Kinh tế
Tháo gỡ khó khăn cho các tuyến xe buýt trợ giá
Hiện nay, thành phố chỉ còn 6 tuyến xe buýt trợ giá đang hoạt động gồm: R14A Công viên 29-3 - Khu Công nghệ cao; R4A Cảng Sông Hàn - Hòa Tiến; R15 Bến xe Trung tâm - Thọ Quang; R17A Cảng Sông Hàn - Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang; R6A Bến xe Trung tâm - Khu du lịch Non Nước và R16 Kim Liên - Đại học Việt Hàn. Hoạt động của các tuyến buýt trợ giá hiện gặp nhiều khó khăn do lượng khách giảm, thu không đủ bù chi.
Các tuyến xe buýt trợ giá của thành phố hiện đang gặp khó khăn do thu không đủ bù chi. Ảnh: THÀNH LÂN |
Hiện nay, so với cuối năm 2021, thành phố giảm 5 tuyến xe buýt trợ giá là do 5 tuyến xe buýt này vừa hết hạn hợp đồng nên thành phố đang triển khai công tác tổ chức đấu thầu lại, dự kiến khoảng tháng 9-2022 sẽ đi vào hoạt động lại.
Theo thống kê của Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng (Datramac), đơn vị được giao quản lý 11 tuyến xe buýt trợ giá có tổng chiều dài 222km với gần 1.000 điểm dừng và 202 nhà chờ. Trong 5 năm qua, hệ thống xe buýt trợ giá đã vận chuyển hơn 13 triệu lượt hành khách lưu thông trong nội đô thành phố.
Ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc phụ trách Datramac cho biết, mặc dù hệ thống vận tải hành khách công cộng có trợ giá tại thành phố hoạt động 5 năm nay và có nhiều chuyển biến tích cực, song hoạt động của các tuyến xe buýt trợ giá vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa có thói quen tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải công cộng...
Covid-19 xảy ra khiến hoạt động vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng gặp khó. Ngoài ra, một số vấn đề còn hạn chế về lộ trình tuyến, về thời gian tiếp cận, về chế độ thông tin thông báo chưa được phổ biến, về điểm kết nối, việc thanh toán vé...
Báo cáo của Datramac cho thấy, trong năm 2021, trung bình có 8,9 hành khách/lượt xe, giảm so với cùng kỳ; riêng 4 tháng đầu năm 2022 tình hình cũng không khả quan. Nhu cầu đi lại của người dân bằng xe buýt đã giảm nhiều từ sau khi Covid-19 bùng phát, có những lượt xe chỉ có 1-2 khách; trong khi các khoản doanh thu thấp hơn rất nhiều so với dự báo.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt (57 tuổi, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), xe buýt trợ giá có ưu điểm là không gian xe thoáng mát, sạch sẽ, ghế ngồi hành khách thiết kế rộng rãi, đặc biệt, máy lạnh bật liên tục suốt hành trình khiến hành khách cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người quan tâm nhất hiện nay là các tuyến xe buýt có quá ít trạm dừng liên thông giữa hai tuyến, để người dân có thể lên xuống bất kỳ chỗ nào mà mình muốn để di chuyển đến địa điểm khác.
Còn em Hồ Ngọc Hậu (sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) nhận xét, có lẽ do thói quen của người dùng phương tiện công cộng chưa nhiều nên việc đi xe buýt còn khá ít. Bên cạnh đó, do chờ đợi lâu và người dân phải đi bộ khá xa mới tiếp cận được điểm dừng xe buýt. Ngoài ra, các tuyến xe buýt cũng thường xuyên thay đổi lộ trình khi vướng phải việc cải tạo, nâng cấp hoặc làm mới cầu, đường, hạ tầng giao thông... khiến người dân gặp khó trong vấn đề đi lại.
Mặc dù trên thực tế, xe buýt đã giảm tần suất hoặc ngưng hoạt động nhưng doanh nghiệp vận tải vẫn phải duy trì chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, đóng phí bảo trì đường bộ, bảo dưỡng sửa chữa, đăng kiểm đầy đủ cho phương tiện theo quy định. Cộng thêm chi phí phát sinh cho hoạt động phục vụ phòng, chống dịch khiến doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn.
Để gỡ khó cho các đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt, cũng như người lao động trong lĩnh vực này, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp. Cụ thể, Datramac triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải như: tham mưu UBND thành phố bổ sung nhóm đối tượng “lái xe, phụ xe của 12 tuyến xe buýt trợ giá của thành phố” được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19; xem xét hỗ trợ một phần doanh thu hoạt động xe buýt (doanh thu vé và quảng cáo) cho doanh nghiệp... Các đơn vị sẽ nghiên cứu tham mưu điều chỉnh lộ trình cho phù hợp, tăng hoặc giảm số điểm dừng, giám sát biểu đồ xe chạy; tổ chức các tuyến xe buýt kết nối với trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu dân cư, khu hành chính và khu đô thị mới vào mạng lưới xe buýt chung của thành phố.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch Hiệp hội taxi thành phố Đà Nẵng, để hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải nói chung, doanh nghiệp vận tải buýt trợ giá nói riêng, thành phố cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư hệ thống vận tải hành khách công cộng như: bến bãi, điểm trung chuyển, lối đi bộ trên vỉa hè, ứng dụng công nghệ trong việc quản lý vé, doanh thu...
Thành phố cũng cho triển khai đấu thầu lại 5 tuyến xe buýt đã hết hạn; có cơ chế hỗ trợ các khoản kinh phí phát sinh phục vụ phòng, chống Covid-19; xem xét hỗ trợ các khoản vay, phí bảo lãnh ngân hàng, thuế, phí đăng kiểm, bảo trì đường bộ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải Bùi Hồng Trung cho biết, trong thời gian tới, ngành giao thông sẽ tổ chức đấu thầu 5 tuyến xe buýt có trợ giá giai đoạn 2 (2022-2027); đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động xe buýt thành phố, tăng sản lượng hành khách hơn 5%. Đây là 2 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của ngành giao thông thành phố.
THÀNH LÂN