Kinh tế

Chật vật khi giá cả tăng

06:42, 18/05/2022 (GMT+7)

Nhiều người dân, nhất là người có thu nhập thấp đang chịu ảnh hưởng mạnh do giá xăng, dầu tăng trong thời gian qua. Do vậy, việc cân nhắc giải pháp kìm hãm đà tăng của giá xăng, dầu nhằm ngăn chặn kịp thời những biến động tiêu cực của thị trường đến đời sống của người dân trở nên bức thiết.

Hàng hóa tăng giá khiến sức mua trên thị trường chậm lại. TRONG ẢNH: Người dân mua hàng ở siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG
Hàng hóa tăng giá khiến sức mua trên thị trường chậm lại. TRONG ẢNH: Người dân mua hàng ở siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Nhiều mặt hàng tăng giá

7 ngày sau khi giá xăng tăng lập đỉnh, các mặt hàng thiết yếu cũng rục rịch tăng giá để bù vào giá nguyên liệu đầu vào cũng như cước vận chuyển do tác động của giá xăng dầu. Khảo sát tại chợ đầu mối Hòa Cường, hầu hết các loại rau, củ từ thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đều tăng 3.000-5.000 đồng/kg tùy loại. Còn tại các chợ truyền thống, giá các loại rau, củ đã tăng mạnh so với 1 tháng trước đó. Cụ thể, các loại rau cải ăn lá tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/kg; bí xanh tăng từ 17.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; cà rốt tăng từ 15.000 lên 18.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp nguyên con tăng từ 65.000 đồng/kg hiện lên 75.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại một số cửa hàng tạp hóa, mỳ lẩu Thái tăng từ 180.000 đồng/thùng lên 190.000 đồng /thùng; nước mắm phân khúc bình dân tăng từ 24.000 đồng/chai lên 31.000 đồng/chai 500ml; đường trắng từ 17.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; bia từ 320.000 đồng/thùng lên 365.000 đồng/thùng 24 lon…

Ngoài ra, hầu hết loại bánh kẹo đều được các đầu mối liên tục tăng giá với mỗi đợt tăng 1.000-2.000 đồng/sản phẩm. Tăng mạnh nhất là mặt hàng dầu ăn, trong đó giá dầu ăn Meizan Gold trước đây giá 62.000 đồng/chai 2 lít giờ tăng lên 102.000 đồng; dầu ăn Simply trước đây có giá 48.000-52.000 đồng/chai 1 lít nay đã lên tới 64.000-68.000 đồng/chai.

Theo một số tiểu thương tại chợ đầu mối Hòa Cường, giá dầu ăn hiện tăng lên cao và chưa có dấu hiệu dừng lại, một số công ty còn báo hết, không có hàng để nhập. Anh Tuấn (chủ tiệm tạp hóa Tuấn Vy, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết, giá hầu hết các sản phẩm đồ uống của Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát đều tăng 4%; các hãng sữa bột tăng giá 5-9%/tùy nhãn hàng.

Tại các siêu thị, giá các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng ghi nhận ở mức tăng 5-10% trong vòng 2 tuần trở lại đây. Cụ thể, mỳ gói Omachi tăng từ 190.000 đồng/thùng lên 205.000 đồng/thùng; các loại nước giặt, nước rửa bát cũng tăng khoảng 10-15% so với đầu năm. Đại diện hệ thống Winmart+ cho biết, nhóm các mặt hàng như: hóa phẩm, nước giải khát (bia, nước ngọt), sữa, thực phẩm nhập khẩu… đều đã thiết lập mặt bằng giá mới do giá cước vận chuyển tăng cũng như giá nguyên liệu đầu vào tăng, theo giải thích từ phía nhà cung cấp.

Các mặt hàng thiết yếu tăng giá khiến người dân phải tính toán mua sắm cho bữa ăn.  TRONG ẢNH: Người dân mua hàng tại chợ Túy Loan. Ảnh: QUỲNH TRANG
Các mặt hàng thiết yếu tăng giá khiến người dân phải tính toán mua sắm cho bữa ăn. TRONG ẢNH: Người dân mua hàng tại chợ Túy Loan. Ảnh: QUỲNH TRANG

Người dân lo lắng

Giá xăng, dầu tăng kéo theo đà tăng giá của mọi khoản chi phí sinh hoạt, hàng hóa thiết yếu khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Chắt chiu, tính toán, mua sắm ít ỏi và tiết kiệm đang là tâm lý chung của nhiều người. Các siêu thị, trung tâm mua sắm, chợ cũng không nhộn nhịp như trước đây.

