Kinh tế

Cần có lộ trình phù hợp khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số ngành đồ uống

08:45, 16/03/2023 (GMT+7)

Ngày 15-3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo ngành đồ uống đóng góp ý kiến về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI, thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng, ngoài ra, cần tính tới các yếu tố như tính khả thi, tính tuân thủ, cạnh tranh bình đẳng, tính tin cậy, dự báo trước được và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ông Tuấn cho rằng, cần xây dựng lộ trình tăng thuế phù hợp để các doanh nghiệp điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, bảo đảm vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần có báo cáo xác định rõ việc đánh thuế vào sản phẩm đồ uống có đường liệu có làm giảm được các loại bệnh thừa cân, béo phì.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho rằng, mỗi loại thuế đều có ưu điểm và nhược điểm. Một số nước đã chuyển sang thu thuế hỗn hợp, tức áp dụng đồng thời phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và phương pháp tính thuế tuyệt đối để giảm thiểu tiêu cực.

Trước mắt, nên tính thuế hỗn hợp từ năm 2026 - giai đoạn kinh tế Việt Nam đạt được khát vọng chuyển sang thu nhập trung bình cao...

Nhìn chung, đa số các ý kiến tại hội thảo cho rằng việc bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tiếp tục điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia cần được cân nhắc, xem xét một cách tổng thể, phù hợp với bối cảnh thực tế.

M.Q

.