Từ đường Quán Thánh ra đường Thanh Niên xuôi về dốc Yên Phụ, bên bờ hồ Tây có một bán đảo nho nhỏ, nhấp nhô nhiều tháp và mái chùa vút cao. Chùa Trấn Quốc tọa lạc ngay bên bờ hồ, một thắng cảnh đẹp bậc nhất Hà Nội, khiến chùa lúc nào cũng đông người vào ra.
Ngôi chùa Trấn Quốc được đánh giá là cổ nhất trên đất Hà Nội. Năm 1925 Viện Viễn Đông Bác cổ đã đưa Trấn Quốc vào một trong mười công trình lịch sử giá trị trong toàn cõi Đông Dương. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa sử thì chùa Trấn Quốc được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (544 - 548), nghĩa là từ thuở đất Thăng Long chưa mang tên Thăng Long. Lúc mới ra đời, chùa mang tên Khai Quốc, để ghi nhận sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân.
Qua nhiều thời đại, ngôi chùa này còn thay đổi khá nhiều tên gọi. Thời Lê Thánh Tông (1434- 1442) chùa được gọi là An Quốc. Năm 1638 đổi là Trấn Quốc, năm 1844 gọi là Trấn Bắc… Nhưng người Thăng Long trước sau vẫn gọi ngôi chùa cổ kính này là chùa Trấn Quốc. Vị trí chùa Trấn Quốc cũng đã di chuyển qua nhiều địa điểm. Khởi thủy, thời tiền Lý, chùa được xây dựng trên địa phận thôn An Hoa, sát bờ sông Hồng.
Đến đời Lê Trung Hưng, chùa được dời vào trong đê, thuộc làng Yên Phụ ngày nay, trên nền cũ của cung Thúy Hoa đời Lý… Như vậy là ngôi chùa này cũng khá nổi chìm cùng thế sự, trải qua nhiều đời vua, qua năm tháng dãi dầu mưa nắng suốt dọc dài mười mấy thế kỷ. Tuy nhiên Trấn Quốc là chùa thiêng nên luôn được trùng tu, sửa sang và còn gìn giữ được nét tinh hoa kiến trúc cổ cho đến ngày nay.
Nổi tiếng là ngôi chùa linh thiêng và là nơi danh thắng hữu tình, xưa kia vua chúa, các bậc quyền quý thường đến đây thưởng lãm và dâng hương thờ phượng. Nhưng để đến được ngôi chùa này phải cậy nhờ đến thuyền. Nhìn những con thuyền lướt trên mặt nước thanh bình hồ Tây là phần nào có thể nhận biết thuyền nào của vua, của chúa, của thứ bậc quan lại triều đình, của các bậc phú hộ giàu sang. Vào năm 1624, khi mấy làng quanh hồ Tây cho đắp đê Cố Ngự (sau này đọc chệch là Cổ Ngư), thì dân chúng không còn phải dùng thuyền để dâng hương, vãn chùa nữa. Vào thời Lý- Trần, đã cho xây dựng nhiều cung điện như cung Thúy Hòa, điện Hàm Nguyên... tạo nên một quần thể kiến trúc nguy nga quanh khu vực hồ Tây.
Trải qua nhiều thời kỳ trùng tu, đến nay Trấn Quốc định hình trên bán đảo nhỏ có tên Kim Ngư (Cá Vàng) hồ Tây. Tại chùa Trấn Quốc còn được lưu giữ nhiều tượng cổ, linh thiêng và có giá trị đặc biệt về điêu khắc cổ hoàn mỹ. Tiêu biểu nhất là tượng Thích Ca nhập Niết Bàn. Vào năm 1959, Tổng thống Ấn Độ Prasat sang thăm Việt Nam, ngài đã cho trồng cây bồ đề lưu niệm trong khuôn viên chùa. Ngót nửa thế kỷ, cây bồ đề này đã thành đại thụ, xanh tươi phủ mát lên cõi Phật bình yên như dấu ấn hữu nghị của hai dân tộc, hai nền Phật giáo Việt - Ấn.
Nguyên Phước