.
HẢI VÂN QUAN

Bỏ lỡ cơ hội khai thác kinh doanh du lịch

.

Vài trăm lượt du khách (chủ yếu là khách quốc tế) tham quan Hải Vân quan mỗi ngày. Nhưng di tích vẫn mãi trong tình trạng gần như bỏ phế...

Hải Vân quan thuộc Huế hay Đà Nẵng?

Mỗi ngày trung bình khoảng 400 du khách (chủ yếu là khách quốc tế) đến thăm Hải Vân quan, nhưng nơi này gần như bị bỏ phế, các dịch vụ không thống nhất nên khó khai thác chi tiêu của khách.

Câu trả lời là: Ranh giới hành chính vẫn chưa được phân định rõ ràng. Hiện trên Bản đồ du lịch Đà Nẵng do Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng phát hành, và Bản đồ du lịch Việt Nam do Trung tâm Thông tin kỹ thuật du lịch phát hành, di tích Hải Vân quan nằm trong địa phận Đà Nẵng.
 
Tuy nhiên, trong một tham luận hội thảo của Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế tại Đà Nẵng cuối năm ngoái, có đoạn: “Thừa Thiên-Huế còn nổi tiếng bởi những cảnh quan đã đi vào thơ ca như sông Hương, núi Ngự, đồi Vọng Cảnh, Hải Vân quan...”. Nhiều bài viết trên Internet lại ghi: Ngày nay, phía bắc đèo Hải Vân thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía nam đèo thuộc địa phận Ðà Nẵng và đỉnh đèo là ranh giới hành chính giữa hai tỉnh.
 
Phía UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) và một cán bộ Sở Nội vụ cho rằng, hiện Hải Vân quan thuộc cả 2 địa phương, nhưng phần nào thuộc địa phương nào thì... chưa rõ. Và ngay trên đỉnh đèo, phía đối diện với Hải Vân quan, bên cạnh biển hiệu “Thừa Thiên-Huế” màu đỏ là pa-nô lớn ghi: “Nhân dân Đà Nẵng quyết tâm xây dựng thành phố sạch đẹp, văn minh”.

Bỏ lỡ cơ hội khai thác kinh doanh du lịch

Sự không rõ ràng như trên đã dẫn tới việc Hải Vân quan, một di tích có ý nghĩa cả về mặt lịch sử, văn hóa, du lịch gần như bị bỏ rơi trong tình trạng hoang phế, với môi trường, vệ sinh ở mức tệ hại như Báo Đà Nẵng đã nhiều lần phản ánh. Theo ước tính của chúng tôi, trong một buổi sáng có mặt ở đỉnh đèo, trên 200 lượt khách đi đoàn, đi lẻ đã đến thăm khu di tích này, trong đó tới 90% là khách quốc tế. Ông Dương Văn Bé, bảo vệ duy nhất đang “trực chiến” tại đây cho biết, những ngày có khách tàu biển, lượng khách có thể lên đến trên 500 lượt/ngày.

Các tour, tuyến của các hãng lữ hành, khi đưa khách qua đèo đi Huế hoặc đi Hội An, đều có chương trình cho khách dừng chân tại Hải Vân quan. Tuy nhiên, việc tìm hiểu về Hải Vân quan đối với lượng du khách trên là không thể, bởi không mảy may có một thông tin nào về cửa ải. Một hướng dẫn viên quốc tế dẫn đoàn khách Mỹ qua Hải Vân quan không giấu bức xúc: “Du khách hoàn toàn thụ động vào hướng dẫn viên. Mình nói ít thì họ hiểu ít, nói nhiều thì hiểu nhiều”. Cách an toàn của các hướng dẫn viên là giới thiệu tổng quan một số điểm chính, hạn chế để du khách lần bước vào tận bên trong ải, trong các lô cốt, để khỏi phải bịt mũi, nhăn mặt tháo lui vì những bãi phân bò, phân dê.

Thêm vào đó, sản phẩm được bày bán cho khách du lịch không có gì đặc sắc, chỉ quanh đi quẩn lại chuỗi cườm, tượng đá, vòng tay... không hề mang đặc trưng của địa phương nào. Du khách muốn ăn một bữa đặc sản hai miền cũng không có, vì 15 kiốt đều không bán đồ ăn. Người bán mặc đủ loại sắc áo, hòa cùng với những người hàng rong liên tục chèo kéo du khách.

Các kiốt được dựng tạm bợ, thấp, dù bạt đủ màu... Ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Vitours nhận xét: “Mọi dịch vụ đều tự phát, chụp giựt và không theo một hệ thống thống nhất nào”. Chính vì thế, ngoài việc những hộ bán hàng trên bán được một số sản phẩm, nước uống cho du khách, mỗi năm ngành du lịch Đà Nẵng đã bỏ lỡ cơ hội khai thác chi tiêu của khoảng trên 5.000 lượt khách mà phần lớn là khách quốc tế.

Liên kết để kinh doanh du lịch, bao giờ?

Giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế đã có nhiều hội thảo, hội nghị, hợp tác xúc tiến du lịch trong những năm gần đây. Song, việc bàn thảo với Thừa Thiên-Huế để đi đến thống nhất về cải tạo Hải Vân quan mới được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đề cập đến trong một báo cáo gần đây.

Tiếp đó, Sở sẽ trình UBND thành phố quy hoạch cụ thể thành điểm du lịch cấp địa phương bằng cách cải tạo, nâng cấp và xây dựng có hệ thống các kiốt, nhà vệ sinh công cộng, bưu điện, khu ẩm thực, hàng lưu niệm đặc sắc... theo kiểu cơ sở du lịch đạt chuẩn. Đồng thời thành lập Tổ trật tự du lịch chuyên trách các vấn đề an ninh tại khu vực đỉnh đèo; có kế hoạch hỗ trợ dứt điểm cho các hộ hàng rong để họ “xuống núi” làm ăn. Ông Cao Trí Dũng đề nghị thêm: “Hệ thống dịch vụ cần giao cho tư nhân đấu thầu và khai thác, quản lý”.

 

Trước mắt, theo bà Nguyễn Châu Loan, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu, phát triển du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch), trách nhiệm quản lý và bảo đảm vệ sinh, an ninh ở đỉnh đèo vẫn phải do quận Liên Chiểu và phường Hòa Hiệp Bắc đảm nhiệm chủ yếu. Tuy nhiên, ông Trương Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc lại nêu khó khăn là chưa có một chế tài cụ thể, rõ ràng nào để xử phạt các hành vi vi phạm.

 

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.