Kinh tế

Ô-tô cá nhân có được chở hàng mà không đăng ký kinh doanh vận tải?

13:30, 14/10/2022 (GMT+7)

Thời gian gần đây, trên diễn đàn, hội nhóm của một số trang mạng xã hội facebook, zalo, youtube…, nhiều thành viên thắc mắc về việc có được sử dụng ô-tô để chở khách, chở hàng kiếm thêm thu nhập mà không phải đi đăng ký kinh doanh vận tải?

Lực lượng chức năng kiểm tra một xe cá nhân, nghi ngờ chở khách sai quy định.  Ảnh: THÀNH LÂN
Lực lượng chức năng kiểm tra một xe cá nhân, nghi ngờ chở khách sai quy định. Ảnh: THÀNH LÂN

Anh Đỗ Tấn Hưng (trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho rằng, thay vì “trùm mền” ô-tô trong gara, anh dự định sẽ dùng ô-tô của mình để chở khách, chở hàng những lúc rảnh rỗi và khi không sử dụng đến.

Còn anh Lê Văn Việt (trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) chia sẻ, trong mùa du lịch, lượng khách đến Đà Nẵng đông, kéo theo nhu cầu đi lại tăng cao. Nhà có ô-tô nên anh dự kiến tranh thủ chạy chở khách lúc rảnh rỗi, mỗi ngày chạy khoảng 3-4 tiếng, thỉnh thoảng làm luôn 2 ngày cuối tuần, mỗi tháng kiếm thêm được khoản thu nhập kha khá...

Tương tự, anh Đặng Hữu Vinh (trú quận Cẩm Lệ) cho hay, do làm nghề buôn bán tự do, thường di chuyển nên anh mua một ô-tô 4 chỗ để phục vụ công việc. Do đó, anh dự định trên đường đi hoặc khi có thời gian sẽ tận dụng xe để chở khách...

Đây là một trong những dự định của không ít các chủ ô-tô cá nhân hiện nay nhầm tưởng ô-tô của mình thì có thể tự ý sử dụng chở khách, chở hàng hóa trong thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập. Anh Phạm Đạt, thành viên sáng lập hội xe tải Đà Nẵng bày tỏ việc tận dụng ô-tô để kinh doanh này sẽ giúp chủ xe kiếm thu nhập cao thay vì để xe nhàn rỗi tại nhà nhưng phải thực hiện đăng ký kinh doanh vận tải cho xe của mình. Tuyệt đối không được chạy chui, chạy lén khi xe chưa đăng ký, bởi mức phạt cho hành vi này không hề nhỏ.

Theo Luật sư Nguyễn Hoài Thu, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, ô-tô dùng để kinh doanh bắt buộc phải đăng ký kinh doanh vận tải. Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 ghi rõ, kinh doanh vận tải bằng ô-tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Như vậy, dù là xe mua, thuộc quyền sở hữu của cá nhân nhưng một khi đã sử dụng để chở khách, chở hàng để thu lợi nhuận thì đều nằm trong phạm vi của xe kinh doanh. Do vậy, bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, kể cả chỉ tranh thủ thời gian rảnh chạy kiếm tiền cải thiện vẫn sẽ bị phạt như thường, không kể tần suất hoạt động ít hay nhiều.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố, quy định tại Khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30-12-2019, mức phạt với xe không đăng ký kinh doanh cụ thể như sau: phạt tiền từ 7-10 triệu đồng cá nhân kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng ô-tô nhưng không có giấy phép kinh doanh vận tải. Phạt tiền 14-20 triệu đồng nếu tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng ô-tô nhưng không có giấy phép kinh doanh vận tải.

Ngoài ra, người dân cũng cần lưu ý, nếu như sử dụng xe không đúng hình thức kinh doanh đã đăng ký trong giấy phép kinh doanh vận tải, thì cũng sẽ bị áp dụng mức phạt như trên. Ngoài ra, theo Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16-6-2020 của Bộ Công an, đối với những xe kinh doanh vận tải phải thực hiện cấp đổi biển từ biển trắng sang biển vàng trước ngày 31-12-2021. Cũng theo quy định của thông tư này, nếu xe kinh doanh vi phạm sẽ bị phạt từ 2-4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-8 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải.

Khoản 1 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô-tô phải có đủ các điều kiện sau đây: đăng ký kinh doanh vận tải bằng ô-tô theo quy định của pháp luật; bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh; phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ; bảo đảm số lượng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có hợp đồng lao động bằng văn bản; nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ kinh doanh vận tải, an toàn giao thông; không được sử dụng người lái xe đang trong thời kỳ bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp, hợp tác xã phải có trình độ chuyên môn về vận tải. Có nơi đỗ xe phù hợp quy mô của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm yêu cầu về trật tự, an toàn, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

THÀNH LÂN

.