Trước sự tăng giá chóng mặt của các loại sữa, chị Thu Mười (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đã thay loại sữa cho con từ loại hơn 400.000 đồng/thùng còn hơn 300.000 đồng/thùng, các loại đồ ăn khác như váng sữa, sữa chua, hoa quả cũng được bổ sung luân phiên thay vì ăn hằng ngày như trước. Chị cũng đứng ra vận động một số chị cùng xóm mua chung rau, thịt số lượng lớn để được giá sỉ. “Đây chỉ là biện pháp thích ứng trong thời gian ngắn. Mong cơ quan chức năng bình ổn lại giá cả các mặt hàng để người dân yên tâm”, chị Mười bày tỏ.

Bà Hồng Liên (đường Thủ Khoa Huân, quận Sơn Trà) mở quán cà phê nhỏ trước sân nhà, chủ yếu bán cho khách là hàng xóm với giá bình dân 10.000 đồng ly cà phê đen, 12.000 đồng ly cà phê sữa. “Mỗi ngày tôi chỉ bán 20 - 30 ly cà phê, đủ tiền chợ. Từ bữa xăng lên đến nay, thứ gì cũng lên, đơn cử như cà phê Trung Nguyên Sáng tạo 1 trước đây 120.000 đồng/kg, nay lên 148.000 đồng/kg, sữa đặc, đường… đều lên giá.

Trong khi mình chỉ bán cho khách quen, muốn lên giá cũng khó”, bà Liên than phiền. Việc tăng giá hàng hóa còn tác động lớn đến các tiểu thương. Chị Nhẹ (tiểu thương hàng cá chợ An Hải Đông, quận Sơn Trà) cho biết, mùa này hải sản giảm sản lượng, giá tăng do chủ thuyền hạn chế ra khơi vì chịu áp lực lớn với giá dầu neo cao trong thời gian dài. Nhiều bữa ra bến không mua được cá, bữa có cá thì giá cao, người dân mua hạn chế lắm. Nhiều “bạn hàng” mỗi lần mua 1-2kg cá thì giờ chỉ mua 2, 3 lạng.

Trong khi đó, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Núi Thành (quận Hải Châu) chia sẻ, giá hàng hóa tăng cao từng ngày nhưng người mua thì thắt chặt chi tiêu. Bình quân mỗi sản phẩm, các cửa hàng chỉ lời vài trăm đến vài ngàn đồng, chưa kể tiền điện để bảo quản nhưng giờ đây khách hàng cân nhắc, đắn đo rất kỹ trước khi mua hàng.

QUỲNH TRANG

Doanh nghiệp vận tải gặp khó

Ngày 17-5, ông Phạm Lợi, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và quản lý bến xe Đà Nẵng cho biết, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách đang gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao. Hiện đã có vài đơn vị tăng giá cước vận tải nhưng mức tăng không cao so với mức xăng dầu đã tăng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, lượng khách đi lại dịp này cũng chưa nhiều như mọi năm khi chưa có dịch. Theo tính toán, hiện chi phí đầu vào lại tăng khoảng 10-20%; xăng dầu chiếm đến 30-40% trong giá thành vận tải nên các nhà xe chạy tuyến nhiều khả năng sẽ bị lỗ, đa phần chạy là để duy trì hoạt động.

Được biết, theo Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15-10-2014, liên Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện giá cước vận tại bằng ô-tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, xe buýt, xe taxi phải đăng ký kê khai giá cước vận tải lần đầu và  bắt buộc phải kê khai lại khi có sự thay đổi giá cước vận tải tăng hơn 3% hoặc giảm dưới 3% so với giá đã kê khai lần trước. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải trình UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ sung dịch vụ kinh doanh vận tải (kinh doanh vận tải bằng hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng ô-tô, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô-tô) thực hiện kê khai giá tại địa phương. Đơn vị thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền ít nhất 5 ngày làm việc trước khi thực hiện theo giá kê khai. Hồ sơ kê khai giá và mẫu niêm yết giá được thực hiện theo mẫu. Đơn vị vận tải niêm yết giá cước theo quy định. Về vấn đề này, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng kiến nghị Nhà nước điều chỉnh lại giá, thay đổi lại cách tính toán giá thành xăng dầu để các doanh nghiệp có điều kiện hoạt động.

THÀNH LÂN

 

.