Du lịch

Cần thay đổi cách khai thác du lịch

15:39, 20/04/2008 (GMT+7)

Việt Nam muốn làm du lịch theo kiểu nào? Về mặt định hướng, cho đến nay ngành du lịch vẫn chưa có câu trả lời. Theo hướng phát triển bền vững, có một vị trí xứng đáng trong cơ cấu GDP hằng năm hay chỉ bằng lòng với vai trò đóng góp vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo trước mắt, tạo thêm công ăn việc làm cho một vài bộ phận người lao động thành thị?

Bãi biển hoang sơ.

Trên bãi biển làng chài Điện Dương giữa chặng đường Đà Nẵng vào Hội An, khu du lịch mái ngói đỏ tươi thấp thoáng trong bóng dừa xanh giữa một bãi mênh mông cát trắng giống như một lời thách đố và một câu hỏi bí ẩn đối với những người kinh doanh dịch vụ du lịch, và tất nhiên là cả với du khách. The Namhai Resort thông báo chính thức trên trang web của mình rằng, giá phòng cao nhất vào khoảng 2 ngàn USD cho một đêm.

Phần lớn những du khách Việt chỉ dám đứng trên Quốc lộ 604 nhìn vào, vừa thán phục vừa không thôi thắc mắc bởi hàng loạt câu hỏi: Cái giá kinh khủng đó ở đâu ra? Có cái quái gì trong đó? Một biệt thự riêng biệt rộng 600 mét vuông? Một phòng tắm bốn phía lắp kính nhìn ra vườn hoa bốn mùa khoe sắc? Hay là phòng ngủ có mái che di động để khách có thể tắm nắng ngay trên giường? Hoặc bể bơi riêng có thể chỉnh nhiệt độ nước tùy thích và xe Limousine để đưa khách đi thăm phố cổ Hội An? Câu trả lời là có tất.

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Có một thứ khái niệm về hưởng thụ dịch vụ chất lượng cao mà The Namhai đã tận dụng từ tài nguyên biển miền Trung để bán với cái giá hết sức tự tin (và thực tế là suốt mùa hè 2007 khu du lịch này không hề vắng khách). Đó chính là một vùng biển đẹp hoang sơ, sang trọng nhưng trong lành với dòng nước xanh ngắt, những bãi cát phẳng mịn không một chút ô tạp của thế giới bên ngoài hàng rào khu du lịch. Mỗi du khách vào đây được nhận một khoảng biển trời rất riêng, không có bất cứ sự can thiệp nào vào sự yên tĩnh mà họ trả giá thật cao để hưởng thụ.

Làm sao để níu chân Du khách luôn là bài toán khó.

Cần biết rằng mô hình khai thác dịch vụ du lịch chất lượng cao không hẳn chỉ dành cho những vị khách quốc tế “nặng túi”. Mùa hè vừa rồi, các khu nghỉ dưỡng biển cao cấp tại Hội An, Đà Nẵng đầy ắp du khách Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Người Việt cũng bắt đầu ưa thích được đến những khu vực không chỉ phong cảnh đẹp, dịch vụ cao cấp mà thiên nhiên phải đủ trong lành.

Việc xuất hiện The Namhai bên cạnh những khu du lịch đẳng cấp quốc tế khác đã có sẵn như Furama, Golden Sand, Life, Victoria, Hoian Riverside, Palm Garden đã tạo ra một thương hiệu mới cũng như một hình thái mới cho hoạt động kinh doanh du lịch biển miền Trung. Với xu thế đó, trong vòng 3 tháng qua, tại bãi biển cửa Đại (Hội An) đã có thêm 4 dự án xây dựng khu du lịch tiêu chuẩn 5 sao khác động thổ. Những khu vực ẩm thực cao cấp, những khu vui chơi hài hòa giữa biển và cát, những bãi tắm VIP dành cho những vị khách khó tính luôn luôn đòi hỏi một thái độ trân trọng với thiên nhiên từ phía người cung cấp dịch vụ.

Việc khai thác du lịch giá rẻ, Thái Lan đã từng trải qua và đã phải trả giá trong những năm 80 của thế kỷ trước hiện vẫn chưa được coi như những bài học ở các khu vực trọng điểm phát triển du lịch trên cả nước. Địa phương nào cũng giữ chủ trương đi “nước đôi”: Có nhà đầu tư lớn vào thì làm lớn, không có thì chia lô bãi biển ra từ 2 đến 3 hecta để đáp ứng các nhà đầu tư nhỏ xây những khu du lịch bình dân. Quan điểm khai thác du lịch giá rẻ đã khiến bán đảo Sơn Trà, một tài nguyên du lịch sinh thái biển quý giá của thành phố, được tổ chức khai thác hết sức vội vã. Có quá nhiều nhà hàng ăn uống, những phòng nghỉ với giá cả thấp bố trí san sát dọc theo các bãi tắm tốt nhất trên sườn núi phía nam.

Một số khu du lịch bình dân như Bãi Bụt, Biển Đông đã cho xây dựng hàng loạt những ngôi nhà mái cọ có thể tiếp nhận hàng trăm du khách cùng một lúc. Lượng khách đến khu vực này vào mỗi mùa hè thường rất đông. Sự ô nhiễm không thể tránh khỏi vì nhu cầu sinh lợi không cao nên khu vực này được đầu tư thấp, hệ thống xử lý nước thải, thu gom rác chưa được tổ chức hoàn chỉnh.

Tại một cuộc hội thảo về tiềm năng kinh tế biển diễn ra ở Nha Trang mùa hè 2007, một số nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo về sự tồn tại của 20 loại nấm, được mệnh danh là những “sát thủ vô hình trên bãi biển du lịch” là tác nhân gây u, viêm cơ quan nội tạng con người đang hoành hành ngày càng nhiều ở các bãi biển miền Trung. Tình trạng các bãi biển buộc phải tiếp nhận một lượng người quá đông đúc trong cùng một thời điểm (vượt mật độ 10 người/m2) mà không được dọn vệ sinh, cát không được lật đảo thường xuyên như các bãi biển quốc tế chính là lý do để những sát thủ tha hồ tung hoành.

Từ năm 2002 đến nay, Thái Lan đã chọn hướng đi ngược lại. Chính phủ nước này đã không tiếc tiền khi đầu tư những con đường mới vào các khu quy hoạch dành cho phát triển du lịch, đi kèm là hiện đại hóa sân bay, bỏ tiền cho ngành may xây dựng những trung tâm thời trang lớn ở Bangkok và hoạch định những dự án du lịch dành cho các nhà đầu tư lớn làm du lịch cao cấp.

Sự thay đổi định hướng phát triển du lịch của Thái Lan cho thấy họ đã quan tâm đến ý kiến của các nhà môi trường và phát triển kinh tế bền vững bằng cách trở thành nơi đón khách ít nhưng chi tiêu cao chứ không khuyến khích xu hướng đón khách nhiều để môi trường bị xâm hại làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác du lịch trong tương lai.

Phương châm hoạt động của ngành du lịch Thái Lan hiện nay được gói gọn trong câu nói sau: Vấn đề là tăng thu nhập bao nhiêu từ mỗi du khách, còn việc tăng thêm bao nhiêu khách không còn là mục tiêu chính. 

GIANG THANH 

.