga, lưới chắn rác, nắp đậy ngăn mùi không đọng nước và dễ làm vệ sinh; tổ chức khử trùng, tiêu độc và tiêu diệt côn trùng, động vật gây hại định kỳ 1 lần/tháng. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn tiểu thương bảo quản hàng hóa trong quá trình bán hàng sau buổi chợ; đặc biệt là phải loại bỏ ngay các thực phẩm có nguy cơ hư hỏng ra khỏi lô hàng. Đồng thời, phối hợp Ban quản lý ATTP thành phố kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm định kỳ.
Nhân rộng chợ an toàn thực phẩm mới, giám sát chợ đã đủ điều kiện
Với mục đích giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết các thông tin về sản phẩm thực phẩm, đơn vị cung ứng, hạn sử dụng..., Sở Công Thương, UBND các quận, huyện chỉ đạo ban quản lý các chợ triển khai mở rộng dán tem QR-Code truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm thực phẩm sản xuất, chế biến, kinh doanh tiêu thụ tại một số chợ thuộc phạm vi quản lý.
Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 1177/KH-SCT ngày 4-6-2021 về việc triển khai thực hiện dán tem QR-Code thực phẩm tại các chợ năm 2021. Theo như kế hoạch, tiếp tục mở rộng thực hiện việc dán tem QR-Code tại một số chợ trên địa bàn thành phố. Đến nay, Sở Công Thương đã phê duyệt dự toán, lựa chọn nhà thầu và đang đăng tải hồ sơ mời thầu để lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong năm 2022 sẽ thực hiện mở rộng việc dán tem truy xuất đối với các sản phẩm kinh doanh tại các chợ hạng 1, hạng 2 trên địa bàn các quận, huyện quản lý.
Đồng thời mở rộng triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm, hàng hóa đặc thù được sản xuất trên địa bàn thành phố như: nông lâm thủy sản, thực phẩm, rau, củ...
Qua đó, giúp người dân làm quen với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem QR code và dần từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc đồng bộ từ khâu nuôi trồng, chế biến nguyên liệu đến đóng gói, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, phân phối sản phẩm, tiêu thụ bằng mã hóa điện tử.
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố cũng thông tin thêm, đơn vị chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc công tác xây dựng mô hình chợ bảo đảm đủ điều kiện ATTP trên địa bàn thành phố năm 2021 và giám sát việc duy trì điều kiện bảo đảm ATTP tại 15 chợ đã được công nhận.
Tuy nhiên, việc xây dựng chợ bảo đảm ATTP còn hạn chế do điều kiện về cơ sở vật chất xuống cấp, khó khăn trong bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp các chợ… ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý ATTP. Ngoài ra, lượng hàng hóa nhập về thành phố bằng nhiều con đường khác nhau, phương thức kinh doanh thực phẩm đang chuyển từ kinh doanh trực tiếp sang trực tuyến dẫn đến việc kiểm tra, giám sát soát thực phẩm còn khó khăn.
Theo số liệu của ngành công thương, hiện trên địa bàn thành phố có 74 chợ các loại, trong đó có 15 chợ đã được công nhận chợ đã đạt đánh giá ATTP, gồm: chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Hòa Cường, chợ Phước Mỹ, chợ Non Nước, chợ Phú Lộc, chợ Cẩm Lệ, chợ Miếu Bông, chợ Hòa An, chợ Quán Hộ, chợ Tam Thuận, chợ Mới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ An Hải Bắc và có 6 chợ đăng ký mới xây dựng mô hình chợ đủ điều kiện ATTP, gồm: chợ Hòa Mỹ (quận Liên Chiểu), chợ Hòa Xuân, chợ Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ), chợ Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang), chợ Tân An (quận Thanh Khê).
|
QUỲNH TRANG